Cẩn thận với tam độc khi tham gia chơi hụi
Tâm lý tham lam, mong cầu lợi nhanh, lãi cao, vốn là một trong ba độc gốc rễ (Tham - Sân - Si) khiến con người dễ bị cuốn vào những vòng xoáy bất thiện, đánh mất sự tỉnh thức và cảnh giác.
Tác giả: Nguyễn Gia Long
Địa chỉ: Số 58/24 đường Tân Lập 1, phường Hiệp Phú, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM
Đã từ lâu, chơi hụi diễn ra khá phổ biến, ở cả nông thôn và thành phố. Nhóm người chơi hụi góp vốn với tính chất tương tác hỗ trợ lẫn nhau, xét yếu tố tích cực thì là một ưu điểm, giúp những người không đủ lực để có một khoản tiền tạo vốn làm ăn, buôn bán…

(Ảnh: Internet)
Từ góc nhìn của Phật giáo, việc cùng nhau san sẻ, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế trong tinh thần tương trợ cộng đồng cũng là một biểu hiện của hạnh bố thí và tinh thần “lá lành đùm lá rách”, rất gần với lý tưởng từ bi và lục hòa trong nhà Phật. Nếu phát huy đúng hướng, hình thức này có thể trở thành phương tiện kết nối, vun bồi niềm tin và hỗ trợ tương tác với nhau trong cuộc sống.
Tuy nhiên, trên thực tế - chơi hụi bị biến tướng khi không ít chủ hụi lợi dụng hình thức này để trục lợi cho bản thân, chiếm đoạt tài sản những người tham gia. Có những chủ hụi tự đứng lên “dựng” quy mô của một dây hụi với cả mười, thậm chí vài ba chục người tham gia. Để thu nạp được số thành viên thực bỏ tiền vào góp hụi, không ít ông bà chủ hụi đã “lòe” thiên hạ bằng nhà lầu, xe hơi sang trọng với tổng tài sản lên tới nhiều tỉ đồng…. Thế nhưng, trên thực tế thì họ không có gì, có khi chỉ là nhà đi thuê, xe đi thuê, đi mượn…, vì thế khi đã huy động được một số vốn kha khá họ tuyên bố phá sản, hoặc bỏ trốn khiến cho các hụi viên điêu đứng, khốn khổ.

(Ảnh: Internet)
Từ góc nhìn nhân quả, những hành vi gian dối, lừa đảo này không những gây tổn thất vật chất cho nhiều người mà còn gieo nghiệp bất thiện, tự chuốc lấy quả khổ trong hiện tại và mai sau. Đức Phật từng dạy: “Không có nghiệp nào mất, dù trăm kiếp ngàn đời”, gieo nhân gì, sớm muộn cũng trổ quả nấy.
Điều đặc biệt nguy hiểm là dù đã có rất nhiều vụ vỡ hụi xảy ra liên tiếp trên địa bàn cả nước trong những năm gần đây, vậy mà không hiểu sao nhiều người vẫn u mê lao vào chơi hụi như con thiêu thân, để rồi khi bị lừa gạt, tiền không đòi được mới tỉnh ngộ thì mọi chuyện đã quá muộn.

