Cần tái cấu trúc Trường cao đẳng Bình Phước

Trường cao đẳng Bình Phước thành lập ngày 11-11-2019, trên cơ sở sáp nhập 3 trường cao đẳng gồm: Sư phạm, Y tế và Cao đẳng nghề. Sau hơn 2 năm sáp nhập với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hùng hậu, trình độ cao nhưng việc 'tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả' vẫn còn 'giậm chân tại chỗ'. Thực tế này đòi hỏi nhà trường cần được tái cấu trúc để bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại.

Ngành sư phạm “hoàn thành sứ mệnh”

Sau khi sáp nhập, nguồn nhân lực của Trường cao đẳng Bình Phước “rất dồi dào” với gần 200 viên chức, giáo viên, trong đó gần 50% công tác ở Trường cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Bình Phước. Đây là đội ngũ được đào tạo bài bản, có trình độ đạt chuẩn trở lên, đam mê, nhiệt huyết và đang trong độ chín của tuổi nghề.

Trường CĐSP Bình Phước thành lập năm 2003, trên cơ sở nâng cấp từ Trường trung cấp Sư phạm Bình Phước. Khi được nâng cấp, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường rất đông, có năm trên 3.000 hồ sơ. Lý do ở thời điểm đó sư phạm là ngành “hot” và tỉnh Bình Phước mới tái lập nên giáo viên thiếu trầm trọng. Nhưng khoảng từ năm 2010 trở về sau, số lượng giáo viên ở bậc mầm non, tiểu học và THCS dần bão hòa, sinh viên ra trường khó xin được việc làm, vì thế số lượng đăng ký thi vào trường ngày càng ít. Có thời điểm trường được phép tuyển sinh đào tạo 22 mã ngành, nhưng chỉ tuyển sinh 3 ngành sư phạm chính là tiếng Anh, tiểu học và mầm non.

Giờ thực hành cơ khí chế tạo của học viên Trường cao đẳng Bình Phước

Giờ thực hành cơ khí chế tạo của học viên Trường cao đẳng Bình Phước

Thực hiện Luật Giáo dục sửa, đổi năm 2019, từ ngày 1-7-2020 các trường CĐSP chỉ có thể đào tạo giáo viên mầm non hệ cao đẳng và “đặt dấu chấm hết” đối với các chuyên ngành đào tạo giáo viên tiểu học và THCS. Theo quy định như những năm trước đây, giáo viên bậc mầm non, tiểu học chỉ cần có bằng trung cấp sư phạm, giáo viên bậc THCS chỉ cần có bằng CĐSP là đạt chuẩn. Tuy nhiên, từ sau ngày 1-7-2020 thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Tại Điều 72 của Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “Đối với giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp CĐSP trở lên; giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên”.
Theo quy định này, từ ngày 1-7-2020, Trường cao đẳng Bình Phước chỉ đào tạo giáo viên mầm non hệ cao đẳng, việc thu hút đầu vào vì vậy càng khó hơn gấp bội. Cô Nguyễn Bích Liên, Phó hiệu trưởng trường cho biết, ngoài 1 lớp CĐSP mầm non đã hoàn thành khóa học, sắp ra trường thì đơn vị hiện chỉ còn 4 lớp sư phạm mầm non, gồm 2 lớp K24 và 2 lớp K25 với tổng 72 sinh viên, trung bình mỗi lớp 18 sinh viên. “Trước đó, khi tuyển sinh đầu vào mỗi lớp hơn 20 sinh viên, tuy nhiên trong quá trình học, các em bỏ học dần nên sĩ số sinh viên/lớp thấp như hiện nay” - cô Liên cho hay.

Ngoài sư phạm thì nhóm ngành sức khỏe (Cao đẳng Y - Dược) vẫn khó tuyển sinh đầu vào, chủ yếu là liên kết đào tạo liên thông, vì thế dự kiến sẽ dừng tuyển sinh trong năm nay. Nhóm ngành đào tạo nghề đang “hot”, tuy nhiên so với thực tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, năng lực đào tạo mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu.

Hướng đi tất yếu

Thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nguồn nhân lực của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bình Phước nói riêng đang ở trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Trong khi nhiều cử nhân, thạc sĩ ra trường không xin được việc làm buộc phải chuyển hướng làm công nhân hoặc các ngành nghề trái với chuyên môn thì lại thiếu lực lượng lao động có trình độ tổ chức sản xuất, kinh doanh, thợ kỹ thuật trong các doanh nghiệp, khu vực kinh tế. Một trong những nguyên nhân chính là do các trường vẫn đang đào tạo “cái mình có” hoặc đào tạo theo thị hiếu của người học, chứ chưa theo nhu cầu thực sự của thị trường lao động.

