Cẩn thận với tắc tia sữa sau sinh

Tắc tia sữa là tình trạng thường gặp của phụ nữ sau sinh, do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố mà tình trạng tắc tia sữa ngày càng xuất hiện nhiều. Nếu không được điều trị, xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ.

Dinh dưỡng phù hợp theo độ tuổi
Cải thiện suy dinh dưỡng ở trẻ

>> Chăm sóc tốt nhất cho sản phụ, trẻ sơ sinh

Tắc tia sữa có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ, có thể ở giai đoạn đầu cho con bú hoặc sau khi cho con bú một thời gian. Dấu hiệu để người mẹ sau sinh nhận biết bị tắc tia sữa là ngực căng cứng, đau nhức, ít tiết ra sữa hoặc không, mặc dù đã dùng các phương pháp hút sữa.

Bác sĩ CKI Lý Ngọc Hà, Trưởng khoa Hậu phẫu, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, thông tin: “Tình trạng tắc tia sữa thường xảy ra ở những bà mẹ sinh lần đầu. Tại Bệnh viện Sản - Nhi có khoảng 20% mẹ sau sinh xảy ra tình trạng tắc tia sữa, nếu không điều trị và xử lý kịp thời sẽ dẫn đến bị viêm tuyến vú, áp xe vú, sốt nóng... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ”.

Massage vú là phương pháp điều trị thông tắc tia sữa hiệu quả nhất.

Massage vú là phương pháp điều trị thông tắc tia sữa hiệu quả nhất.

Sau khi sinh con đầu lòng được 2 tuần, chị Ngô Ngọc Hoa (Phường 7, TP Cà Mau) xuất hiện tình trạng bầu ngực đau nhức, sưng đỏ, đến bệnh viện kiểm tra thì được chẩn đoán bị tắc tia sữa. Chị Hoa chia sẻ: “Sinh con đầu nên tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc cho con bú cũng như vệ sinh và chăm sóc vùng vú không đúng cách. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc tia sữa của tôi là do mỗi lần cho con bú không hết, phần sữa còn lại dẫn đến tắc nghẽn. Khi mới bị, tôi cố nặn, bóp vùng vú để thông tia sữa nhưng không hết mà ngực ngày càng đau nhức, nóng đỏ kèm theo sốt”.

Ðể giúp bà mẹ sau sinh phòng tránh và điều trị tình trạng tắc tia sữa, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau có dịch vụ massage hỗ trợ tạo sữa và thông tắc tia sữa. Tại đây, bà mẹ sau sinh được hướng dẫn cũng như tư vấn cách phòng ngừa và điều trị tắc tia sữa bằng phương pháp massage.

Ðiều dưỡng trưởng Lê Thị Bích Vân, Khoa Hậu phẫu, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi sẽ massage bằng tinh dầu, vật lý trị liệu để làm ấm bầu vú, thông tắc tia sữa. Với những bà mẹ sau sinh ít sữa thì phương pháp massage còn hỗ trợ tạo sữa. Với tiêu chí phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhiều chị tìm đến dịch vụ massage để phòng tránh tình trạng tắc tia sữa và được tư vấn việc nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách”.

Để phòng tránh tình trạng tắc tia sữa người mẹ nên cho con bú đúng cách bằng việc bú từ bên này rồi mới chuyển sang bên khác để tận dụng hết nguồn sữa trong bầu ngực.

Để phòng tránh tình trạng tắc tia sữa người mẹ nên cho con bú đúng cách bằng việc bú từ bên này rồi mới chuyển sang bên khác để tận dụng hết nguồn sữa trong bầu ngực.

Chị Trần Thị Trình (Phường 8, TP Cà Mau) chia sẻ: “Tôi mới sinh con được 3 ngày, sau khi được sự tư vấn từ bác sĩ, tôi đã tìm đến dịch vụ massage để hỗ trợ tạo sữa cũng như phòng tránh tình trạng tắc tia sữa. Vì đây là lần sinh đầu nên tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, sau khi được tư vấn, hướng dẫn cách cho con bú, vệ sinh vùng vú đúng cách, tôi thấy tự tin hơn trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ".

Ðể phòng tránh tình trạng tắc tia sữa, người mẹ nên cho con bú đúng cách bằng việc cho bú hết bên này rồi mới chuyển sang bên khác để tận dụng hết nguồn sữa trong bầu ngực. Trường hợp sữa vẫn còn trong bầu ngực thì dùng đến phương pháp hút để vắt hết sữa thừa, cần vệ sinh bầu ngực sạch sẽ trước và sau khi trẻ bú. Khi xảy ra tình trạng tắc tia sữa thì không nên tự ý nắn, bóp vì điều này vô tình làm tổn thương vùng vú dẫn đến tình trạng tắc tia sữa càng nặng hơn.

Bác sĩ Lý Ngọc Hà cho biết thêm: “Ngoài những nguyên nhân trên thì lối sống và sinh hoạt của người mẹ cũng góp phần là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc tia sữa. Vì vậy, để phòng tránh tình trạng trên, người mẹ phải giữ tinh thần thoải mái, chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo dinh dưỡng”./.

Phương Thảo

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-than-voi-tac-tia-sua-sau-sinh-a32011.html