Cần tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài để hoàn thiện các quy định trong quy trình lập pháp
Sáng 13/8, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án JICA tổ chức buổi Hội thảo Góp ý báo cáo kinh nghiệm nước ngoài về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tham dự và chủ trì Hội thảo có Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến, Quyền Cố vấn trưởng của Dự án JICA Edagawa Mitsushi, Giảng viên Phòng Hợp tác Quốc tế, Viện Ngiên cứu pháp lý, Bộ Tư pháp Nhật Bản Yokomaku Kosuke.
Phát biểu khai mạc tại buổi Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (VĐCXDPL) Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, một bước tiến lớn của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 là tách bạch quy trình xây dựng chính sách ra khỏi quy trình soạn thảo VBQPPL nhằm bảo đảm các VBQPPL, đặc biệt là các đạo luật được ban hành có chất lượng và có tính khả thi cao.
Bên cạnh đó, ông Tuyến nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng dự án Luật là phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm hoạt động lập pháp của nước ngoài để tìm hiểu các quy định của các nước về một số vấn đề quan trọng trong quy trình lập pháp. Việc hoàn thiện Báo cáo kinh nghiệm nước ngoài về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm sẽ trực tiếp giúp cho quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Do đó, việc dự án JICA hỗ trợ các hoạt động để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Báo cáo này là kịp thời và rất hữu ích đối với Bộ Tư pháp Việt Nam. Ngoài ra, ông Tuyến cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng nội dung trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại Hội thảo ngày hôm nay sẽ là cơ sở lý luận và thực tiễn hết sức quan trọng để Bộ Tư pháp tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về quy trình lập pháp, Trưởng phòng Công tác xây dựng pháp luật, Vụ VĐCXDPL Bùi Thu Hằng đã trình bày những vấn đề chung về quy trình lập pháp và quy trình xây dựng luật của các nước trên thế giới. Đồng thời đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện quy trình lập pháp ở Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng VBQPPL nói chung và chất lượng các dự án luật nói riêng.
Theo bà Hằng, một trong những vấn đề tiên quyết là quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh phải xuất phát từ quá trình phân tích chính sách hiệu quả. Do đó, cần dành khoảng thời gian thỏa đáng, đủ để xây dựng các dự án luật, pháp lệnh kể cả việc tham vấn các bên liên quan, nhất là những nhóm người chịu tác động trực tiếp của dự án luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường tính minh bạch và sự tham gia của công chúng trong quy trình lập pháp trong cả quá trình hình thành chính sách, cũng như khi soạn thảo dự án luật…
Tại buổi Hội thảo, Giảng viên Phòng Hợp tác Quốc tế, Viện Nghiên cứu pháp lý Bộ Tư pháp Yokomaku Kosuke cũng chia sẻ kinh nghiệm lập pháp của Nhật Bản. Đồng thời trao đổi, giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của các đại biểu Việt Nam về các vấn đề liên quan đến nguyên tắc ưu tiên Luật chung, Luật riêng; các trường hợp được phép áp dụng hiệu lực hồi tố pháp luật; xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật do Chính phủ quản lý…