Cẩn thận với cam kết lợi nhuận của nhiều công ty bất động sản
Cam kết lợi nhuận cho nhà đầu tư, cam kết thuê lại, khẳng định chắc chắn sinh lời… là những cụm từ có cánh của 'sale' bất động sản khi tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, nhiều khi sale nói một đằng, thực hiện một nẻo.
Thị trường bất động sản các tỉnh, thành phía Đông của TPHCM gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… trong năm 2020 nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Trái ngược, thị trường Long An ở phía Nam Sài Gòn nhận về sự trầm lắng, không mấy sôi động. Bên cạnh đó, tác động của dịch Covid – 19 càng thêm khó cho nhà đầu tư.
Nói về thị trường Long An, giai đoạn từ năm 2016-2018, thị trường này được biết đến là mảnh đất “ăn nên làm ra” của giới đầu tư. Tuy nhiên, bất động sản khu vực này có sự sụt giảm khi thị trường phía Đông xuất hiện nhiều dự án lớn.
Vì thế, để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, nhiều chủ đầu tư, đơn vị môi giới thường đưa ra các cam kết lợi nhuận... "có cánh". Tuy nhiên, những cam kết hấp dẫn đó lại xa rời thực tế, rơi vào các đơn vị nhỏ, không mấy tên tuổi. Cách làm ăn "chụp giật" khiến khách hàng nếu không cẩn thận dễ rơi vào cảnh "tiền mất, đất không có".
Thị trường Long An hiện không còn sôi động như quá khứ
Chiều 1/4, khi PV khảo sát nhà đất tại địa bàn tỉnh Long An, một sale tên Th. cho hay, giá đất nền tại đây không có nhiều biến động. Hiện giá thị trường giao động từ 15 – 30 triệu đồng/m2 tùy vào khu vực. Lượng người mua đầu tư rơi vào tình trạng “lai rai”. Bên cạnh đó, nhu cầu ở thật tại thị trường này là không nhiều.
“Thị trường vẫn có khách hàng nhưng không còn nồng nhiệt như trước. Người mua không còn dễ dàng xuống tiền như lúc xưa. Họ tìm hiểu rất kỹ, thậm chí là không đặt giữ chỗ. Nếu sản phẩm ưng ý thì sẽ quay lại chứ không còn quan tâm nhiều đến chiết khấu của chủ đầu tư hay đơn vị bán…”, sale Th. chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhà phố được nhiều chủ đầu tư “nhỏ” hiện nay rao bán với nhiều mức giá đa dạng. Qua ghi nhận, giá nhà ở giao động từ 800 – 1,5 tỷ đồng/căn. Tuy nhiên, với giá 800 triệu đồng, diện tích nhà rơi vào khoảng 40m2.
Để bán được hàng, một số chủ đầu tư thực hiện chính sách cam kết lợi nhuận từ 10 – 30% trong 6 tháng đến một năm. Ngoài ra, còn thực hiện chính sách thuê lại 6 tháng cho nhà đầu tư yên tâm.
"Liệu rằng khi mua nếu không như cam kết, chủ đầu tư có chịu trách nhiệm với người mua?", chúng tôi đặt câu hỏi. Ngay lập tức, sale tên Th. khẳng định: "Công ty em cam kết lợi nhuận thế nào thì giữ nguyên như vậy".
Để thúc giục nhà đầu tư, Th. liên tục đưa ra các ưu đãi và cam kết về chuyện sinh lời. Tuy nhiên, những cam kết trên vẫn không hấp dẫn được nhà đầu tư, nhất là với những người có nhu cầu nhà ở thật.
Ông Cao Anh Tuấn (ngụ quận 9, TP. HCM), một nhà đầu tư bất động sản lâu năm chia sẻ, việc chủ đầu tư và nhân viên bán hàng cam kết lợi nhuận hiện nay không còn là điều lạ trên thị trường. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực thế, cam kết lợi nhuận hiện nay có nhiều dạng. Trong đó, chủ đầu tư cam kết và tiến hành trả tiền cho nhà đầu tư. Còn lại là cam kết của người bán nhận hàng của nhà đầu và tìm kiếm đầu ra. Ở dạng cam kết nào cũng có nhiều rủi ro, nhà đầu tư không cẩn thận rất dễ “sa lầy”, chôn vốn.
Nhiều công ty địa ốc nhỏ cam kết lợi nhuận cao, thúc giục khách hàng mua sản phẩm
Theo bà Lê Thị Bích Hằng (Đoàn Luật sư TP. HCM), cam kết lợi nhuận hiện nay trên thị trường bất động sản giúp nhiều chủ đầu tư kích cầu để bán được hàng. Tuy nhiên, các dạng cam kết đa phần đều thuộc quan hệ dân sự. Nếu bên cam kết không thực hiện được thì người mua cũng khó mà đòi lại tiền.
"Khi xảy ra tranh chấp, khởi kiện ra Tòa sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức, nên thường nhiều nhà đầu tư chấp nhận thua thiệt, đứng vốn trong thời gian dài. Vì vậy, nhà đầu tư hiện nay cần hết sức tỉnh táo đối với các cam kết lợi nhuận của nhiều công ty bất động sản nhỏ”, bà Hằng khuyến cáo.