'Cần tận dụng cơ hội lịch sử để trở thành mắt xích của chuỗi sản xuất chip toàn cầu'

Từ trường hợp của Malaysia, PGS.TS Nguyễn Trung Dân cho rằng nếu chỉ nắm giữ một phần nhỏ trong tỷ trọng của chuỗi sản xuất chip toàn cầu thì nước ta cũng sẽ có đà tăng trưởng rất đáng mong chờ. Và 'nếu không có nỗ lực phi thường thì cơ hội lịch sử sẽ không bao giờ trở lại lần nữa'...

Sáng 11.1 tại Nam Thi House (TP.HCM), tác giả - PGS-TS. Nguyễn Trung Dân cùng khách mời là nhà khoa học - TS. Nguyễn Xuân Xanh đã có buổi tọa đàm ra mắt sách “Khi con chip lên ngôi”. Tại đây, những bài học quốc tế cũng như vấn đề Việt Nam cần phải làm gì để nắm bắt “thời cơ” đã được thảo luận một cách sôi nổi.

Quang cảnh buổi ra mắt cuốn sách Khi con chip lên ngôi và trò chuyện cùng tác giả Nguyễn Trung Dân và người viết lời giới thiệu cuốn sách - TS. Nguyễn Xuân Xanh. Ảnh Trung Dũng

Cơ duyên từ tuyến bài trên Người Đô Thị

Chia sẻ về tác phẩm này, tác giả Nguyễn Trung Dân cho biết cuốn sách ra đời một cách gần như ngẫu nhiên. Vào năm 2011, một giáo sư Hàn Quốc đã kể ông nghe câu chuyện “như cổ tích” của Morris Chang - nhà sáng lập tập đoàn sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) – khi từ một người “sa cơ lỡ vận”, thất thế ở Mỹ, đã giúp Đài Loan xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn quan trọng bậc nhất mà. Đáng nói là ở giai đoạn 1987, những điều kiện hạ tầng công nghệ cho công nghiệp bán dẫn của Đài Loan gần như là con số 0.

Được truyền cảm hứng, ông Dân có ý định sẽ viết lại hoặc chia sẻ về Morris Chang nhưng công việc bận rộn khiến ông chưa thể thực hiện được. Năm 2020 khi Covid-19 hoành hành trên toàn cầu, gây ra tình trạng đứ gãy chuỗi cung ứng, cùng những tác động từ xung đột chính trị dẫn đến tình trạng khan hiếm chip bán dẫn một năm sau đó. Quan sát thấy vấn đề chip bán dẫn được thảo luận nhiều, ông Dân phát hiện nhiều người, trong đó có cả những người trong giới nghiên cứu chưa được hiểu một cách thấu đáo, rõ bản chất của con chip cũng như ngành công nghiệp bán dẫn.

Tác giả Nguyễn Trung Dân cho biết hiện nay là một cơ hội tuyệt vời, không nên bỏ lỡ của nước ta. Ảnh: Trung Dũng

Từ thực tế này, nhờ cơ duyên gặp gỡ và khuyến khích từ nhà báo Trần Trung Chính từ trước đó, ông Dân đã viết một tuyến bài gồm 12 kỳ chia làm hai đợt với chủ đề: Người gầy dựng nền công nghệ chip bán dẫn của Đài Loan"Cơn khát" chip bán dẫn khiến cả thế giới lao đao, đăng tải trên Tạp chí Người Đô Thị năm 2021 và 2022. Các tuyền bài đều nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận, đặc biệt có những diễn đàn chuyên môn chia sẻ lại và thảo luận sôi nổi. Tác giả Nguyễn Trung Dân cho biết từ tiền đề các bài viết này, vào tháng 4.2024, Nhã Nam gặp ông và đặt vấn đề và vào tháng 8.2024, ông tác phẩm này đã được viết xong.

Nói về chip bán dẫn, tác giả Nguyễn Trung Dân cho biết chip điện tử hầu như đã tiến tới giới hạn cuối cùng về mặt vật lý, nhưng cũng đồng thời mở ra khả năng vô cùng to lớn cho tương lai gần qua các công nghệ ngày càng phát triển như trí tuệ nhân tạo (AI), lượng tử... Do đó ngành này vẫn đang thu hút nhiều sự quan tâm, không chỉ vì là “nhân vật chủ chốt” trong thương chiến Mỹ - Trung mà còn là một cơ hội cho các quốc gia, nơi chuỗi dây chuyền sản xuất chip đang có xu hướng mở rộng ra thêm.

Nhận xét về cuốn sách Khi con chip lên ngôi, TS. Nguyễn Xuân Xanh đánh giá đây là cuốn sách vô cùng căn bản mà ai cũng nên đọc để hiểu rộng hơn và sâu sắc hơn về một trong những phát minh quan trọng nhất của thời đại này, từ các nhà làm luật, giới làm chính sách cho đến những nhà trí thức, sinh viên - học sinh. Ông Xanh ví việc đọc cuốn sách như nghe một bản nhạc thản nhiên, vui tươi và được truyền đầy cảm hứng. Ông cũng không ngại đánh giá đây là “cuốn sách hay nhất viết về lịch sử phát triển của chip từ những năm 1940 cho đến hiện nay và cả triển vọng sau này”.

