Cần tháo gỡ vướng mắc từ dự án Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo

Dự án Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV mạch kép Đông Hà-Lao Bảo do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư. Riêng đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo có tổng chiều dài trên 46,4 km gồm 120 vị trí cột đi qua các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hóa.

 Nhiều diện tích đất sản xuất của Công ty TNHH My Anh-Khe Sanh nằm trong diện phải thu hồi khi xây dựng đường dây 220kV Đông Hà-Lao Bảo nhưng vẫn chưa được 2 bên đồng thuận. Ảnh: HNK

Nhiều diện tích đất sản xuất của Công ty TNHH My Anh-Khe Sanh nằm trong diện phải thu hồi khi xây dựng đường dây 220kV Đông Hà-Lao Bảo nhưng vẫn chưa được 2 bên đồng thuận. Ảnh: HNK

Nhiều vướng mắc trong thi công và giải phóng mặt bằng

Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 12/2019 và dự kiến đóng điện vào quý I/2021. Đây là dự án hết sức cần thiết nhằm giải tỏa công suất điện của các nhà máy điện gió ở phía Tây tỉnh Quảng Trị lên hệ thống điện quốc gia, đồng thời là dự án điện cấp bách trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Với tầm quan trọng và tính chất phức tạp của dự án nên công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được chủ đầu tư và tỉnh Quảng Trị quan tâm. Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Dự án Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo có tổng diện tích đất ảnh hưởng là 32.740,40 m2 , trong đó đất hộ gia đình cá nhân 7 hộ với diện tích 19.437,1 m2 , đất do UBND xã quản lý 11.933,5 m2 đang giao cho 4 hộ thuê canh tác và đường giao thông 1.369,80 m2 . Hiện nay đã kiểm kê xong 11/11 hộ, phê duyệt phương án bồi thường 9/11 hộ, còn 2 hộ đã kiểm kê nhưng chưa trình duyệt do vướng việc xác nhận nguồn gốc đất. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là còn lại 4 hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB với lý do không chấp nhận đơn giá hỗ trợ về đất.

Đối với đường dây 220 kV Đông Hà- Lao Bảo đã kiểm kê 5/10 vị trí, đang niêm yết công khai phương án bồi thường. Chưa kiểm kê 5/10 vị trí, trong đó có 3 vị trí ảnh hưởng đến đất của Công ty TNHH My Anh- Khe Sanh nên công ty chưa đồng ý ký hồ sơ quy chủ. Phần hành lang tuyến đã kiểm kê 5/10 khoảng cột, còn 3 khoảng cột thuộc Công ty TNHH My Anh- Khe Sanh và 2 khoảng cột thuộc hộ dân đang quy chủ nên chưa kiểm kê bồi thường. Bà Hoàng Thị Sương, Kế toán trưởng Công ty TNHH My Anh- Khe Sanh cho biết, các vị trí cột của đường dây 220 kV Đông Hà- Lao Bảo đi qua khu đất của công ty đang trồng cây mắc ca với số lượng cây bị ảnh hưởng khoảng 16.000 cây, chưa tính đến chuối và các cây dược liệu trồng xen canh.

Tại vị trí đang thiết kế đường dây đi qua nằm ở khu vực đồi núi khi có mưa giông kèm theo sấm sét và thường xuyên xảy ra tình trạng cháy rừng nên khi đường điện đi qua sẽ tăng thêm mức độ nguy hiểm, rủi ro nên cần phải được các ngành chức năng khảo sát, đánh giá lại thực trạng. Mặt khác khi lắp đặt đường dây thì buộc phải có đường để vận chuyển vật tư, thiết bị đến các vị trí cột. Hiện nay chỉ có một con đường duy nhất đi ngang qua khu vực sản xuất của công ty nhưng đây là khu vực sản xuất đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia đã được cấp giấy chứng nhận nên có quy định nghiêm ngặt hạn chế không cho phép người qua lại. Vì vậy Công ty TNHH My Anh- Khe Sanh đề nghị chủ đầu tư tiến hành khảo sát lại vị trí phóng tuyến để dịch chuyển 3 vị trí móng trụ ra khỏi phạm vi đất của công ty, đồng thời có những cam kết về mức độ an toàn, đặc biệt là an toàn tính mạng cho công nhân khi đang lao động tại hiện trường.

