Cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Thống kê

Luật Thống kê 2015 được thông qua tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Sau 5 năm thực hiện, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có tác động tích cực đối với công tác thống kê. Luật Thống kê đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thống kê. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Thống kê cần sửa đổi một số nội dung để phù hợp với tình hình hiện nay.

Cục Thống kê tỉnh hướng dẫn kế toán Công ty CP sản xuất thương mại Hữu Nghị (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì) cung cấp thông tin trên phần mềm phục vụ cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021.

(baophutho.vn) - Luật Thống kê 2015 được thông qua tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Sau 5 năm thực hiện, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có tác động tích cực đối với công tác thống kê. Luật Thống kê đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thống kê. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Thống kê cần sửa đổi một số nội dung để phù hợp với tình hình hiện nay.
Sau 5 năm thực hiện Luật thống kê, mô hình tổ chức ngành Thống kê được đổi mới, hoạt động có hiệu quả, hệ thống thống kê từ Trung ương tới địa phương được củng cố, trình độ, năng lực của người làm công tác thống kê ngày càng được nâng cao, góp phần đảm bảo các thông tin cho hệ thống thống kê Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Hệ thống thông tin thống kê được tập trung, thống nhất, thông suốt và hiệu quả với số lượng, chất lượng thông tin thống kê ngày càng đầy đủ và nâng cao. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong hoạt động thống kê, từng bước triển khai, áp dụng các công nghệ tiên tiến. Đẩy mạnh khai thác và sử dụng dữ liệu hành chính trong công tác thống kê; thông tin thống kê ngày càng đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành của bộ, ngành, Chính phủ và chính quyền địa phương… góp phần tích cực trong công tác hoạch định, điều hành chính sách, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thống kê và phổ biến thông tin thống kê đã được triển khai thực hiện hiệu quả. Nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, vị trí quan trọng của công tác thống kê đối với nhiệm vụ quản lý phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương ngày càng được nâng cao. Công tác thống kê đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đồng chí Đỗ Thị Ngọc Mai - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: “Công tác thống kê Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong cung cấp thông tin thống kê phục vụ các cơ quan nhà nước, các cấp, các ngành trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân. Thời gian qua, các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngày càng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong hoạt động thống kê theo quy định của pháp luật, Luật Thống kê, từ đó tự giác thực hiện nghiêm túc; đã tích cực cung cấp thông tin trong việc triển khai, thực hiện các hoạt động thống kê cũng như chấp hành công tác điều tra và báo cáo thống kê trên địa bàn...”. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Thống kê đã có những hạn chế, bất cập khi thực hiện, như: Lực lượng làm công tác thống kê còn rất mỏng, thiếu người. Việc khai thác dữ liệu hồ sơ hành chính còn hạn chế do một số ngành còn có những quy định đặc thù riêng, có những đơn vị chưa xây dựng hoàn thiện dữ liệu của các chỉ tiêu được phân công, chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Đối tượng cung cấp thông tin chấp hành quy định của pháp luật về thống kê chưa nghiêm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê tại các bộ, ngành, địa phương còn thiếu đồng bộ. Một số chỉ tiêu thống kê có nội dung chưa được quy định nhất quán tại các văn bản pháp luật về thống kê và văn bản quản lý Nhà nước chuyên ngành. Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia hiện nay chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành theo định hướng, chiến lược phát triển mới và thực tiễn sản xuất.Để khắc phục những hạn chế, bất cập đó và nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công tác thống kê, tại Tờ trình Quốc hội số 322/TTr-CP ngày 06/9/2021, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Trên nguyên tắc và phương pháp thống kê đã được quốc tế công nhận, các quy định của Luật Thống kê, các Luật chuyên ngành có liên quan, khả năng có thể tính toán các chỉ tiêu thống kê do các bộ, ngành đề xuất và thực tiễn triển khai của các quốc gia khác trên thế giới, Chính phủ đã nghiên cứu và đề nghị tập trung sửa đổi, bổ sung ba nội dung lớn nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia; không ảnh hưởng, tác động đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành. Ba nội dung cần tập trung sửa đổi, bổ sung, gồm: Bổ sung quy định về việc giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP). Bổ sung quy định về việc định kỳ 5 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội. Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền công bố thông tin của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia. Theo dự kiến, Chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV được khai mạc từ ngày 20/10/2021 và dự kiến bế mạc vào ngày 13/11/2021 sẽ xem xét nhiều vấn đề quan trọng; trong đó có xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê lần này sẽ tạo cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia và xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã làm công cụ để quản lý điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Đồng thời, sẽ là cơ sở để cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030; giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô; bảo đảm yêu cầu so sánh quốc tế trong các lĩnh vực.

Quỳnh Anh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202110/can-sua-doi-bo-sung-mot-so-noi-dung-cua-luat-thong-ke-180376