Cần tháo gỡ vướng mắc về chế độ giáo viên thể dục
Một số trường dự bị đại học rơi vào tình trạng lúng túng, vướng mắc trong việc thực hiện chế độ đối với giáo viên thể dục, gây nhiều băn khoăn. bất đồng.
Hiện nay, chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục cho giáo viên thể dục trên cả nước đang thực hiện theo Quyết định số 51/2012/QĐ-TTg ban hành ngày 16/11/2012 do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân ký.
Quyết định này “Quy định về chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao” tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, các trường chuyên biệt, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Điều 3, 4 của Quyết định đã nêu rõ các chế độ giáo viên thể dục thể thao trong các nhà trường được hưởng như sau:
“Điều 3. Chế độ bồi dưỡng
Chế độ bồi dưỡng được chi trả bằng tiền và được tính bằng 01% mức lương tối thiểu chung cho 01 tiết giảng thực hành...
Điều 4. Chế độ trang phục
1. Đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao dạy chuyên trách môn thể dục, thể thao được cấp 02 bộ quần áo thể thao dài tay/năm, 02 đôi giày thể thao/năm, 04 đôi tất thể thao/năm, 04 áo thể thao ngắn tay/năm.
2. Đối với giáo viên, giảng viên dạy kiêm nhiệm (giáo viên dạy môn học khác dạy kiêm nhiệm môn thể dục, thể thao) được cấp 01 bộ quần áo thể thao dài tay/năm, 01 đôi giày thể thao/năm, 02 đôi tất thể thao/năm, 02 áo thể thao ngắn tay/năm...”.
Trường dự bị đại học theo quy định trong Luật Giáo dục thuộc loại trường chuyên biệt, nên từ khi Quyết định 51 ra đời, giáo viên thể dục của trường là đối tượng nằm trong phạm vi điều chỉnh của quy định này.
Thế nhưng, từ năm học 2017-2018, theo Thông tư số 26/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 30/12/2016, có hiệu lực từ ngày 15/02/2017 và thay thế các quy định về tuyển chọn, tổ chức bồi dưỡng và xét tuyển vào học trình độ đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đối với học sinh hệ dự bị đại học tại Thông tư số 25/2010/TT-BGDĐT ngày 13/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn Thể dục đã không còn được dạy ở trường dự bị đại học nữa.
Các trường dự bị đại học bèn phân công nhóm cựu giáo viên thể dục hướng dẫn học sinh “rèn luyện sức khỏe” - mỗi lớp 1 tiết/ tuần.
Chế độ bồi dưỡng, chế độ trang phục đối với giáo viên thể dục thể thao
Trong quy định hiện hành, các tiết dạy thể dục được phân thành 3 loại: tiết lý thuyết, tiết thực hành và tiết kiểm tra.
Ở hệ dự bị đại học, Bộ đã quy định môn Thể dục có tỷ lệ số tiết thực hành chiếm khoảng 70%, còn 30% dành cho lý thuyết và kiểm tra.
Theo Thông tư 26 thì tiết rèn luyện sức khỏe sẽ được hướng dẫn mỗi tuần 1 tiết/ lớp, Bộ không ban hành lịch trình rèn luyện sức khỏe, mà giáo viên thể dục ở trường tự soạn lịch trình hướng dẫn học sinh rèn luyện sức khỏe.
Do đó có trường, giáo viên thể dục khi soạn lại lịch trình rèn luyện sức khỏe, đã tự ý thay đổi tỷ lệ giữa lý thuyết và thực hành-kiểm tra, tính hẳn toàn bộ 100% số tiết rèn luyện sức khỏe đều là tiết thực hành, không có tiết lý thuyết và kiểm tra nào, để hưởng toàn bộ chế độ bồi dưỡng tiết giảng thực hành, chưa phù hợp quy định.
Ngoài ra, thời gian gần đây do tuyển sinh hệ dự bị đại học bị suy giảm, số lớp học cũng bị giảm theo, cá biệt có trường tuyển sinh chỉ đạt chưa đến 50% chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao, dẫn đến tình trạng giáo viên thiếu tiết dạy trầm trọng.
Ở một số trường dự bị đại học, giáo viên thể dục thực dạy hằng năm chỉ đạt khoảng ≤ 25% định mức do Bộ quy định (336 tiết/giáo viên/năm học), nhưng tất cả giáo viên thể dục đều vẫn được hưởng đầy đủ chế độ trang phục, trong lúc ở các cơ sở giáo dục phổ thông, nếu giáo viên thể dục dạy ≤ 50 định mức thì không được hưởng chế độ trang phục này.
