Cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc

Ngày 31/10/2019, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV bước vào ngày thảo luận thứ 2 về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2019; Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung - Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp tỉnh Long An, đã nêu những bất cập liên quan đến việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc theo các quy định hiện hành, đặc biệt là trình tự, thủ tục còn phức tạp.

Phiên thảo luận trên hội trường tại kỳ hợp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Phiên thảo luận trên hội trường tại kỳ hợp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Ma túy không còn chỉ xuất hiện ở các vùng đô thị, vùng phát triển KT-XH mà hiện giờ, nó xâm nhập vào các vùng quê yên bình, trong lành trước đây, gia tăng đối tượng nghiện là thanh niên (chiếm trên 30% tổng số người nghiện), tình trạng thanh niên sử dụng ma túy tổng hợp trong các quán bar, nhà hàng, karaoke diễn ra ngày càng phổ biến; thậm chí, ma túy đã xâm nhập vào học đường, giảng đường nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng của thế hệ tương lai của đất nước. Điều đáng quan tâm là các báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 7 và kỳ họp này cũng đánh giá số người nghiện tiếp tục chưa được kiềm chế (cuối năm 2018, toàn quốc có 225.099 người nghiện có hồ sơ quản lý, thực tế ai cũng biết con số này là nhiều hơn).Người nghiện phần lớn đang ở ngoài xã hội là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng, tiềm ẩn phát sinh rất cao tội phạm ở các đối tượng nghiện này. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019, cả nước đã lập hồ sơ 20.114 người giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 9.020 người. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này còn gặp rất nhiều khó khăn, cần phải giải quyết.

Khó đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Một trong những nguyên nhân là do quy định trình tự, thủ tục đưa người nghiện đi cai nghiện không phù hợp với thực tế: Thủ tục rườm rà, qua nhiều cơ quan xét duyệt, người nghiện có nhiều cơ hội bỏ trốn; việc người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian hoàn thiện hồ sơ đưa đi cai nghiện thì giao cho một cơ sở xã hội ở cộng đồng quản lý là không thực hiện được; vấn đề xác định tình trạng nghiện không phù hợp theo quy định pháp luật về tạm giữ người để theo dõi và trình độ cán bộ y tế cấp cơ sở chưa đáp ứng,… Đơn cử như người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tuy nhiên, nhiều đối tượng nghiện ma túy mặc dù đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy do chưa hết thời hạn chấp hành quyết định giáo dục tại cấp xã, nên không thể lập hồ sơ để đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo lộ trình thì Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ đưa ra thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 vào năm 2020 và thông qua tại kỳ họp thứ 10, nếu được thông qua sẽ có hiệu lực sớm nhất là 01/7/2021, vậy từ đây đến tháng 7/2021, Chính phủ có cam kết kéo giảm được số lượng người nghiện ma hay không? Luật Xử lý vi phạm hành chính xác định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy nhưng trình tự, thủ tục như thế nào, cách thức thực hiện ra sao, điều kiện bảo đảm để thực hiện đều do văn bản dưới Luật quy định (như Nghị định 111/2013/NĐ-CP, Nghị định 221/2013, thông tư của các bộ liên quan như Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế,…) vì sao không chủ động sửa các văn bản dưới luật này, trong khi các vấn đề khó khăn bất cập trên đã được nêu ra từ nhiều năm nay.

Khó khăn tại các cơ sở cai nghiện

Một thực trạng tại đa số các cơ sở cai nghiện là cơ sở vật chất xuống cấp, không bảo đảm nhu cầu tối thiểu ăn, ở, sinh hoạt để thực hiện các hoạt động chuyên môn cai nghiện cũng như nhu cầu văn hóa, giải trí của người cai nghiện. Cán bộ chuyên môn về y tế, giáo dục, tư vấn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số cán bộ và không được tập huấn bài bản, thường xuyên. Những năm qua chưa có chiến lược đầu tư cho công tác cai nghiện ma túy với tầm nhìn tổng thể và dài hạn mà chủ yếu là các chương trình, dự án có tính ngắn hạn, tập trung xử lý hệ quả mà không phải là một chính sách đầu tư. Trong khi lĩnh vực này đòi hỏi chuyên môn cao, đa ngành và ổn định nhưng hiện nay chưa có chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực; chưa có chiến lược đầu tư phát triển hệ thống trợ giúp xã hội nhiều tầng cho người sau cai nghiện, người có tiền sử nghiện ma túy; chưa chú trọng đầu tư cho công tác dự phòng. Nguồn lực tài chính rất hạn chế, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; cơ cấu phân bổ tài chính chưa phù hợp, chủ yếu hỗ trợ hoạt động tại cơ sở cai nghiện công lập, chưa chú trọng công tác cai nghiện tự nguyện và các hoạt động hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

Từ những vấn đề trên, đại biểu Dung cho rằng, cần nghiêm túc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành theo hướng khi phát hiện được người nghiện thì có thể đưa đi cai nghiện bắt buộc. Để làm được điều này, Chính phủ phải khẩn cấp, chỉ đạo việc sửa đổi ngay những quy định pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành. Song song đó, phải quan tâm, tập trung đầu tư các cơ sở cai nghiện công lập và có chính sách kêu gọi đầu tư các cơ sở cai nghiện tự nguyện thì mới hy vọng có thể kéo giảm vấn nạn người dân bị nghiện ma túy, góp phần kéo giảm tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội để người người, nhà nhà trên đất nước Việt Nam mỗi đêm đều có giấc ngủ bình yên, cuộc sống hạnh phúc./.

Kiến Quốc

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/can-sua-doi-bo-sung-cac-quy-dinh-lien-quan-den-viec-ap-dung-bien-phap-cai-nghien-bat-buoc-a84686.html