Cần tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Trong thời đại công nghiệp 4.0, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một trong những động lực chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, khởi nghiệp ĐMST được chú trọng và triển khai mạnh mẽ tại các trường đại học và trong cộng đồng doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cần được tháo gỡ để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khởi nghiệp.
Thiếu vốn thương mại hóa các ý tưởng
Ý tưởng là yếu tố then chốt để dự án khởi nghiệp thành công, và tại các trường đại học Việt Nam, ý tưởng thường rất tốt, đặc biệt trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là thương mại hóa các ý tưởng, công trình nghiên cứu của sinh viên và giảng viên, cụ thể là nguồn vốn. Những trường uy tín sẽ tự chủ tài chính, nhưng không thể lập quỹ đầu tư mạo hiểm cho dự án của sinh viên và giảng viên vì phải tuân theo quy định của chính phủ. Ngay cả các trường tư có nguồn lực mạnh cũng gặp khó khăn vì dự án đòi hỏi quy mô vốn lớn để xử lý dữ liệu và công nghệ.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam, số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm ít, còn quỹ đầu tư nước ngoài gặp khó khăn do các quy định phức tạp. Hệ thống tài chính, đặc biệt là ngân hàng thương mại, không cho vay đối với dự án đầu tư mạo hiểm vì yêu cầu đảm bảo sinh lợi cao và bảo toàn vốn. Nhà nước cũng chưa có cơ chế hỗ trợ vốn hiệu quả cho dự án khởi nghiệp, khiến việc tiếp cận nguồn vốn rất khó. Ngay cả Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM (HUB) cũng gặp khó khăn trong việc gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp. Trường chỉ hỗ trợ sinh viên tham gia các cuộc thi để thể hiện khả năng và ý tưởng nhằm thu hút vốn, còn những phương án khác gần như không khả thi.
Vấn đề tiếp theo là nhân lực. Sinh viên gặp nhiều khó khăn khi ra làm chủ DN, trong khi giảng viên, theo Luật Viên chức, không được phép làm chủ DN, tạo rào cản lớn về quản lý và điều hành, ngay cả khi dự án có tính khả thi cao. Trong khi đó, nhiều giảng viên cũng không sẵn sàng từ bỏ nghề giảng dạy để chuyển hẳn sang làm doanh nhân.
Quan điểm truyền thống cho rằng thầy giáo chỉ nên tập trung vào giảng dạy cũng nên thay đổi. Giảng viên đại học cần tham gia vào DN để tăng cường trải nghiệm và tri thức, từ đó giảng dạy và nghiên cứu tốt hơn. Cần có cơ chế để giảng viên tham gia DN mà không ảnh hưởng đến việc giảng dạy. Nhà trường cũng cần cơ chế thoáng hơn trong tuyển dụng để phân bổ công việc hợp lý, giúp giảng viên cân bằng giữa nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động thực tiễn tại DN. Điều này sẽ tạo ra những giảng viên - nhà khoa học có thực tiễn, không chỉ truyền đạt ý tưởng mà cả thực tế khởi nghiệp cho sinh viên. Lúc đó, tinh thần khởi nghiệp của dân tộc mới phát triển mạnh mẽ được.
Cần có chiến lược rõ ràng để xây dựng đại học khởi nghiệp thành công
Việc Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thống nhất đề xuất thí điểm thành lập 5-6 trường đại học khởi nghiệp (ĐHKN) là rất tuyệt vời và đột phá. Điều này không chỉ giúp TP.HCM khác biệt mà còn có thể trở thành hình mẫu cho các tỉnh, thành khác phát triển theo. Các trường đại học không chỉ đào tạo theo nhu cầu xã hội mà còn phải định hướng nhu cầu, luôn tìm kiếm cái mới và truyền đạt lại cho DN.
Đại học là nơi phát triển và nuôi dưỡng các ý tưởng mới thành hiện thực. Các ĐHKN sẽ phản ánh đúng bản chất của một đại học thực sự, không chỉ đơn thuần là nơi đào tạo, đăng các bài báo quốc tế, hay thu học phí mà còn biến ý tưởng thành ứng dụng thực tiễn, từ đó tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế và kỹ thuật.
Để xây dựng ĐHKN thành công, các trường cần có chiến lược rõ ràng, xác định hướng đi cụ thể, tập trung đầu tư mạnh vào lĩnh vực cốt lõi. Các trường cần có cơ chế tốt để thu hút nhân tài, không chỉ dừng lại ở quản trị nhân sự mà phải là quản trị nhân tài, phải có các giáo sư đầu ngành để phát triển ý tưởng và công nghệ mới, tạo nền tảng cho khởi nghiệp. Đồng thời, cần có nền tảng tài chính vững chắc để thu hút và hỗ trợ giảng viên, đảm bảo họ có thu nhập và môi trường tốt để nghiên cứu và trao đổi.
Liên kết quốc tế cũng là yếu tố quan trọng. Các trường đại học Việt Nam cần lựa chọn đối tác quốc tế uy tín để học hỏi và hợp tác. Đứng trên vai những “người khổng lồ” sẽ giúp chúng ta đi nhanh hơn, lĩnh hội và phát triển những ý tưởng mới mạnh mẽ.
Sự hỗ trợ từ Nhà nước cũng rất cần thiết. Đầu tư một tòa nhà vài trăm tỷ đồng có thể không khó với các trường đại học, nhưng đầu tư một nền tảng để phát triển AI thì không đơn giản. Nhà nước cần tạo ra các trường đại học trọng điểm và đầu tư để họ phát triển mạnh mẽ, kéo các trường còn lại đi lên.
Để thúc đẩy sự hình thành ĐHKN ở Việt Nam, tôi có một số kiến nghị:
Nhà nước cần xác định rõ các trường đại học trọng điểm để đầu tư. Các trường này đã tự chủ tài chính rồi, Nhà nước nên đầu tư thêm vốn để họ có đủ nguồn lực triển khai các dự án lớn.
Luật Viên chức cần thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Hiện tại, giảng viên khó có điều kiện để vừa làm nhà khoa học, vừa giảng dạy, vừa tham gia thực tiễn tại DN. Cần có quy định mới gỡ bỏ những ràng buộc này, cho phép giảng viên (trừ những người đảm nhận chức vụ quản lý như hiệu trưởng) thành lập DN, tạo điều kiện công việc và trải nghiệm thực tế cho sinh viên.
Cần tháo bỏ các vướng mắc cơ chế liên quan đến tài chính trong các trường đại học. Hiện nay, Quỹ phát triển khoa học công nghệ không thể chi cho các dự án khởi nghiệp vì phải đảm bảo tính bảo toàn cho quỹ và chi đúng mục đích. Đầu tư vào các dự án khởi nghiệp có khả năng thành công thấp, nếu thất bại có thể bị coi là thất thoát tài sản Nhà nước. Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ các trường đại học thành lập các quỹ đầu tư vào các dự án khởi nghiệp và công nghệ mới. Điều này sẽ tạo ra sự phát triển đột phá, giúp các trường đại học không chỉ là nơi giảng dạy và nghiên cứu mà còn là trung tâm tạo ra giá trị thực tiễn. Chỉ khi đó, một DN khởi nghiệp, một trường ĐHKN và một dân tộc khởi nghiệp mới có thể thành công.
(*) Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM
Lê Hạnh (lược ghi)