Ông Xanh bộc bạch tác giả Nguyễn Trung Dân đã viết “rộng và sâu”, và không phải ai cũng có thể viết được một tác phẩm như thế, bởi theo ông, phải có chuyên môn về vật lý lượng tử, vật lý lý thuyết, phải “lăn lộn” trong lĩnh vực ứng dụng và theo dõi diễn biến thường xuyên của thế giới thì mới mang đến được bức tranh toàn cảnh như cuốn sách đề cập, qua đó phần nào cho thấy sự nhiệt tình và trách nhiệm của tác giả...

TS. Nguyễn Xuân Xanh cho biết Việt Nam phải khao khát trở thành quốc gia công nghiệp, bởi có khao khát thì ta mới có động lực bắt tay vào hành động. Ảnh: Nhã Nam

TS. Nguyễn Xuân Xanh cho biết Việt Nam phải khao khát trở thành quốc gia công nghiệp, bởi có khao khát thì ta mới có động lực bắt tay vào hành động. Ảnh: Nhã Nam

Công nghiệp chip bán dẫn và những hình mẫu học hỏi

Nói sâu hơn về nội dung cuốn sách, tác giả Nguyễn Trung Dân đã dành phần lớn thời lượng để thảo luận về cách mà các quốc gia “mở đường” cho ngành công nghiệp chip của mình. Minh chứng đầu tiên đó là Đài Loan. Theo ông, cuối thập niên 1990, chính quyền Đài Loan đã rất thông minh cũng như dũng cảm để đặt niềm tin vào Morris Chang. Ông dẫn chứng chính phủ rất tạo điều kiện dù đây là một doanh nghiệp tư nhân bằng cách hỗ trợ 110 triệu USD cho lĩnh vực này, phần còn lại tương đương do khối tư nhân tự mình bỏ ra.

Ngoài sự hỗ trợ kể trên, thì cả TS. Nguyễn Xuân Xanh và ông Dân cũng đồng quan điểm Đài Loan có hệ thống đào tạo nhân sự lành nghề rất tốt. Họ không đào tạo “thầy dạy” mà thay vào đó ý thức một khi thợ tốt thì sẽ kéo “thầy” từ các nơi khác về. Ông Xanh cũng bổ sung thêm vào thập niên 1970, 1980, Đài Loan đã có tầm nhìn rất xa để đưa kỹ sư sang Mỹ du học rồi làm việc trong các thung lũng công nghệ, và sau đó khi trở về nước. Những du học sinh này đã góp phần biến những khu công nghiệp như Tân Trúc làm nên kỳ tích.

Cuốn sách Khi con chip lên ngôi do Nhã Nam và NXB Công Thương ấn hành. Ảnh: Nhã Nam

Một quốc gia khác cũng đang vươn lên trong ngành này là Malaysia. Ông Dân dẫn chứng quốc gia Đông Nam Á này hiện có 25% GDP là đóng góp từ ngành sản xuất chip và đã chiếm được 13% thị phần trong chuỗi sản xuất chip toàn cầu. Có được điều này là bởi từ những năm 1980, Mỹ đã đổ vào đây nhiều khoản đầu tư, khiến Malaysia có lúc được gọi là “Thung lũng silicon” của riêng châu Á. Tuy vậy, vì biết nếu cứ yên lòng nằm ở những khâu thấp nhất trong chuỗi sản xuất như lắp ráp, kiểm tra mà không tiến hành đào tạo, nghiên cứu thì dễ bị đào thải, thay thế do đó trong những năm qua, Malaysia không ngừng nâng cao hơn nữa vị thế để có những trung tâm thiết kế, kết nối để gia tăng "sức mạnh" của chip...

Lựa chọn nào cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam

Trở về câu chuyện nước nhà, ông Dân cho rằng những chuyển động về mặt chính sách dành cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam trong thời gian qua là tín hiệu tốt. Tuy nhiên còn cần thêm những điều kiện, yếu tố khác để phát triển lĩnh vực đặc biệt này, không bi quan với hiện tại đang có nhưng cũng không nên "lạc quan tếu".

PGS-TS. Nguyễn Trung Dân cho rằng Việt Nam nếu muốn bứt phá thì phải quan tâm hơn và có cách tiếp cận khác về đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Ảnh: Nhã Nam

PGS-TS. Nguyễn Trung Dân cho rằng Việt Nam nếu muốn bứt phá thì phải quan tâm hơn và có cách tiếp cận khác về đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Ảnh: Nhã Nam

Ông Dân bộc bạch khoảng 40 năm trước, hệ thống đào tạo của chúng ta không hề thua kém Trung Quốc, thế nhưng trong khoảng 10 năm gần đây, thì giới hạn này ngày càng tách biệt. Vì vậy, nhà khoa học có 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng của bán dẫn từ các ứng dụng cơ bản đến các ứng dụng hết sức đặc biệt như máy tính quang tử và lượng tử khẳng định, Việt Nam nếu muốn bứt phá thì phải quan tâm hơn và có cách tiếp cận khác về đào tạo nhân lực ngành bán dẫn.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Xuân Xanh khi chỉ ra hiện trạng (dù là rất nhỏ) là các đầu sách khoa học, công nghệ không được đầu tư quảng bá, không được độc giả biết đến... và chỉ cần thế thôi thì nước ta cũng đã đi sau rất nhiều nước khác.