Bên cạnh đó, nhiều giáo viên hiện đã chuyển sang làm trưởng, phó các phòng chức năng hoặc dạy thêm môn khác, tức là trở thành giáo viên kiêm nhiệm chứ không còn là giáo viên chuyên trách như trước, nhưng nhiều năm nay nhà trường vẫn phải thanh toán đầy đủ chế độ trang phục như giáo viên chuyên trách thực thụ, trái với quy định.
Do sự thay đổi của chương trình chuyên môn ở trường dự bị đại học từ năm 2017 theo Thông tư 26 như trên, một số trường dự bị đại học rơi vào tình trạng lúng túng, gặp khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chế độ đối với giáo viên thể dục, gây nhiều băn khoăn, bất đồng trong nội bộ.
Trước tình hình vướng mắc ở các trường dự bị đại học như nêu trên, để kịp thời tháo gỡ, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp quản lý cần thiết có sự điều chỉnh về mặt văn bản quy định, bổ sung cho Quyết định 51 và Công văn số 1384/BGDĐT-CTHSSV ngày 5/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện Quyết định 51 cho phù hợp với thực tiễn; cụ thể cần làm rõ các điểm sau:
Giáo viên thể dục đang được hưởng một lúc nhiều chế độ, quyền lợi khác nhau
- Cần xác định rõ “Rèn luyện sức khỏe” ở hệ thống 4 trường dự bị đại họctrên toàn quốc hiện nay (01 tiết/ tuần/ lớp x 28 tuần = 28 tiết/ lớp/ năm học) là phân môn hướng dẫn học sinh luyện tập, bổ trợ sức khỏe hay là môn học chính khóa về thể dục, thể thao, giáo dục thể chất?
Đồng thời, nếu là môn học chính khóa thì cần sớm xây dựng quy định kiểm tra đánh giá định kỳ một cách bài bản, cụ thể từng học kỳ, từng năm học như 9 môn học văn hóa chính khóa đã được quy định trong Thông tư 26, chứ không để tình trạng mỗi trường tự kiểm tra tùy tiện, đại khái qua loa như hiện tại.
- Sớm ban hành chương trình “Rèn luyện sức khỏe” dành cho hệ dự bị đại học, chấm dứt tình trạng các trường tự ý vẽ ra lịch trình bát nháo, không dựa trên một căn cứ thống nhất nào, tùy tiện mỗi trường một kiểu như hiện nay.
- Cần sớm quy định, cụ thể hóa thêm cho rõ ràng về đối tượng giáo viên thể dục ở trường dự bị đại học hiện là trưởng, phó phòng chức năng khi kiêm thêm việc hướng dẫn học sinh rèn luyện sức khỏe, thì có còn là giáo viên chuyên trách không hay đã chuyển sang đối tượng giáo viên kiêm nhiệm theo Quyết định 51?
- Cần quy định, nếu giáo viên thể dục thực hiện đủ định mức tiết dạy mỗi năm học theo quy định hiện hành thì được hưởng đầy đủ chế độ trang phục; còn nếu thực hiện chỉ được từ 1/5 đến ≤ 1/2 định mức tiết dạy hằng năm, thì có nên được hưởng chế độ trợ cấp trang phục theo tỷ lệ tương ứng hay cắt giảm chế độ trang phục?
Quyết định số 51/2012/QĐ - TTg quy định bồi dưỡng, trợ cấp trang phục đã thể hiện sự ưu ái của nhà nước dành riêng cho đội ngũ giáo viên, giảng viên thể dục thể thao trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, đây là chủ trương, quyết định đúng đắn, phù hợp với hoạt động của giáo viên thể dục - đối tượng nhà giáo mang tính đặc thù.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện thì đến nay một số điểm trong Quyết định 51 theo thời gian đã trở nên không còn phù hợp với thực tiễn ở các trường dự bị đại học.
Mong rằng các cấp hữu quan cần sớm điều chỉnh, bổ sung kịp thời, nhằm tạo nên hành lang pháp lý cho các trường dự bị đại học có căn cứ khắc phục, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn hiện tại đang gặp phải, thực hiện đúng, đảm bảo đầy đủ ý nghĩa quy định ưu đãi của nhà nước đối với giáo viên thể dục, đồng thời cũng tránh được tình trạng một chế độ tốt đẹp bị lạm dụng, lãng phí khi thực hiện chưa phù hợp với quy định.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/giao-vien-the-duc-dang-duoc-huong-mot-luc-nhieu-che-do-quyen-loi-khac-nhau-post182740.gd