Cần thận trọng khi tái đàn lợn

Thời gian gần đây, giá lợn hơi tăng khá cao, cùng với dự báo sẽ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn vào cuối năm khiến các hộ chăn nuôi nôn nóng muốn tái đàn. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu suy giảm, người chăn nuôi cần thận trọng khi tái đàn để bảo đảm hiệu quả bền vững, tránh thiệt hại kép từ chăn nuôi.

Sau khi phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 125 con, trọng lượng hơn 10 tấn vì mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi vào cuối tháng 5/2019, gia đình bà Phạm Thị Dung, ở tổ dân phố số 5, thị trấn nông trường Phong Hải (huyện Bảo Thắng) đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Được biết, hơn 2 tháng gần, đây trên địa bàn tổ dân phố số 5 không xuất hiện thêm hộ có lợn mắc bệnh nên gia đình bà mong muốn có thể sớm chăn nuôi lại. Bà Dung cho biết, nguồn thu của gia đình bà chủ yếu từ chăn nuôi lợn, do đó đàn lợn mắc bệnh dịch phải tiêu hủy đã gây thiệt hại lớn về kinh tế. Thời gian qua, gia đình bà đã cải tạo lại chuồng trại và chuyển sang nuôi gia cầm, nhưng do giá và thị trường tiêu thụ không ổn định nên hiệu quả kinh tế không cao. Hiện giá lợn hơi tăng từng ngày, cùng với dự báo cuối năm sẽ khan hiếm nguồn cung nên gia đình bà rất mong tái đàn, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, con giống tại địa phương khan hiếm và nỗi lo dịch bệnh quay trở lại khiến gia đình bà hoang mang, chưa biết nên làm gì lúc này.

Người dân chăm sóc đàn lợn.

Người dân chăm sóc đàn lợn.

Mong muốn sớm tái đàn lợn của bà Dung cũng là tâm lý chung của nhiều người chăn nuôi trong tỉnh tại thời điểm này. Dịch tả lợn châu Phi vẫn đang xảy ra trên địa bàn tỉnh, có một số địa phương mới phát sinh bệnh dịch trở lại, vì vậy tỉnh không có chủ trương tái đàn, người chăn nuôi chưa được mua, bán, vận chuyển lợn giống từ địa bàn khác vào tỉnh.

Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, dịch tả lợn châu Phi vẫn xảy ra tại nhiều địa phương. Qua kiểm tra một số hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy, sau một thời gian để trống chuồng đã chuyển sang nuôi gia cầm, gia súc và nhiều hộ có mong muốn tái đàn lợn. Để kiểm soát dịch và tái đàn lợn bảo đảm hiệu quả bền vững, ngành nông nghiệp có văn bản yêu cầu các địa phương chỉ đạo người chăn nuôi tuyệt đối không nhập lợn giống từ tỉnh khác về nuôi. Đối với các hộ, trang trại bị dịch, yêu cầu không thực hiện việc tái đàn lợn, cần nghiên cứu chuyển sang vật nuôi khác. Khu vực chăn nuôi mật độ cao, cần thực hiện triệt để không tăng đàn lợn nái và tiến tới việc loại bỏ việc chăn nuôi lợn nái, lợn đực giống tại các hộ nhỏ, lẻ; chỉ chăn nuôi lợn nái, lợn đực giống tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi lớn và tiến tới loại bỏ hoàn toàn lợn đực phối giống trực tiếp.

Trong thế khó tái đàn lợn hiện nay, một số địa phương đã sáng tạo trong chỉ đạo để đáp ứng phần nào nguyện vọng chính đáng của người chăn nuôi. Huyện Bảo Thắng là một trong những địa phương có giải pháp phù hợp về nguồn cung con giống. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 11 nghìn con lợn nái, mỗi năm sản xuất khoảng 220 nghìn lợn con. Trong khi dịch tả lợn châu Phi chưa được kiểm soát, huyện chủ trương để các hộ chủ động nuôi lượng lợn giống này. Đây là biện pháp đảm bảo nguồn cung ứng thịt lợn trong thời gian tới.
Ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Do lượng lợn nái còn nhiều và người dân vẫn cho sinh sản nên chúng tôi chủ trương để nông dân có thể tái đàn tại chỗ. Vấn đề quan trọng là cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo yêu cầu và thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học để giảm thiểu tối đa các loại dịch bệnh phát sinh hoặc suy giảm khả năng miễn dịch của đàn lợn.

Để phục vụ công tác tái đàn sau dịch, các cấp, các ngành và người chăn nuôi các địa phương đã nỗ lực bảo vệ số lượng đàn lợn còn lại, đặc biệt là đàn lợn nái. Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại các địa phương đã công bố hết dịch thì các trang trại, cơ sở chăn nuôi với số lượng lớn được từng bước nuôi tái đàn với số lượng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày sẽ lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì khi đó mới tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% công suất chuồng nuôi tại cơ sở. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có thể nghiên cứu, tìm hiểu để chuyển sang nuôi gia cầm hoặc vật nuôi khác như trâu, bò, dê, thỏ... Đối với những hộ, trang trại và các địa phương chưa bị dịch bệnh thì cho phép tái đàn nội bộ và không cho phép nhập lợn từ bên ngoài vào, không sử dụng tinh lợn từ bên ngoài để phối giống cho lợn nái của địa phương và phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Người dân tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi để sớm tái đàn lợn.

Người dân tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi để sớm tái đàn lợn.

Đến nay, huyện Si Ma Cai đã khống chế được dịch và 27 xã, phường, thị trấn qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh và có 21 xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch, 6 xã đang hoàn thiện hồ sơ công bố hết dịch. Ðây là điều kiện quan trọng để tổ chức lại chăn nuôi lợn, tuy nhiên người chăn nuôi cần tiếp tục đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời chăm sóc tốt đàn lợn không bị dịch bệnh.

Tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát tại các địa phương, hộ chăn nuôi, không để các hộ tự ý tái đàn lợn khi chưa được phép. Đối với những hộ nuôi lợn thả rông và không thực hiện biện pháp an toàn sinh học, nếu tự ý tái đàn, vi phạm về điều kiện chăn nuôi mà để xảy ra dịch bệnh thì hộ chăn nuôi đó phải tiêu hủy lợn bệnh bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật mà không được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Việc tái đàn chăn nuôi lợn hiện nay là mong muốn, nguyện vọng chính đáng của nhiều hộ. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra để kiểm soát tốt dịch bệnh, tránh xảy ra hậu quả.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/can-than-trong-khi-tai-dan-lon-z3n20191008074855048.htm