Trường CĐSP Bình Phước một thời vàng son nay đã “hoàn thành sứ mệnh”

Trường CĐSP Bình Phước một thời vàng son nay đã “hoàn thành sứ mệnh”

Nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại trong công tác đào tạo, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội, địa phương, UBND tỉnh xây dựng, thực hiện “Đề án tái cấu trúc, phát triển Trường cao đẳng Bình Phước giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2045”. Đây là hướng đi tất yếu, cuộc “đại phẫu” để tinh gọn bộ máy, phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Mục tiêu đến năm 2025, Trường cao đẳng Bình Phước là trung tâm thu hút đào tạo và dạy nghề cho tỉnh Bình Phước, là trường tiên phong, linh hoạt, sáng tạo, chuyển đổi mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp - nhà trường, tạo ra lợi ích thiết thực. Đến năm 2030 là trường đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, tự bảo đảm chi thường xuyên, đẩy mạnh hợp tác liên kết, là mô hình điểm về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới.

Theo đề án tái cấu trúc, trường sẽ tổ chức đào tạo 26 ngành, nghề; trong đó cao đẳng 9, trung cấp 11, sơ cấp 6 và dự kiến đến năm 2030 sẽ có gần 13 ngàn học sinh, sinh viên. Tổ chức bộ máy gồm 1 hiệu trưởng, 3 phó hiệu trưởng, 4 phòng, 5 khoa chuyên môn, 2 trung tâm trực thuộc với tổng 163 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Và chính sách nhân văn

Với số lượng giảng viên đông, chất lượng, nhất là nhóm ngành sư phạm, nhưng những năm gần đây nhiều ngành không tuyển sinh được sinh viên hoặc nhóm ngành bị “xóa sổ” nên gây khó khăn cho việc sắp xếp giảng viên đứng lớp, bố trí công việc đủ tiết dạy theo quy định. Có giáo viên làm không hết việc nhưng cũng có nhiều trường hợp dạy rất ít tiết hoặc không có lớp dạy nên phải làm công việc khác không theo ý muốn. Điều này một mặt không phát huy được năng lực, sở trường, mặt khác, không nâng cao thu nhập nên nhiều giáo viên đã xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác.

Trường hiện có 156 biên chế, trong đó có 91 viên chức, giáo viên thuộc diện dôi dư do dừng các ngành nghề đào tạo. Trong số này, trường giữ lại 31 người để dạy chuyên ngành mầm non, các môn cơ bản và làm việc tại các phòng chức năng; còn lại 60 giảng viên, viên chức đề nghị chuyển công tác hoặc nghỉ việc hưởng chế độ theo quy định. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu đào tạo ngành nghề đến năm 2025, trường cần bổ sung 85 giáo viên dạy nghề.

Trên thực tế, từ ngày 1-7-2020, sau khi Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 có hiệu lực thì nhiều trường CĐSP trong cả nước bị “xóa sổ” hoặc chuyển hướng đi mới. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cán bộ, giảng viên bị mất việc hoặc phải tự tìm việc làm mới thì ở Bình Phước vẫn giữ nguyên. Đặc biệt, thực hiện đề án tái cấu trúc, ngoài những viên chức, giảng viên tự nguyện xin nghỉ việc hưởng chế độ thì số còn lại được Sở Nội vụ gửi danh sách về các sở, ngành, địa phương nhằm rà soát lại nguồn nhân lực đối với ngành giáo dục và ngành y tế để tận dụng hiệu quả số viên chức, giảng viên dôi dư chất lượng cao của trường. Đây là chính sách rất nhân văn “không bỏ ai ở lại phía sau” của tỉnh.

Bất kỳ một thay đổi lớn nào cũng cần sự quyết tâm cao, tinh thần mang tính cách mạng và hành động nhất quán. Quyết tâm, tính nhân văn và sự sâu sát của lãnh đạo tỉnh đã rõ ràng. Điều cần hiện nay là sự đồng lòng, thấu hiểu và cùng thực hiện tốt chủ trương lớn từ mỗi cán bộ, giảng viên của Trường cao đẳng Bình Phước, đúng với sự thích nghi, tính tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên, nhà giáo, đóng góp vì sự phát triển chung của tỉnh.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/133430/can-tai-cau-truc-truong-cao-dang-binh-phuoc