Cẩn thận những căn bệnh 'không mùa'
Phòng bệnh theo mùa là rất cần thiết nhưng cần lưu tâm những căn bệnh luôn rình rập quanh năm, bất kể mùa nóng hay lạnh
Phải vào bệnh viện (BV) kiểm tra vì đang chạy thể dục thì bỗng dưng thấy hoa mắt, nhức đầu, đánh trống ngực…, ông Trần B.T (50 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) bất ngờ khi bác sĩ (BS) thông báo đó là do "mất nước, say nắng, tăng huyết áp", dù hôm đó trời mát mẻ.
Say nắng giữa mùa lạnh
Theo BS chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Thống Nhất (TP HCM), hiện tượng "say nắng" vẫn có thể xảy ra trong những mùa mát mẻ, nhất là ở khu vực phía Nam, nơi buổi trưa vẫn khá nóng nực. Bởi nguyên nhân say nắng không chỉ là nóng nực, nắng gắt mà còn kết hợp các yếu tố như vận động mạnh, thời gian phơi nắng lâu, mất nước, bệnh lý nền…
"Việc đầu tiên nên làm là cho dù mùa nóng hay lạnh cũng nên mang theo nước khi phải đi ra ngoài lâu, nhất là người lớn tuổi, sẵn có bệnh huyết áp, đái tháo đường… Mang theo nước để khi khát là bổ sung nước ngay. Kế tiếp là nên tránh ở dưới nắng lâu, nhất là nắng trưa dù nhiệt độ hôm đó không quá nóng. Nếu gặp cả 3 vấn đề "nắng nóng - vận động quá sức - mất nước" thường cơ thể phản ứng theo 2 hướng. Một là nhiệt độ cơ thể tăng lên làm thân nhiệt tăng, kích thích tim đập nhanh, tăng huyết áp. Hai là cơ thể cố chống lại điều này bằng cách giãn mạch, tăng xuất tiết mồ hôi để làm giảm thân nhiệt. Điều này lại làm trầm trọng thêm trạng thái mất nước, giảm thể tích tuần hoàn, gây tụt huyết áp…" - BS Anh Vũ giải thích.
Ngoài ra, bản thân cao huyết áp là nhóm bệnh dễ "trở chứng" khi giao mùa do cơ thể chưa kịp thích ứng với sự thay đổi.
Nhóm bệnh tiêu hóa cũng thường tăng khi thời tiết thay đổi, bao gồm rối loạn tiêu hóa do thức ăn bị hư hỏng vì không thay đổi cách bảo quản nhưng chủ yếu hay gặp trong các đợt nắng nóng. Sau rối loạn tiêu hóa thường là hiện tượng đau dạ dày, nguyên nhân là do phản ứng của hệ thần kinh giao cảm trước sự thay đổi của thời tiết, đặc biệt khi trời chuyển lạnh, vốn ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý những người nhạy cảm. Những người bị đau dạ dày do nguyên nhân thần kinh thì nên đồng thời điều trị viêm loét dạ dày và cố gắng giảm stress. Có thể gặp BS tâm lý nếu vấn đề vượt ngoài tầm kiểm soát của bản thân.
Phòng bệnh quanh năm
Các chuyên gia cảnh báo thường TP HCM có tới… 2 mùa bệnh hô hấp. Theo BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), khu vực phía Nam trời thường không quá lạnh cho dù là dịp cuối năm nhưng chính sự thay đổi thời tiết do giao mùa, cộng với một số thói quen sẽ là tác nhân gây bệnh.
"Ví dụ trong những tháng nắng nóng hay những đợt nóng đột ngột, trẻ em và cả người lớn dễ bị bệnh hô hấp thường là do đi ra ngoài trời nóng về nhà bật ngay quạt, máy lạnh cho mát. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột làm hệ miễn dịch suy yếu nên dễ bị mầm bệnh tấn công. Vào những đêm trời không lạnh, nhiều người mở quạt, máy lạnh khi bắt đầu đi ngủ. Nhưng nửa đêm về sáng nhiệt độ sẽ xuống thấp cho dù mùa lạnh hay mùa nóng" - BS Tiến phân tích.
BS Nguyễn Minh Tiến lưu ý hiện vẫn trong giai đoạn cao điểm của bệnh tay chân miệng, dù có vẻ ít ca hơn đầu mùa nhưng không thể lơ là. Hơn nữa, đây là căn bệnh cần phòng quanh năm vì ngoài đợt cao điểm vẫn có rải rác các ca bệnh.
Các "mùa" tay chân miệng còn có thể thay đổi tùy theo nhiều yếu tố. Ví dụ "mùa" bệnh năm nay thay vì tháng 3-5 và tháng 10-12 thì lại mất đợt cao điểm thứ nhất, bắt đầu tăng nhẹ từ tháng 7. Nguyên nhân là vì dịch Covid-19 khiến thời gian học sinh đi học bị xáo trộn, đồng thời việc rửa tay thường xuyên ngừa Covid-19 cũng giúp ngừa luôn bệnh này. Sốt xuất huyết cũng tương tự: mùa khô ít hơn nhưng vẫn có và có ca nặng. Vì vậy, đây là 2 căn bệnh cần đề phòng quanh năm.
Một lưu ý khác là giờ tập thể dục cũng nên thay đổi cho hợp lý, tốt nhất nên đợi khi có nắng nhẹ vào sáng sớm, như vậy vừa ấm áp hơn mà cũng có thời gian tiếp xúc với ánh nắng, thứ cần thiết để cơ thể tổng hợp vitamin D. Hơn hết, việc duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, vận động nhiều hằng ngày… sẽ giúp cơ thể có sức đề kháng tốt hơn, nâng cao sức khỏe nền, dễ chống chọi với sự thay đổi của thời tiết, giúp kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/can-than-nhung-can-benh-khong-mua-202012092058405.htm