Qua trường hợp của Malaysia, có thể thấy nếu chỉ nắm giữ một phần nhỏ trong tỷ trọng của chuỗi sản xuất chip toàn cầu, thì nước ta cũng sẽ có đà tăng trưởng rất đáng mong chờ. Ông Dân cho biết ngay bây giờ đây là một thời cơ vô cùng quan trọng, khi Việt Nam là một trong bảy quốc gia được Mỹ ưu tiên xem xét để trở thành mắt xích của chuỗi sản xuất chip toàn cầu nhằm tránh thế độc quyền của Trung Quốc.

Nhưng cơ hội này không tồn tại mãi và ông nhấn mạnh một lần nữa đó là cần tránh việc lạc quan thái quá. Ông cho biết tuy có lợi thế về mặt con người khi nhân lực không thua kém các quốc gia khác, nhưng nếu các yếu tố xung quanh như thể chế, cơ sở hạ tầng... không đủ đáp ứng, thì “cánh cửa” này sẽ sớm đóng lại. Ông Dân khẳng định: “Nếu không có nỗ lực phi thường thì cơ hội lịch sử sẽ không bao giờ trở lại lần nữa”.

Dẫu vậy ông cũng cho biết không nên quá tự ti về mặt bằng hiện tại, vì thực tế cho thấy ngay cả khi các tiềm lực ngang bằng nhau, thì tình hình cũng có thể rất khác. Điều này được ông dẫn chứng qua việc lôi kéo bất thành của bang Texas trong suốt nhiều năm đối với các công ty công nghệ tại bang California, dù hai bang này tương đối giống nhau về nhiều điều kiện kinh tế, xã hội. Do đó có thể coi “chính sách quốc gia là chìa khóa để thành công” và để có điều đó, thì “quyết tâm và chính sách thích hợp” là không thể thiếu.

Ông Dân cho biết trường hợp của Malaysia cho thấy nếu chỉ nắm giữ một phần nhỏ trong tỷ trọng của chuỗi sản xuất chip toàn cầu, thì nước ta cũng sẽ có đà tăng trưởng rất đáng mong chờ. Ảnh: Nhã Nam

Ông Dân cho biết trường hợp của Malaysia cho thấy nếu chỉ nắm giữ một phần nhỏ trong tỷ trọng của chuỗi sản xuất chip toàn cầu, thì nước ta cũng sẽ có đà tăng trưởng rất đáng mong chờ. Ảnh: Nhã Nam

Đứng trước câu hỏi phải làm sao để tận dụng thời cơ, TS. Nguyễn Xuân Xanh cho biết trước bất lợi về khả năng tiếp thu, khả năng sáng tạo về khoa học công nghệ còn thấp, thì điều cần thiết nhất bây giờ là phải đọc sâu, nghiên cứu sâu, phải kết nối với thế giới cũng như thay đổi tư duy để thật sự tập trung vào lĩnh vực này. Ông cũng nói thêm cần phải có thêm hạ tầng là các trường đào tạo, các viện nghiên cứu.... và quan trọng nhất là khao khát trở thành quốc gia công nghiệp. Bởi một khi có khao khát thì ta mới có động lực bắt tay vào hành động.

Kết thúc tọa đàm, tác giả Nguyễn Trung Dân chia sẻ bản thân đang ấp ủ một tác phẩm khác về Bell Labs – nơi sản xuất ra những công nghệ làm thay đổi thế giới. Có thể nói bằng những tác phẩm gần gũi với đại chúng nhưng vẫn bám sát tình hình thế sự, Khi con chip lên ngôi chính là tác phẩm cần thiết để từ hiểu đến hành động và không bỏ qua thời điểm quan trọng để Việt Nam “cất cánh”.

Minh Anh lược thuật

PGS-TS. Nguyễn Trung Dân đã có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng của bán dẫn, từ các ứng dụng cơ bản đến các ứng dụng hết sức đặc biệt như máy tính Quang tử và lượng tử... Hiện ông đang là Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Corning, New York, Mỹ.

Trước đây, ông là phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Arizona và từng nghiên cứu chính cũng như chủ trì một số đề tài nghiên cứu của Air Force Research Lab, Naval Research Lab và Office of Naval Research của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/can-tan-dung-co-hoi-lich-su-de-tro-thanh-mat-xich-cua-chuoi-san-xuat-chip-toan-cau-46766.html