Cần tạo dấu ấn riêng của nhiệm kỳ mới
Đối với phương châm đại hội 'Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển', tôi hoàn toàn tán thành vì đây là phương châm rất chính xác, hay và phù hợp... Đây là ý kiến của ông Nguyễn Chí Mỳ, Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
Trước hết, tôi nhận thấy dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã được Tiểu ban Văn kiện chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc. Tôi được biết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội có Chương trình số 20-CTr/TU ngày 13-2-2018 về Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội “Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố (2015-2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Do vậy, các nội dung trong dự thảo Báo cáo chính trị đều có căn cứ lý luận và thực tiễn, bảo đảm độ tin cậy về mặt khoa học. Về cơ bản, tôi nhất trí với dự thảo Báo cáo chính trị và tham gia góp thêm một số ý kiến cụ thể như sau:
Về bố cục, dự thảo Báo cáo chính trị chia theo hai phần là hợp lý, logic; cách trình bày, diễn đạt sáng rõ. Tuy nhiên, trong phần thứ hai không cần chữ “5 năm” mà chỉ cần nội dung “Phần thứ hai: Mục tiêu, nhiệm vụ và những trọng tâm phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025” là đã rõ.
Về chủ đề đại hội có 4 thành tố theo tôi là đúng, hay và hợp lý. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần tạo dấu ấn riêng của nhiệm kỳ mới ngay từ chủ đề. Cụ thể là, bổ sung, chỉnh sửa thành tố thứ tư của chủ đề đại hội thành: “Phấn đấu đến năm 2025 là Thủ đô đang phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 là Thủ đô phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vì thực tế, Hà Nội đã dự báo đến năm 2025 đạt tổng thu nhập bình quân đầu người từ 8.100 đến 8.300USD, là mức thu nhập trung bình cao. Ngoài ra, thành tố đầu tiên của chủ đề nên thêm từ “chỉnh đốn”, để thành: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gương mẫu...”.
Đối với phương châm đại hội “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, tôi hoàn toàn tán thành vì đây là phương châm rất chính xác, hay và phù hợp.
Tôi cơ bản tán thành 5 nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu đột phá được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị. Trong đó, 5 nhiệm vụ chủ yếu rất chuẩn xác khi xoay quanh: Kinh tế là trọng tâm; văn hóa, con người là nền tảng, động lực, mục tiêu của sự phát triển; quy hoạch, quản lý đô thị... là thường xuyên, quan trọng; đối ngoại, hội nhập, quốc phòng an ninh là trọng yếu; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị là then chốt.
Tuy nhiên, theo tôi, nên rà soát thêm cách diễn đạt cho phù hợp. Ví dụ trong nhiệm vụ đầu tiên, không nên bắt đầu từ “Rà soát, kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Thủ đô...”. Nên chăng bắt đầu từ: “Khơi dậy, khai thác, phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô...”. Việc kiến nghị Quốc hội sửa Luật Thủ đô phù hợp với tình hình mới là quan trọng, nhưng có thể đề cập ở thời điểm thích hợp hơn.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 8.100-8.300USD/năm. Trong ảnh: Hệ thống căn chỉnh sóng điện thoại trong Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh VinSmart tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội).
Trong 3 khâu đột phá, khâu đột phá thứ ba cần nhấn mạnh hơn, để văn hóa thực sự là nguồn lực cho chính sự phát triển văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Hà Nội có bước tiến vượt bậc về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Từ vị trí thứ 33 (năm 2013), chỉ sau vài năm với quyết tâm cao và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự quyết liệt của chính quyền, thành phố đã vượt lên tốp 10 của cả nước, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2018. Năm 2019, mặc dù các địa phương khác có cố gắng vượt bậc, Hà Nội vẫn giữ được thứ hạng này.
Trong khi đó, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) với 8 chỉ số nội dung thành phần không chỉ phản ánh tập trung về cải cách hành chính mà còn thể hiện sự phát huy dân chủ ở cơ sở, vai trò của hệ thống chính trị, là sự phát triển bền vững xoay quanh ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường. Chỉ số này của Hà Nội có cải thiện nhưng rất chậm trong thời gian qua và chưa đạt yêu cầu đề ra. Cụ thể: Năm 2018, thành phố đứng thứ 56/63, năm 2019, tăng 2 bậc lên vị trí 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, tôi đề nghị trong dự thảo Báo cáo chính trị, Thành ủy nên quan tâm nhiều hơn tới giải pháp cải thiện chỉ số này, phấn đấu tạo bước tiến vượt bậc về PAPI như bước tiến với chỉ số PCI thời gian qua.
Ngoài ra, tôi đề nghị dự thảo Báo cáo chính trị cần được viết kỹ hơn, sâu hơn về các giải pháp nhằm tạo mọi điều kiện để đẩy mạnh tự chủ trong ngành Giáo dục và Y tế Thủ đô. Thực tế, Hà Nội luôn đi đầu cả nước về quy mô, chất lượng giáo dục, y tế, nên cần có những bước đi mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu này trong những năm tới.
Nguyễn Chí Mỳ
Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội