Cẩn thận tình trạng thiếu sắt ở trẻ

Tình trạng thiếu sắt gây thiếu máu rất phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ở cả hai giới. Nếu xuất hiện ở trẻ em, căn bệnh có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của bé.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), sắt là vi chất rất quan trọng trong việc duy trì nhiều chức năng của cơ thể, nhất là trong quá trình cơ thể sản xuất hemoglobin (là phân tử vận chuyển oxy của tế bào hồng cầu trong máu). Thiếu máu thiếu sắt xảy ra do cơ thể không được cung cấp đủ sắt đáp ứng nhu cầu tạo hemoglobin.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, trẻ có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu máu sắt.

Nguyên nhân đầu tiên là trẻ đang trong giai đoạn tăng nhu cầu sắt (từ 3 tháng tuổi đến trước 6 tuổi, tiền dậy thì và dậy thì).

Ngoài ra, những trẻ sinh non, trẻ bị nhiễm khuẩn cấp cũng cần bổ sung sắt nhiều hơn do cơ thể trẻ có nhu cầu tiêu thụ chất này lớn hơn.

Nguyên nhân tiếp theo có thể bắt nguồn từ việc gia đình thiếu cung cấp sắt: Trẻ biếng ăn; chế độ ăn đơn điệu, không có thực phẩm giàu chất sắt; uống nhiều sữa bò mỗi ngày làm giảm hấp thu chất sắt trong thực phẩm...

 Trẻ thiếu sắt thường biếng ăn hoặc chế độ ăn thiếu dinh dưỡng. Ảnh: Freepik.

Trẻ thiếu sắt thường biếng ăn hoặc chế độ ăn thiếu dinh dưỡng. Ảnh: Freepik.

Trẻ cũng có thể thiếu sắt do kém hấp thu hoạt chất này. Hiện tượng thiếu sắt xảy ra khi hệ tiêu hóa trẻ chưa trưởng thành, trẻ mắc bệnh lý đường tiêu hóa hoặc dùng thuốc.

Ngoài ra, nhóm trẻ nhiễm giun, mất máu nhiều do phẫu thuật hoặc do vết thương nặng... cũng có thể có nguy cơ thiếu máu sắt.

Trẻ thiếu sắt thường có đặc điểm nổi bật như da xanh, nhợt nhạt; móng bẹt, dễ gãy, nhợt nhạt, có khía.

Bên cạnh đó, nhóm trẻ này thường chậm mọc răng, chậm biết đi, cơ không được săn chắc... Bé kém tập trung, mệt mỏi, ít hoạt động, nhanh mệt khi vận động. Giảm chức năng miễn dịch, trẻ cũng hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

Trẻ bị thiếu máu sắt có tính kén ăn, ăn không ngon miệng, hay bị rối loạn tiêu hóa.

Ngoài ra, một số ít trẻ mắc bệnh này có dấu hiệu tim đập nhanh, loét miệng, đau đầu, đau cơ và rụng tóc.

Bệnh thiếu máu sắt có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về trí não các bé. Trong khi những trẻ nhỏ thường xuất hiện tình trạng khó ngủ, quấy khóc; các trẻ lớn hơn lại bị kém tập trung, giảm trí nhớ, mất ngủ, kém chú ý, dễ bị kích thích,...

Các bé thiếu máu sắt có thể bị chậm phát triển thể chất, rụng tóc, da khô nứt nẻ, móng sần sùi, bị bong...

Bên cạnh đó, bé thay đổi vị giác hoặc biếng ăn; hệ miễn dịch và khả năng sinh sản của trẻ bị suy giảm. Các hoạt động của cơ thể từ đó cũng bị trì trệ.

Để phòng bệnh thiếu máu sắt ở trẻ, phụ huynh cần đảm bảo con được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn đúng và đủ thức ăn động vật, thực vật giàu chất sắt khi tới tuổi ăn dặm

Ngoài ra, bố mẹ cũng cần ghi nhớ lịch xổ giun định kỳ hàng năm cho các bé trên 12 tháng tuổi.

Trẻ mắc thiếu máu sắt cần được bổ sung thực phẩm giàu chất sắt từ động vật và thực vật.

Trong đó, thực phẩm từ động vật có thể là các loại thịt, các loại động vật có vỏ, gan heo, lòng đỏ trứng... Thực phẩm có nguồn gốc thực vật có thể là các loại đậu (đậu đen, đậu nành, đậu xanh...), các loại nấm (nấm mèo, nấm đông cô...), các loại rau (rau đay, rau dền, rau ngót, mồng tơi, rau muống, cải bó xôi…).

Ngoài ra, trẻ bị thiếu máu sắt cần hạn chế uống sữa, trà, cà phê, ca cao do những thực phẩm này hạn chế hấp thụ sắt.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/can-than-tinh-trang-thieu-sat-o-tre-post1441269.html