Cần sửa đổi quy định về phòng cháy, chữa cháy
Thời gian gần đây, tình hình cháy liên tục xảy ra trên phạm vi cả nước, làm thiệt hại tài sản, tính mạng của tổ chức, cá nhân. Dù Nhà nước, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), nhưng một số tổ chức, cá nhân còn chủ quan, mất cảnh giác. Do đó, cần thiết phải ban hành Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC và CHCN) sửa đổi để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã tổ chức buổi hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật PCCC và CNCH năm 2024 để báo cáo Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự án luật và làm cơ sở cho việc trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Dự thảo Luật PCCC và CNCH năm 2024, gồm: 9 chương, 65 điều, dự kiến được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV. Ngoài những quy định chung, dự thảo luật đề xuất bổ sung những quy định cụ thể về PCCC, CNCH; nhiệm vụ của lực lượng PCCC và CNCH; phương tiện PCCC và CNCH; bảo đảm điều kiện cho hoạt động PCCC và CNCH…
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cao việc bổ sung, sửa đổi Luật PCCC và CNCH năm 2024. Tham gia đóng góp ý kiến, luật gia Phan Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia tỉnh cho biết, cần giữ nguyên tên luật, “Luật PCCC và CHCN”. Tại Điều 2 của dự thảo có 20 từ ngữ được giải thích, trong đó có 4 từ ngữ có liên quan được dư luận quan tâm trong thực tiễn thi hành luật thời gian qua, như: Thẩm tra thiết kế về PCCC (Khoản 15); thẩm định thiết kế về PCCC (Khoản 16); nghiệm thu về PCCC (Khoản 17); kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC (Khoản 18).
Thực tế, có những công trình, dự án, khi xây dựng, chủ đầu tư đã có ý thức tuân thủ pháp luật từ hợp đồng thiết kế, thi công, trang bị các phương tiện PCCC, có sự hướng dẫn của ngành chức năng với chi phí khá lớn trong tổng mức đầu tư của công trình; công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Thế nhưng, khi hoạt động, ngành chức năng kiểm tra an toàn PCCC áp dụng các loại vật liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn mới hơn (ban hành sau ngày nghiệm thu, trang bị) xác định công trình, cơ sở kinh doanh chưa đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành cần phải xử lý mới đủ điều kiện hoạt động, dẫn đến doanh nghiệp (DN) bị động, phải tiếp tục đầu tư khắc phục, gây khó khăn, tốn kém cho DN, lãng phí nguồn lực của xã hội.
Có đại biểu nêu ý kiến, về từ ngữ cần giải thích phân tích rõ, ngắn gọn hơn, Điều 7 của dự thảo có nêu, trách nhiệm của cơ quan tổ chức thì tổ chức đây là ai phải cụ thể, bởi mỗi một luật có quy định đối với tổ chức cụ thể, rõ ràng... Tại Khoản 1, Điều 14 giải thích nhất quán về từ ngữ sao cho gọn, dễ hiểu; Điều 7, mục 2, công dân đủ 18 tuổi trở lên đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia đội PCCC và CHCN cơ sở hoặc đội dân phòng khi có yêu cầu... Ngoài ra, về thời hiệu của luật, bố cục dự thảo luật, một số vấn đề liên quan đến quy hoạch trong PCCC; quy định trách nhiệm các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương trong công tác PCCC và CHCN. Đồng thời, rà soát các luật liên quan để tránh chồng chéo mâu thuẫn khi luật ban hành và tạo điều kiện thuận lợi đầu tư cơ sở vật chất PCCC và CHCN.
Cùng đóng góp dự thảo, luật sư Trần Ngọc Bản (đoàn Luật sư tỉnh) cho hay: Về chính sách của Nhà nước về PCCC và CHCN, tại Khoản 5, Điều 4 dự thảo luật quy định: “Bố trí phù hợp lực lượng PCCC và CNCH bám sát địa bàn cơ sở …”. Với quy định này, đề nghị nên xem xét, nghiên cứu, bổ sung thêm cụm từ “bố trí cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, lực lượng PCCC và CNCH bám sát địa bàn cơ sở …”. Bởi nếu chỉ quy định riêng về lực lượng, mà không có phương tiện, thiết bị để phục vụ, thực hiện công tác PCCC và CNCH sẽ không thể thực hiện được. Yêu cầu của công tác CNCH, dập tắt đám cháy phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phải hành động dũng cảm, quyết đoán trong điều kiện môi trường rất khắc nghiệt, có mức độ nguy hiểm, rủi ro cao với mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân và tài sản của Nhà nước. Đề nghị bổ sung quy định rõ hơn các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phục vụ công tác PCCC và CHCN. Đồng thời, cần phải có sự ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm, đầu tư, trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại, kể cả việc trang bị phương tiện là máy bay, nhằm phục vụ tốt nhất và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc cứu người bị nạn, cứu tài sản, dập tắt đám cháy. Có như vậy, mới giải quyết được những khó khăn hiện nay và giúp cho công tác PCCC đạt hiệu quả cao hơn, tạo sự yên tâm trong Nhân dân.
Chủ trì buổi hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và CHCN, đại biểu Quốc hội Phan Huỳnh Sơn ghi nhận sự đóng góp, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu. Trong đó, nhiều đại biểu đã bổ sung một số ý kiến mới, giá trị, nhiều đóng góp chất lượng, sát thực tế để đóng góp cho dự thảo luật. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến của đại biểu trình tại kỳ họp sắp tới trước khi Quốc hội thông qua.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/can-sua-doi-quy-dinh-ve-phong-chay-chua-chay-a405785.html