Cần tăng sức miễn nhiễm của nghị viên trước tham nhũng, hối lộ
Những ngày này, Liên minh châu Âu (EU) quay cuồng với một trong những vụ bê bối tồi tệ nhất tấn công Nghị viện châu Âu (EP) trong nhiều thập niên, theo đài CNN.
Cảnh sát Bỉ đột kích và bắt giữ bốn người dính đến cuộc điều tra tham nhũng và rửa tiền liên quan các khoản thanh toán và quà tặng bị cáo buộc từ Qatar cho các thành viên của EP và nhân viên của họ nhằm “gây ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế và chính trị của EP”. Trong số bốn nghi phạm có nghị viên Hy Lạp Eva Kaili, người vào thời điểm bị bắt giữ là một trong 14 phó chủ tịch của EP.
Theo CNN, vụ bê bối làm rung chuyển EU song các cáo buộc không gây ngạc nhiên lớn đối với những người hiểu các tổ chức châu Âu, đặc biệt là EP.
“Nghị viện đã dung thứ cho văn hóa không bị trừng phạt trong nhiều năm. Hầu như không có sự giám sát hoặc hậu quả nào đối với cách các nghị viên chi tiêu các khoản trợ cấp của họ và chúng tôi đã thấy những khoản tiền đó bị lạm dụng rất nhiều lần” - theo ông Nicholas Aiossa, Phó Giám đốc Tổ chức Minh bạch Quốc tế EU, một tổ chức chống tham nhũng.
Ông Aiossa lo rằng tình trạng tham nhũng thể chế này sẽ khiến các nghị viên trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với những người tìm cách gây ảnh hưởng đến chính trị châu Âu.
Lý do không chỉ nằm ở sự bất cập chính sách khiến các nghị viên có thể tận dụng vị trí của mình, mà còn ở quyền lực quá lớn của họ. Theo cựu nghị viên người Anh Bill Newton Dunn, “khi EP công bố nghị quyết về một vấn đề lớn, truyền thông quốc tế thường coi đó là tiếng nói của châu Âu”. Vì thế, “nói chung tiếng nói của nghị viên có trọng lượng”.
Ngày 21-11, bà Kaili nói tốt về Qatar trong cuộc tranh luận về một nghị quyết về nhân quyền ở Qatar trước thềm World Cup. Nghị quyết cuối cùng được thông qua ba ngày sau đó.
Đương kim nghị viên châu Âu người Hungary Katalin Cseh, người tham gia thảo luận về cách diễn đạt của nghị quyết, nói với CNN rằng việc thống nhất nó đặc biệt khó khăn vì các nghị viên từ hai nhóm chính trong EP phản đối các câu chữ quá khắc nghiệt đối với Qatar.
“Nhìn lại những gì chúng tôi biết bây giờ, thật đáng báo động khi các đồng nghiệp của tôi đã phản đối quyết liệt như vậy. Thật đáng lo ngại khi ảnh hưởng của những kẻ chuyên quyền bên thứ ba có thể đã xâm nhập vào các cuộc thảo luận của chúng ta” - nghị viên Cseh lên tiếng.
Vụ bê bối này nổ ra vào đúng thời điểm và được đưa tin tối đa, một điều không thường xảy ra với chính trị châu Âu. Có lẽ sẽ mất một thời gian trước khi kết luận chính xác và liệu các quy tắc vận động hành lang có bị vi phạm hay không. Tuy nhiên, nếu cần phải cải cách thì quá trình này chắc chắn sẽ rất đau đớn và gian khổ, theo CNN.