Cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân khu vực biên giới xuất, nhập cảnh đúng pháp luật
Theo quy định tại Nghị định 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh (XNC) qua cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh hợp lệ; công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới khi sang khu vực biên giới, tỉnh biên giới đối diện nước láng giềng phải có giấy thông hành. Tuy nhiên, hiện nay, còn rất đông cư dân ở khu vực biên giới thuộc hai huyện Hướng Hóa, Đakrông chưa có hộ chiếu, giấy thông hành, do đó gặp nhiều khó khăn khi XNC qua các cửa khẩu quốc tế La Lay, Lao Bảo để giao thương, thăm thân.
Ông Hồ Văn Môn, ở thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông có con gái là Hồ Thị Thương lấy chồng ở thôn La Lay A Sói, Cụm 2, huyện Sa Muội, tỉnh Salavan, Lào, là đơn vị kết nghĩa của thôn La Lay, xã A Ngo. Ông Môn cho biết, không chỉ riêng gia đình ông mà trong thôn có nhiều người có quan hệ họ hàng, thông gia, bạn bè với người dân thôn La Lay A Sói từ lâu nay.
Hai bên đã kết nghĩa bản - bản nên việc qua lại thăm nhau đã trở nên thường xuyên, gắn bó. Tuy nhiên, việc chưa có hộ chiếu hoặc giấy thông hành đã ảnh hưởng đến thủ tục XNC của người dân thôn La Lay khi muốn qua lại cửa khẩu để thăm người thân.
Ông Môn chia sẻ: “Theo quy định của Nhà nước thì phải có hộ chiếu hoặc giấy thông hành mới được qua lại cửa khẩu. Nhà nước quy định thì người dân phải chấp hành nghiêm túc. Trước đây, người dân khu vực biên giới được linh động tạo điều kiện để có thể qua lại các cửa khẩu thăm người thân, giao thương mà chỉ cần xuất trình chứng minh nhân dân (CMND).
Chúng tôi cũng biết là cần phải tuân thủ pháp luật, phải có đầy đủ giấy tờ để đảm bảo quy định về XNC. Tuy nhiên, nhiều gia đình khó khăn nên chưa có điều kiện làm giấy thông hành cho cả gia đình. Đó là chưa kể mỗi lần qua lại phải tốn tiền đóng dấu vào giấy thông hành ở cửa khẩu bên phía Lào.
Người dân mong muốn cơ quan chức năng tổ chức làm giấy tờ tại địa phương để đỡ đi lại xa xôi, vất vả, nhất là những người lớn tuổi. Đặc biệt là có cơ chế để kiến nghị phía bạn Lào làm sao cho người dân không phải tốn phí khi XNC”.
Trước yêu cầu bức thiết của người dân, UBND xã A Ngo đã tiến hành thống kê nhu cầu đăng ký làm giấy thông hành và hộ chiếu của người dân trên địa bàn xã, chủ yếu là hai thôn La Lay và A Đeng. Theo đó, có tổng cộng 225 trường hợp đăng ký làm hộ chiếu và giấy thông hành.
Chủ tịch UBND xã A Ngo Hồ Tất Huấn cho biết: “Vì địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, người dân gặp khó khăn khi phải về TP. Đông Hà để làm thủ tục cấp hộ chiếu, giấy thông hành. Do đó, UBND xã đã làm tờ trình đề xuất ngành chức năng có giải pháp triển khai làm hộ chiếu, giấy thông hành cho người dân trên địa bàn một cách thuận lợi nhất”.
Tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, thời gian gần đây, lượng người làm thủ tục XNC qua cửa khẩu giảm đáng kể. Ông Võ Minh La, khóm Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo cho biết, để qua lại cửa khẩu bằng giấy thông hành thì mỗi lần thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo không tốn phí, tuy nhiên ở cửa khẩu phía bạn Lào phải đóng phí. Do đó, người dân khu vực biên giới gặp khó khăn, tốn kém khi XNC qua các cửa khẩu để giao thương, thăm thân.
Khoản 1, Điều 8 Nghị định 112/2014/NĐ-CP, ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền: Công dân Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào phải có hộ chiếu (hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông) hoặc giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh hợp lệ. Công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới khi sang khu vực biên giới, tỉnh biên giới đối diện nước láng giềng phải có giấy thông hành.
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định, đối với công dân Việt Nam khi XNC qua các cửa khẩu chỉ được sử dụng các loại giấy tờ gồm: Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành. Mặt khác, hiện nay giữa Lào và Việt Nam chưa có thỏa thuận cho phép cư dân biên giới được sử dụng CMND hoặc căn cước công dân để XNC.
Việc tạo điều kiện, giải quyết cho cư dân biên giới sử dụng CMND và căn cước công dân để XNC là không phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật của Lào, trái với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và các quy định của pháp luật, đặc biệt là Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào.
Thời gian vừa qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNC, XNK qua lại biên giới. Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, nhiều đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn để vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới, gây khó khăn cho lực lượng BĐBP trong quản lý kiểm soát XNC.
Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị duy trì nghiêm công tác quản lý kiểm soát XNC tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên các địa bàn, trong đó có việc chấp hành nghiêm quy định về giải quyết XNC cho công dân Việt Nam. Theo đó, khi công dân Việt Nam XNC chỉ được sử dụng các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật.
Về việc không cho phép cư dân biên giới được sử dụng CMND, căn cước công dân để XNC, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã đánh giá, xác định được những khó khăn đối với Nhân dân trên địa bàn. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã có báo cáo cụ thể với Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như thông báo đến các cơ quan, ban ngành và các địa phương nắm để phối hợp thực hiện.
Tại cuộc họp vòng 3 Đoàn chuyên viên liên hợp biên giới Việt Nam - Lào tại Đà Nẵng gần đây, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị đã có kiến nghị về việc nghiên cứu, trao đổi, thống nhất các loại giấy tờ mà cư dân 2 bên biên giới được phép sử dụng để XNC qua cửa khẩu biên giới đất liền cho phù hợp với Hiệp định quy chế quản lý biên giới, cửa khẩu Việt Nam - Lào. Kết luận tại cuộc họp hai bên thống nhất kiến nghị Trưởng đoàn biên giới hai nước trao đổi vấn đề này tại cuộc họp thường niên lần thứ 33.
Hy vọng vấn đề này sớm được quan tâm tháo gỡ để tạo điều kiện cho người dân sinh sống khu vực biên giới thuận tiện qua lại giao thương, thăm thân, thắt chặt mối quan hệ kết nghĩa bản - bản giữa hai nước Việt-Lào.