Cần tái cấu trúc lại tổng cầu của nền kinh tế

Giới chuyên gia nhận định, nền kinh tế 6 tháng cuối năm vẫn có những gam màu sáng. Tuy nhiên để phục hồi và phát triển, cần kịp thời kích thích tổng cầu. Khi tổng cầu tăng sẽ kích tổng cung, các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng, sản xuất sẽ được kích hoạt.

Cũng theo các chuyên gia, hiện trạng của nền kinh tế và những thách thức hiện nay giúp chúng ta nhận thức một yêu cầu quan trọng đối với nền kinh tế. Đó là cần tái cấu trúc lại tổng cầu của nền kinh tế và cũng từ đó có những chỉ dấu cho việc tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhận diện bức tranh kinh tế Việt Nam

Kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đi được hơn nửa chặng đường với nét thăng trầm đậm nét. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng chỉ đạt 3,72%, mức tăng thấp đáng kể so với tốc độ tăng bình quân 6 tháng đầu năm giai đoạn 2016-2022. Sản xuất công nghiệp tăng thấp. Đặc biệt, trong quý II/2023, khối lượng sản xuất của ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành đóng vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm qua, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đến tháng 6/2023, Chỉ số Quản trị Nhà mua hàng sản xuất Việt Nam giảm dưới ngưỡng 50 điểm ở tháng thứ tư liên tiếp. Trong quý II/2023, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh; việc làm cùng với hoạt động mua hàng và niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm. Đây là nguyên nhân dẫn đến khả năng ngành công nghiệp chế biến chế tạo có thể trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài chứ không chỉ là một giai đoạn giảm tạm thời.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng giảm 12,1%, kim ngạch của một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có giá trị thấp trong chi tiêu của hộ gia đình nước ngoài giảm mạnh, ở mức 2 con số: Giày dép các loại giảm 15,2%; Gỗ và sản phẩm gỗ giảm 26,8%; Hải sản giảm 27,4%; Dệt may giảm 15,3%.

Tổng cầu tiêu dùng trong nước 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2,68%, thấp hơn 3,38 điểm phần trăm so với mức tăng 6,06% của cùng kỳ năm 2022. Tổng cầu đầu tư chỉ tăng 1,15%, thấp hơn 2,77 điểm phần trăm so với mức tăng 3,92% của cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế nước ta vẫn có những điểm sáng đáng tự hào, đó là khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp vẫn phát triển như thể nền kinh tế không hề có khó khăn. Xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 6,1%. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, hàng rau quả đạt kim ngạch trên 2,7 tỷ USD, tăng 64,2%; xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7%.

Vốn đầu tư thực hiện nhằm nâng cao năng lực của nền kinh tế trong 6 tháng tăng 4,7%; trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 10 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước là điểm sáng trong thúc đẩy tổng cầu đầu tư của nền kinh tế.

Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế nước ta vẫn giữ được ổn định vĩ mô; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; giảm lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi. Tuy vậy khu vực doanh nghiệp đang ở thời kỳ vô cùng khó khăn, không gánh vác được vai trò phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế nếu không có giải pháp đột phá hỗ trợ doanh nghiệp.

Hoạt động kinh tế nước ta trong 6 tháng cuối năm 2023 và các quý tiếp theo diễn ra trong bối cảnh mới, với cơ hội và thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn, lớn hơn. Hiện nay, phục hồi của kinh tế thế giới đang chững lại, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tiến triển rất chậm. Áp lực lạm phát dai dẳng, Fed và ECB tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao để đưa lạm phát dần về mức lạm phát mục tiêu. Các vấn đề về tài chính của Mỹ và châu Âu đang gây thêm bất ổn cho nền kinh tế thế giới vốn đã phức tạp. Bên cạnh đó, nợ công tăng cao và chi phí lãi vay tăng đòi hỏi chính phủ các nước phải tiếp tục củng cố tài khóa. Điều này làm giảm tổng cầu thế giới, tác động tiêu cực tới các nền kinh tế có chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Cần kích thích kịp thời tổng cầu

Đánh giá tổng quan kinh tế của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ 3,72%.

“Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại. Bên cạnh đó, tình trạng hàng tồn kho tăng lên đáng kể là dấu hiệu cho thấy sự thiếu hụt tổng cầu”, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.

Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo năm 2023 GDP Việt Nam sẽ đạt mức dưới 5%. Phục hồi đến khoảng 5,5-6% vào năm 2024. Sự thiếu hụt tổng cầu (bao gồm các cấu phần tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu của Chính phủ, xuất khẩu ròng) nếu kéo dài sẽ hạn chế tổng cung, làm cho tăng trưởng kinh tế thấp. Tổng cầu tăng sẽ kích tổng cung, các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng thì sản xuất sẽ được kích hoạt, kinh tế mới có thể phục hồi và tăng trưởng.

“Chính phủ Việt Nam cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới” - đại diện WB khuyến nghị.

Nhìn sâu hơn vào bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa đầu năm từ hệ lụy sự suy giảm tổng cầu nêu trên, các chuyên gia cho rằng quý 2 cải thiện hơn so với quý 1 nhưng còn xa con số trung bình 5 năm của giai đoạn trước COVID-19.

Đặc biệt, trong quý 2, khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 2,5% so với trung bình 5 năm giai đoạn 2015-2019 đạt 8,5%. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục suy giảm mạnh, đặc biệt những ngành liên quan tới công nghiệp chế biến, chế tạo hướng ra xuất khẩu sụt giảm rất mạnh so với những năm trước. Sang quý 2/2023, ngành công nghiệp có những chuyển biến tích cực hơn so với quý 1/2023, mặc dù tăng trưởng vẫn ở mức thấp trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới

Theo ghi nhận, tốc độ giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp nói chung và sản xuất chế biến, chế tạo nói riêng trong quý 2 lần lượt tăng khoảng 1,56% và 1,18%, tránh được tăng trưởng âm hai quý liên tiếp. Tuy nhiên, rất nhiều ngành nghề có chỉ số sản xuất công nghiệp âm.

Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng TCTK là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào thị trường quốc tế. Trong khi cầu thế giới suy giảm, sản xuất trong nước khó khăn cả đầu vào, đầu ra, bài toán tăng trưởng tập trung vào kích thích sản xuất sẽ ít hiệu quả. Thay vào đó, cần kích cầu tiêu dùng và mở rộng đầu tư để từ đó quay trở lại hỗ trợ phát triển sản xuất.

Để thúc đẩy tổng cầu, Chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế, tập trung vào các công trình hạ tầng quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, việc tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng gián tiếp làm tăng tổng cầu. Nhiều biện pháp kích cầu khác cũng đang được triển khai như điều chỉnh giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh; miễn, giảm, giãn thuế và các loại phí, trong đó có chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT).

“Với việc triển khai đồng thời một loạt các biện pháp kích cầu, kết hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cầu nội địa sẽ được cải thiện đáng kể, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế. Cầu tiêu dùng tăng cao sẽ là động lực cho nền kinh tế, thị trường nội địa là điểm tựa cho doanh nghiệp trong những lúc thị trường bên ngoài biến động”, Tổng cục trưởng TCTK nhấn mạnh.

Sắp có Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất và kinh doanh, thông tin này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây.

Bộ KH&ĐT đã có Tờ trình số 5152 gửi Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết nêu trên. Theo đó, Việt Nam sẽ quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả, tranh thủ mọi thời cơ, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả phía cung và cầu của nền kinh tế....; phối hợp đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, tài khóa, các chính sách về thương mại, quản lý ngành, lĩnh vực nhằm gỡ khó sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ phục hồi tăng trưởng bền vững, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cân bằng hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá...

Sau khi tăng trưởng GDP 6 tháng năm nay ước chỉ đạt 3,72%, thấp hơn so với kịch bản đã đề ra, Bộ KH&ĐT đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay. Với kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm 2023 dự kiến đạt 6%, tăng trưởng quý III/2023 phải đạt 6,8%, quý IV/2023 đạt 9%, cao hơn lần lượt 0,3 điểm phần trăm và 1,9 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tính chung 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 8,0%.

Kịch bản 2, để tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%, tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3%, cao hơn lần lượt 0,9 điểm phần trăm và 3,2 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thậm chí chỉ là 6%, trong hai quý còn lại của năm, tốc độ tăng trưởng phải đạt ở mức rất cao, không phải chỉ là 7 - 7,5% như kịch bản đã được cập nhật hồi đầu tháng 4/2023, mà phải lên tới 8 - 9%. Đây là một thách thức không nhỏ.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, với nhận định tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp và khó lường, Thủ tướng Chính phủ đặt trọng tâm vấn đề tăng cường phân tích dự báo. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương bám sát quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải giữ cho bằng được ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là yếu tố nền tảng để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các động lực tăng trưởng.

Trên cơ sở như vậy, nhóm giải pháp này tập trung vào việc tiếp tục điều hành hàng hóa, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cũng như kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục cải thiện lãi suất cho vay để kích thích, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế cũng như tiếp tục các giải pháp hỗ trợ chính sách tài khóa về miễn, giảm thuế, triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT 2%.

“Trọng tâm tiếp theo, rà soát tất cả động lực tăng trưởng để tác động kích thích tăng trưởng. Có hai khía cạnh để chúng ta thúc đẩy động lực này. Đầu tiên là tháo gỡ khó khăn. Khi chúng ta tháo gỡ được một số khó khăn, điểm nghẽn đồng nghĩa chúng ta tăng thêm động lực cho tăng trưởng, khơi thông được động lực từ đầu tư của khu vực tư nhân”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh. Ngoài ra, cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đây là một trong những nhiệm vụ để khắc phục được hạn chế về tinh thần trách nhiệm đối với một số cán bộ.

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-tai-cau-truc-lai-tong-cau-cua-nen-kinh-te-post257007.html