Thêm một nguyên nhân dẫn đến tiến độ triển khai dự án chậm đó là công tác thi công cải tạo móng trong điều kiện đường dây mang điện là hết sức khó khăn. Lực lượng thi công phải thực hiện từng công đoạn một như giằng néo cột, đục cổ móng, gia cố bản đế cột, đào móng, khoan cấy thép, buộc thép, ghép cốt pha, đổ bê tông và chỉ được thực hiện trên 2 chân trụ 1 lần với thời gian hoàn thành 1 móng từ 8 đến 10 ngày theo quy định. Vì thế các tổ đội thi công chưa thích ứng với việc thi công cải tạo theo phương án này nên khối lượng thi công quá chậm so với yêu cầu. Mặt khác từ đầu năm 2020 đến nay, quá trình thi công gặp trở ngại do ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 nên việc bố trí nhân lực, phương tiện của các nhà thầu xây lắp gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ chung dự án. Hiện nay là giai đoạn cao điểm về tiến độ, đồng thời mức độ khó khăn của dự án tăng lên khi các đội chuyển sang thi công các vị trí địa hình đồi núi hiểm trở, công tác thi công thực hiện nhiều hạng mục cùng lúc trong điều kiện khí hậu nắng nóng kéo dài với những diễn biến khó lường của khu vực Quảng Trị.

Tập trung gỡ khó để dự án triển khai đúng tiến độ

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận thì vướng mắc nhất hiện nay là các bên chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết các vị trí thi công nằm trong diện tích đất sản xuất của Công ty TNHH My Anh - Khe Sanh. Rõ ràng yêu cầu chuyển dịch vị trí cột ra khỏi diện tích đất sản xuất là không khả thi bởi tác động lớn đến việc phóng tuyến đường dây nên chính quyền địa phương đã cùng với chủ đầu tư nhiều lần vận động, thuyết phục phía công ty chấp thuận mức hỗ trợ đền bù nhưng vẫn chưa mang lại kết quả. Do phía Công ty TNHH My AnhKhe Sanh chưa chịu ký xác nhận vào danh sách thu hồi đất nên chưa thể tiến hành kiểm kê, áp giá đền bù nên công tác GPMB chậm tiến độ.

Ngoài ra theo tìm hiểu của chúng tôi thì khó khăn tiếp theo là việc thu hồi gần 4.000 m2 đất của các hộ dân đã thuê 50 năm để sản xuất. Yêu cầu của các hộ dân là được nhà nước bồi hoàn lại số tiền thuê đất mà họ đã nộp trong những năm còn lại của thời hạn thuê đất nhưng huyện chưa tìm ra giải pháp tháo gỡ. Bởi số tiền thuê đất của các hộ đã được nộp vào ngân sách nên bây giờ địa phương không biết trích từ nguồn nào để bồi hoàn cho người thuê đất nếu yêu cầu này được UBND tỉnh chấp thuận. Dự án sau khi kiểm kê, xác định mức độ ảnh hưởng đã lập phương án thu hồi đất nhưng phần diện tích còn lại trong cùng một thửa đất, một chủ đất quá nhỏ, manh mún, bị chia cắt thành nhiều mảnh nhỏ không thể sản xuất. Cụ thể tại thửa số 22, tờ bản đồ số 11 thu hồi 4087,5 m2 , diện tích còn lại 128,5 m2 ; thửa đất số 23, tờ bản đồ số 11 thu hồi 2722,4 m2 , diện tích còn lại 1.070 m2 bị chia thành 2 mảnh hình tam giác rời rạc và khó canh tác. Vì vậy, người dân đề nghị chủ đầu tư bồi thường thu hồi luôn diện tích còn lại. Ngoài ra, các hộ dân có trồng cây nhỏ xen canh trên đất trồng cà phê không thống nhất bồi thường cây trồng xen canh 50% theo bảng giá quy định của UBND tỉnh mà đề nghị bồi thường 100% đơn giá. Một số hộ dân còn yêu cầu bồi thường, hỗ trợ đất và cây trồng trên đất nhưng hiện vướng mắc là chưa có sự thống nhất trong việc xác định cùng một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao để áp giá đền bù. Mặt khác cây mắc ca hiện nay chưa nằm trong danh mục cây trồng được hỗ trợ đền bù nên rất khó khăn trong việc định giá theo đúng quy định của nhà nước.

Trước những khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB cũng như thi công của dự án, UBND tỉnh Quảng Trị đã tích cực chỉ đạo UBND huyện Hướng Hóa cũng như chủ dự án triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ bởi đây là dự án có tầm quan trọng để truyền tải công suất các nhà máy điện gió, thủy điện nhỏ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Về những vướng mắc hiện tại theo kiến nghị của Công ty TNHH My Anh-Khe Sanh thì chủ dự án tiến hành khảo sát, lập phương án thi công để hạn chế thấp nhất các thiệt hại của công ty. Hiện nay đền bù cây mắc ca chưa có trong danh mục đền bù nên UBND tỉnh giao huyện Hướng Hóa thuê đơn vị tư vấn khảo sát lập phương án đền bù để trình UBND tỉnh phê duyệt. Đối với diện tích đất cho hộ cá nhân thuê canh tác 50 năm, giao huyện Hướng Hóa rà soát lại quy trình thuê đất, đề xuất phương án bồi hoàn trình tỉnh xem xét với quan điểm gỡ khó theo từng vụ việc, từng công đoạn để dự án triển khai kịp tiến độ.

Hồ Nguyên Kha

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=149938