Cần tăng trưởng hai con số trong 20 năm tới
Muốn hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, trong 20 năm tới, nước ta phải phấn đấu tăng trưởng ở mức hai con số (10% trở lên). Các vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và hai cực tăng trưởng là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng phải tăng trưởng hai con số để khẳng định vai trò đầu tàu dẫn dắt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tạo đà hiện thực hóa tầm nhìn về kỷ nguyên phát triển mới
Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành kế hoạch và đầu tư diễn ra sáng 28.12, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay và nhất là năm 2024, tình hình thế giới biến động hết sức phức tạp, khó lường, đã tác động không nhỏ trong cả trước mắt và lâu dài đến nước ta. Dù vậy, chúng ta đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Trong thành tựu chung của đất nước, ngành kế hoạch - đầu tư và thống kê cũng đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật, với những điểm sáng quan trọng. Cụ thể, theo Bộ trưởng, trước hết, ngành đã nỗ lực không ngừng nghỉ để hình thành một hệ tư duy mới. “Đó là tư duy chủ động kiến tạo, tăng trưởng bứt tốc, phát triển đột phá, quyết định tương lai, lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển; tầm nhìn về thời điểm “hội tụ” các lợi thế, sức mạnh để cất cánh, phát triển mạnh mẽ và toàn diện, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
Đáng chú ý, ngành đã khẳng định quyết tâm tháo gỡ mọi rào cản thể chế, biến “điểm nghẽn của điểm nghẽn” thành “đột phá của đột phá” cho phát triển, khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực của nền kinh tế. Điều này thể hiện rõ nét ở quá trình phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động, linh hoạt, phát huy hiệu quả nguồn lực công và năng lực quản lý cấp thực hiện trong Luật Đầu tư công (sửa đổi); chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, trong đó kiến tạo “luồng xanh” để rút ngắn thủ tục của các dự án đổi mới sáng tạo, bán dẫn, công nghệ cao trong khu công nghiệp.
Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên. Ngành kế hoạch - đầu tư đã tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo để chủ động, linh hoạt, kịp thời điều chỉnh trọng tâm ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển đặt ra. Kết thúc năm 2024, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%). Ngành cũng phát huy hiệu quả vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND các địa phương trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù. Nhiều chính sách, giải pháp được triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp...
“Đây là những kết quả quan trọng, tạo đà, khí thế mới để phấn đấu tăng trưởng bứt phá trong năm 2025, chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng cao 2026 - 2030 và hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng Bí thư về kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Từng ngành, địa phương phải xác định mục tiêu đột phá
Năm 2025 được xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi cả nước đang hừng hực khí thế mới và động lực mới, tự tin, khát vọng chuyển mình để bước vào kỷ nguyên mới, cũng là năm cuối về đích kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và xây dựng định hướng cho giai đoạn 2026 - 2030. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, một trong những vấn đề có tính then chốt là tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của Đảng về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
“Trong 20 năm tới, nước ta phải tăng trưởng cao, phấn đấu ở mức hai con số (10% trở lên) để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, cũng là thời kỳ chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của Việt Nam để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu, đồng thời đề nghị từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương phải xác định mục tiêu đột phá cho giai đoạn tới; chủ động, linh hoạt hóa giải khó khăn, thách thức, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội cho phát triển. Các vùng động lực quan trọng như đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ (hiện chiến hơn 60% GDP cả nước) và hai cực tăng trưởng là là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (hiện chiếm 28% GDP cả nước) cũng phải tăng trưởng hai con số để khẳng định vai trò đầu tàu dẫn dắt.
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng cho biết, khoa học công nghệ, chuyển đổi số đã và đang thấm vào từng ngành, lĩnh vực, người dân. Hiện, Thái Nguyên xác định tập trung vào lĩnh vực tự động hóa công nghiệp. Riêng trong ngành chè, tỉnh đã chế tạo robot sao chè, góp phần gia tăng thu nhập cho người nông dân.
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, năm 2024, tỉnh đã thu hút đầu tư đạt kết quả ấn tượng với hơn 5 tỷ USD, chiếm 16% tổng giá trị thu hút FDI toàn quốc. Riêng lĩnh vực bán dẫn, đến nay, tỉnh thu hút được 3 tỷ USD. Năm 2025, tỉnh nỗ lực thu hút đầu tư vào phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, phát triển khu công nghệ thông tin tập trung, tạo "thung lũng silicon" thu hút các trung tâm nghiên cứu và sản xuất, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, qua đó tạo đột phá cho phát triển.
Cùng với nỗ lực để thực hiện tăng trưởng hai con số, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, toàn ngành quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu với Đảng, Nhà nước về tổng kết 40 năm Đổi mới, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030; phải cụ thể hóa, thể chế hóa bằng được tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng về kỷ nguyên phát triển mới; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách đột phá, khả thi, hiệu quả cho giai đoạn phát triển tới của đất nước.
Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hợp nhất cùng Bộ Tài chính theo chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ về việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết: “Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ vị trí công tác nào, hoạt động dưới bất kỳ hình thức tổ chức, tên gọi nào, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử 80 năm hình thành và phát triển, tinh thần đoàn kết, bản lĩnh và lòng tự hào, giữ vững ngọn cờ cải cách, tiên phong đổi mới, không ngừng nỗ lực cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cùng hướng về phía trước”.