(Ảnh: Internet)
Tâm lý tham lam, mong cầu lợi nhanh, lãi cao, vốn là một trong ba độc gốc rễ (Tham - Sân - Si) khiến con người dễ bị cuốn vào những vòng xoáy bất thiện, đánh mất sự tỉnh thức và cảnh giác. Phật pháp luôn nhấn mạnh sự tỉnh giác và biết đủ (tri túc), như một cách phòng hộ trước những cạm bẫy của cuộc đời.
Không chỉ có tình trạng chủ hụi lừa gạt người chơi bằng hình thức tuyên bố phá sản, bỏ trốn như kể trên, mà không ít vụ vỡ hụi mà nguyên nhân do chính hội viên hụi khi đến lượt gom được tiền cũng bỏ trốn. Tình trạng hụi viên bỏ trốn không phải là hiếm và không chỉ khiến chủ hụi điêu đứng, mà còn khiến các hụi viên khác khổ lây. Cách đây hai năm, tôi từng chứng kiến một chủ hụi trong khu dân cư tôi sinh sống, bị hụi viên gom hơn chục tỷ đồng rồi cao chạy xa bay ra… nước ngoài, khiến bà chủ này phải dốc hết tài sản, bán cả hai căn nhà lớn để trả thay cho các hụi viên khác. May là bà chủ hụi này còn có tài sản để lấp vào chỗ trống đảm bảo trách nhiệm và đặc biệt là có tâm, uy tín…, chứ nếu không thì các hụi viên cũng chỉ còn nước… bắc thang lên hỏi ông trời!
Nhìn từ giáo lý nhân quả, người phụ nữ ấy dẫu gặp tai ương nhưng vẫn giữ vững đạo đức, không trốn tránh mà dám chịu trách nhiệm, đó cũng là một hành động tích đức. Trong khổ đau, nếu giữ được tâm chính niệm, giữ được niềm tin vào sự chân thật thì vẫn có thể gieo nhân lành cho mai sau.
Thực trạng trên mới thấy, dẫu lãi suất có thể cao hơn gửi ngân hàng, nhưng chơi hụi luôn có tính rủi ro cực cao, nghĩa là người chơi có thể mất tiền bất cứ lúc nào mà không thể biết trước. Bằng chứng của nhiều vụ vỡ hụi đã nói lên điều đó, chính vì vậy mà mọi người dân, nhất là những người có tiền nhàn rỗi đừng ham lãi suất cao mà hãy đầu tư vào làm ăn, hoặc gửi ngân hàng, bởi mức lợi nhuận thu được không cao như ở các hụi nhưng luôn đảm bảo sự chắc chắn, yên tâm về mặt pháp lý.
Nhà Phật nhắc nhở về con đường trung đạo: không cực đoan theo đuổi những gì quá xa rời thực tế, cũng không sống quá buông thả hay bất cẩn. Trong đầu tư, biết lựa chọn cách an toàn, ổn định cũng chính là biểu hiện của chính kiến và trí tuệ.
Được biết, Nghị định số 19 năm 2019 của Chính phủ quy định nguyên tắc về tổ chức hụi, văn bản thỏa thuận về hụi, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của hụi viên và chủ hụi như khi góp hụi, lĩnh hụi, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan thì hụi viên có quyền yêu cầu chủ hụi hoặc người lập và giữ sổ hụi cấp giấy biên nhận về việc đó. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã, phường, nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ hai dây hụi trở lên…
Về mặt xã hội, pháp luật là hàng rào bảo vệ cần thiết. Nhưng với người học Phật, ngoài luật pháp, còn có giới luật, tức hàng rào đạo đức nội tâm. Nếu mỗi người đều hành xử với lòng trung thực và tránh xa tà mạng thì sẽ góp phần xây dựng một xã hội an lạc hơn, ít lừa lọc hơn.
Từ quy định nêu trên, người dân nếu có chơi hụi cũng cần phải nắm rõ để biết được chủ hụi nơi mình “gửi gắm” tiền hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng có thực sự đảm bảo tính pháp lý, an toàn và yên tâm …
Suy cho cùng, trong mọi hành xử đời thường, nếu khởi tâm chính niệm, hành xử với trí tuệ và lòng từ thì dù ở hoàn cảnh nào, con người cũng có thể vượt qua cạm bẫy cuộc đời, sống đúng với lời Phật dạy: “Tự mình làm điều ác, tự mình bị ô uế. Tự mình không làm ác, tự mình được thanh tịnh”.
Tác giả: Nguyễn Gia Long
Địa chỉ: Số 58/24 đường Tân Lập 1, phường Hiệp Phú, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM
Ghi chú: Từ “chơi hụi”, là phương ngữ ở các tỉnh phía Nam, ngoài Bắc có cách gọi là “chơi họ”, "góp họ".