Cần tăng cường chế tài, xử lý nghiêm khắc với tội phạm ma túy

Trong phiên thảo luận về các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 ngày 4-11, phòng, chống ma túy và công tác phòng chống tham nhũng là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.

Nhấn mạnh đằng sau sự bình yên của đất nước là sức lực, là trí tuệ của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, của các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có lực lượng Công an nhân dân đang ngày đêm chiến đấu quên mình vì sự bình yên của cuộc sống, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết, trong cuộc chiến đấu thầm lặng đầy cam go, quyết liệt ấy, máu của các chiến sĩ Công an nhân dân đã đổ. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ này, từ năm 2016 đến nay đã có 45 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hơn 365 đồng chí bị phơi nhiễm HIV, 1.314 cán bộ, chiến sĩ bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Trong đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương, di tật, di chứng để lại suốt đời và hết sức nặng nề.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu, cử tri và Quốc hội vẫn băn khoăn, lo lắng về diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm ma túy. Những băn khoăn đó, theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu là có cơ sở. Đại biểu cho rằng, hiện nay, có 4 vấn đề mới đang nổi lên ở nước ta: Số lượng ma túy thu được trong các vụ án ngày càng lớn và nguy cơ Việt Nam trở thành một địa bàn trung chuyển. Người nghiện ma túy trẻ hóa và gia tăng nhanh. Tình trạng ngáo đá và nhiều đối tượng ngáo đá đã gây ra các vụ thảm án gây dư luận bức xúc. Xuất hiện các đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam để sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy.

Trong khi đó, lại có nhiều khó khăn từ thực tiễn đấu tranh với tội phạm ma túy như, có sự chia cắt trong tổ chức lực lượng và địa bàn đấu tranh, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy ngày càng thu hẹp, lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy tại các địa bàn trọng điểm còn rất mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu...

 Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Nêu dẫn chứng cụ thể từ hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy còn nhiều bất cập, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết: Hành vi tổ chức và chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy do những người nghiện ma túy thực hiện đều không bị xử lý bằng hình sự. Hướng dẫn này là trái với thực tiễn, làm "trói tay, trói chân" các cơ quan bảo vệ pháp luật, là một trong những nguyên nhân quan trọng làm sót, lọt tội phạm, phát sinh băng nhóm và gia tăng người nghiện trong lớp trẻ”.

Để ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm ma túy trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu kiến nghị 4 vấn đề. Trong đó, đối với Quốc hội, cần chỉ đạo sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản liên quan, bảo đảm đồng bộ và phù hợp với thực tiễn. Cần tăng cường chế tài xử lý nghiêm khắc với tội phạm ma túy, nhất là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong lớp trẻ, các đối tượng ngáo đá. Việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện phải thông thoáng hơn, dễ dàng hơn, coi cai nghiện tập trung vẫn là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, cần bổ sung kinh phí ngân sách đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ lo lắng khi tình trạng vi phạm pháp luật về ma túy ngày càng nhức nhối hơn, với phương thức, thủ đoạn manh động, liều lĩnh của các đối tượng khi bị phát hiện, kể cả người nước ngoài; việc vận chuyển, mua bán với số lượng lớn ma túy qua các cửa khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, cảng biển, cảng hàng không rất tinh vi nhằm che mắt các cơ quan chức năng diễn ra có lúc, có nơi chưa phát hiện được, các vụ phát hiện với số lượng cả tấn... Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng chất ma túy chưa được kiềm chế diễn ra khắp nơi, ở đô thị lẫn nông thôn, gây tâm lý bất an trong xã hội, kể cả người thân của đối tượng sử dụng, việc xem người nghiện ma túy là người bệnh, khi phát hiện thời gian làm thủ tục đến khi Tòa án tuyên đối tượng đủ điều kiện đưa vào trại cai nghiện phải mất vài tháng, có vụ việc đối tượng đã gây án nguy hiểm, trước khi đưa vào trại.

Nhấn mạnh đó là nguyên nhân chính phát sinh tội phạm và người sử dụng ma túy gia tăng, đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị cần cân nhắc lại tính pháp lý cho phù hợp với thực tiễn của đất nước ta.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) thì quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng. Đánh giá cao việc trong thời gian vừa qua, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được điều tra, khám phá và được đưa ra truy tố, xét xử, đại biểu cho rằng, điều này đã đáp ứng được công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đáng lưu ý là một số vụ án tham nhũng đã được cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được yếu tố tham nhũng, yếu tố chiếm đoạt, hay nói cách khác là chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ để xử lý nghiêm minh như vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn lên tới hàng triệu đô la Mỹ.

Theo đại biểu, đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam, các bị cáo trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền lớn đến như vậy. Điều này cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều cố gắng trong việc đấu tranh, thuyết phục để các bị cáo thừa nhận hành vi.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trên thực tế vẫn còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội phạm kinh tế, như tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

"Phải nói rằng việc chứng minh này là rất khó vì các đối tượng thường tìm mọi cách che giấu hành vi và việc đưa và nhận hối lộ rất khó chứng minh, đa phần chỉ chứng minh khi qua phạm tội quả tang mà khó chứng minh qua án truy xét. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khó nhưng không phải là không làm được”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu cũng cho rằng, thời gian vừa qua, dư luận cho rằng một số vụ án tham nhũng lớn khi hành vi phạm tội đã được chứng minh, một số bị cáo đã nộp lại rất nhiều tiền và được cơ quan điều tra đề nghị cho hưởng chính sách hình sự đặc biệt. “Đề nghị cơ quan điều tra làm rõ chính sách hình sự đặc biệt, vì chính sách này vừa không rõ về nội hàm, không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật hình sự và tố tụng hình sự nào. Nếu muốn thực hiện thì cần quy phạm hóa để quyết định rõ trường hợp nào được áp dụng, đối tượng nào được áp dụng và nếu được áp dụng thì được hưởng những gì. Có như vậy mới bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và sự công bằng trong việc áp dụng chính sách hình sự”, đại biểu nhấn mạnh.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/can-tang-cuong-che-tai-xu-ly-nghiem-khac-voi-toi-pham-ma-tuy-599064