Cần tạo điều kiện về đất đai hỗ trợ khu vực hợp tác xã phát triển
Đại biểu Quốc hội đề xuất Chính phủ rà soát chính sách hỗ trợ hợp tác xã về điều kiện đất đai và các hình thức khác cho để hợp tác xã phát triển hiệu quả hơn.
Thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sáng 10/11, đa số đại biểu khẳng định Luật ra đời đã góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển hợp tác xã, từ đó tăng thu nhập cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật ở thời điểm này là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Chính sách hỗ trợ dàn trải, thiếu trọng tâm
Đại biểu Dương Tấn Quân, đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh sau 10 năm thực hiện Luật cho thấy phát triển khu vực kinh tế tập thể chưa đa dạng về mô hình, quy mô còn nhỏ, nguồn lực hạn chế và công tác quản lý, hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế tập thể còn nhiều bất cập.
Thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến, đoàn Tiền Giang cho rằng các quy định pháp luật về kinh tế hợp tác có nhiều nội dung chưa phù hợp, thiếu tính đồng bộ với pháp luật hiện hành. Theo đại biểu, việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác có quá nhiều và mang tính dàn trải, thiếu tập trung và tính trọng tâm. Do đó, nhiều nội dung chưa nêu bật được nét đặc trưng và tính thực chất mà các tổ chức kinh tế hợp tác thực sự cần. Hơn nữa, một số nội dung chính sách còn mang tính khái quát cao, thiếu tính định lượng.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm xác định nội dung hỗ trợ mang tính tập trung nhằm mang lại tính khả thi cao và đảm bảo được hiệu quả hỗ trợ, phù hợp với nguồn lực kinh tế.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định, đoàn Hà Giang cho hay để đảm bảo kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, cần có sự đảm bảo hỗ trợ của Nhà nước để Liên minh Hợp tác xã phát triển mạnh. Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị cần cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW giao Liên minh Hợp tác xã thực hiện một số dịch vụ công để giúp kinh tế tập thể phát triển mạnh trong thời kỳ mới, đảm bảo hợp tác xã được thụ hưởng chính sách và nhiều cơ chế miễn giảm thuế.
Ngoài ra, ông Định đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các điều khoản để đảm bảo sự logic, chặt chẽ trong toàn bộ dự thảo Luật về các quy định như thành viên sáng lập, thành viên các tổ chức hợp tác có tư cách pháp nhân.
“Ngoài Liên minh Hợp tác xã còn có đại diện nào khác, cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật,” đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị cần làm rõ.
Chưa chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị
Đại biểu Khang Thị Mào, đoàn Yên Bái chỉ ra một số nguyên nhân khiến quá trình triển khai Luật Hợp tác xã còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Cụ thể, nhiều hợp tác xã chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả cũng như chưa chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị, đầu tư ứng dụng công nghệ cao, thậm chí còn rất lúng túng trong hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Trên thực tế, phần đông các hợp tác xã vẫn sản xuất tự phát với quy mô nhỏ, chưa gắn với nhu cầu của thị trường, thiếu nhân lực quản trị thiếu lao động được đào tạo nghề và thiếu vốn sản xuất kinh doanh.
“Hiện, tỷ lệ hợp tác xã tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn ở mức thấp. Nguyên nhân do nhiều địa phương gặp khó khăn trong bố trí nguồn lực cộng thêm điều kiện và thủ tục hỗ trợ khá phức tạp, chưa tạo thuận tiện cho hợp tác xã, tổ hợp tác. Một số chính sách hỗ trợ chưa hấp dẫn, chưa bao phủ vốn đến các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ,” bà Mào nói.
Với những hạn chế trên, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị Chính phủ, Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát các chính sách hỗ trợ, trong đó cần có các chính sách hỗ trợ với ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác và chế biến, ứng dụng kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm, kênh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, cơ chế thúc đẩy, khuyến khích liên kết chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa các tổ chức kinh tế hợp tác và các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đại biểu Khang Thị Mào đề xuất Chính phủ rà soát chính sách hỗ trợ hợp tác xã về điều kiện đất đai và các hình thức khác cho để hợp tác xã phát triển hiệu quả hơn.
“Tại kỳ họp này, Quốc hội đang nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Đất đai…, cần có các quyết định ưu tiên đối tượng là hợp tác xã trong đấu thầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, tạo điều kiện cho hợp tác xã, tổ hợp tác được nhận chuyển nhượng, thuê đất để đầu tư cơ sở chế biến logistic, phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn theo chuỗi giá trị, xây dựng cụm công nghiệp chế biến, trung tâm hỗ trợ phát triển hợp tác xã...,” đại biểu Khang Thị Mào đề nghị.
Ngoài ra, đại biểu Dương Tấn Quânđề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã. Việc làm này nhằm để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Khi, kinh tế - xã hội được đẩy mạnh phát triển sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số sớm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Theo ông Quân việc thực hiện chính sách này có thể lồng ghép vào các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi./.