Cần tập trung đầu tư cho hệ thống y tế tuyến xã

Góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, bà Trần Thị Thu Trà, Phó hiệu trưởng trưởng TH Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã có những ý kiến đóng góp tâm huyết.

Về chính sách, bà Trà cho rằng, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong nhiều năm qua, cả hệ thống chính trị đã chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Để có thể thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, góp phần bảo vệ phên dậu của Tổ quốc, Đảng và Nhà nước nên triển khai thêm những chính sách phù hợp với đặc điểm của từng vùng, phát huy những thế mạnh của các địa phương, giúp người dân ổn định cuộc sống và làm giàu trên chính quê hương mình.

Đối với lĩnh vực giáo dục, bà Trần Thị Thu Trà rất tâm đắc với chủ trương được nêu tại dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Đó là: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”.

Bên cạnh đó, là: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”.

Theo bà Trà, đây là định hướng rất lớn và là nền tảng quan trọng để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, thực sự là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Định hướng nhiệm vụ này không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt của ngành giáo dục và đào tạo, mà còn phù hợp xu thế phát triển, mang tính lâu dài và căn cơ hơn.

Một điểm đáng chú ý nữa, đó là sắp xếp lại hệ thống trường học; phát triển hài hòa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo... Đây là chủ trương khẳng định tính ưu việt của chế độ ta, mọi chính sách phát triển đều vì nhân dân, mọi thành quả phát triển của đất nước đều thuộc về nhân dân.

Bà Trần Thị Thu Trà, Phó Hiệu trưởng trường TH Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh:Khánh Phong)

Bà Trần Thị Thu Trà, Phó Hiệu trưởng trường TH Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh:Khánh Phong)

Về lĩnh vực văn hóa, theo bà Trà, khi tiếp cận với dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, bà nhất trí cao với nội dung đánh giá về nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam, những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chiến lược.

Đặc biệt, dự thảo Báo cáo cũng vạch ra những giải pháp căn cơ cho mục tiêu xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021-2030, trong đó có một mục riêng: "Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân".

Tinh thần này đã thể hiện sự quan tâm mang tính xuyên suốt đối với vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước. Khi văn hóa là nền tảng tinh thần và là mục đích, văn hóa có tác dụng trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Về lĩnh vực y tế, cần tập trung đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống y tế tuyến xã. Đây là nơi khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, tuy nhiên thực tế thì tuyến xã không được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cho đến cán bộ chuyên môn, người dân mất quá nhiều chi phí dành cho đi lại để khám sức khỏe ban đầu.

Văn Biên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-tap-trung-dau-tu-cho-he-thong-y-te-tuyen-xa-216900.html