Cần tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với suất ăn học đường
Gần đây nhiều phụ huynh ở TP. Hồ Chí Minh lo ngại về một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại nhà trường. Mặc dù suất ăn dành cho học sinh các trường học trên địa bàn thành phố đều được thường xuyên kiểm tra nhưng do đâu thực phẩm không an toàn vệ sinh gây ngộ độc vẫn tái diễn?
Trong những năm gần đây, mặc dù các cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các bếp ăn tập thể ở doanh nghiệp, nhà trường. Tuy vậy, tình trạng thực phẩm không an toàn vệ sinh, thậm chí gây ngộ đọc vẫn xảy ra.
Mới đây, tại Trường tiểu học Bình Trưng Đông, quận 2, TP. Hồ Chí Minh, 98 em học sinh có biểu hiện bất thường sau bữa ăn tại trường, trong đó 20 em đã nhập viện, nghi do ngộ độc bữa ăn, thực đơn gồm bánh canh tôm, bánh su kem. Đại diện Bệnh viện quận 2 xác nhận, 20 ca nhập viện là học sinh Trường tiểu học Bình Trưng Đông chung một biểu hiện nôn, ói, sốt, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
Tháng 4/2019, có 61 học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Định, quận 12, TP. Hồ Chí Minh bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có nhiều em phải nhập viện với triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói…Số học sinh bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn món cà ri bò với bánh mì tại trường.
Tại TP. Hồ Chí Minh hiện có 1.620 bếp ăn tập thể, 318 cơ sở suất ăn sẵn và 883 căn tin tại các trường học phục vụ học sinh và phục vụ hàng triệu suất ăn mỗi ngày. Để đảm bảo bữa ăn từ các bếp tập thể, nhất là khu vực học đường, các cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh đã, lập đoàn kiểm tra liên ngành, tăng cường lực lượng kiểm tra, yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết cung cấp suât ăn đảm bảo vệ sinh, nhà trường chọn những cơ sở cung cấp suất ăn uy tín để phục vụ học sinh. Tuy vậy, việc kiểm soát chặt với kết quả đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn học đường lại không diễn ra theo như mong muốn.
Ở TP. Hồ Chí Minh, các bếp ăn học đường được tổ chức tại các trường có học sinh học bán trú và nội trú. Thông thường, nhà trường tổ chức một bộ làm bếp, nguyên liệu thực phẩm để chế biến suất ăn và các loại bánh, chè…đa số do các cơ sở chế biến xuất ăn ở ngoài cung cấp.
Theo chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh, hệ thống nhà trường trên địa bàn thành phố có tổ chức bếp ăn dành cho học sinh và giáo viên buộc phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu cung cấp nguyên liệu, chế biến, dụng cụ và nơi chế biến thức ăn, nhận viên phục vụ đều phải đảm bảo yếu tố sạch, vệ sinh và luôn được giám sát từ các cơ quan chức năng. Nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng nguồn cung cấp thực phẩm cho bếp ăn học đường chưa đảm an toàn vệ sinh đúng như cam kết mà cơ sở cung cấp thực phẩm đã ký với nhà trường.
Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn học đường trên địa bàn thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã ký kết kế hoạch liên tịch về việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Theo đó, nguồn thực phẩm đưa vào các bếp ăn học đường được khuyến khích chọn cơ sở cung cấp thực phẩm nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của TP. Hồ Chí Minh, cơ sở đạt các chứng nhận GlobalGAP, HACCP, ISO 22000:2005, VietGAP. Các bếp ăn chế biến tại trường và các đơn vị chế biến suất ăn sẵn cung cấp cho nhà trường đều phải tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, vẫn còn có cơ sở cung cấp thực phẩm, suất ăn cho trường học chưa tuân thủ đầy đủ cam kết với nhà trường về nguồn gốc, chát lượng của thực phẩm. Việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường tại nhiều trường học hiện vẫn còn mang tính hình thức, thiếu khách quan, dẫn đến chưa kiểm soát tốt chất lượng của thực phẩm.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh kiểm tra 90 cơ sở sản xuất, chế biến, bếp ăn tập thể ở doanh nghiệp, trường học, phát hiện 5 cơ sở vi phạm, đã xử phạt 4 cơ sở hơn 179 triệu đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn 1 cơ sở, buộc tháo gỡ quảng cáo 2 cơ sở và tiêu hủy số lượng lớn sản phẩm thực phẩm của 1 cơ sở. Từ thực tế này cho thấy, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn còn tiềm ẩn vì vậy phụ huynh của học sinh lo lắng đến sức khỏe của con em mình là có cơ sở.