Cần tháo gỡ vướng mắc việc chuyển xếp hạng giáo viên theo chùm Thông tư 01-04
Mong ước của nhiều thầy cô giáo cũng như góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển xếp hạng ở các địa phương, giáo viên tha thiết Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xét thăng hạng giáo viên.
Tháng 2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chùm Thông tư số 01-04 về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Việc ra đời của chùm Thông tư 01-04 đã gặp phải không ít ý kiến trái chiều trong ngành giáo dục. Để hoàn thiện hơn việc chuyển xếp hạng giáo viên, Bộ đã lấy ý kiến rộng rãi trong toàn ngành. Tuy nhiên cho đến thời điểm này đã hơn 2 năm nhưng vẫn chưa công bộ chính thức chùm thông tư sửa đổi.
Hiện đã có một số địa phương tiến hành chuyển xếp hạng giáo viên theo chùm Thông tư 01-04. Vì thế, một số thắc mắc vẫn chưa được tháo gỡ gây không ít ý kiến bức xúc trong đội ngũ nhà giáo.
Vướng mắc lớn nhất là các khái niệm
Trong chùm các Thông tư 01-04, nhiều địa phương đang nhầm lẫn giữa 2 khái niệm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp với việc bổ nhiệm lại hạng chức danh nghề nghiệp.
Vì hiểu nhầm nên dẫn đến việc vận dụng sai khi chuyển xếp hạng giáo viên, dẫn đến tình trạng có thầy cô đang ở hạng II bị giáng xuống hạng III với lý do chưa đủ thời gian giữ hạng 9 năm. Điều này, không chỉ dẫn đến những bức xúc còn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của của nhiều thầy cô giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời
Cô giáo Quỳnh, cô giáo Nguyễn Thu, thầy giáo Phạm Khánh đã trực tiếp gửi câu hỏi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Tôi công tác được 6 năm tại trường THCS, chức danh nghề nghiệp hạng II (mã số V 07.04.11); hệ số lương 2,67.
Tôi đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Tôi được biết có thông tin nếu chưa đủ 9 năm giữ hạng sẽ bị xuống hạng III. Xin hỏi, với thời gian 6 năm công tác và thành tích cá nhân tôi đã đạt được thì tôi có được xét chuyển sang ngang chức danh nghề nghiệp hạng II mới không?".
Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã giải đáp chính sách online về những trường hợp thầy Phạm Khánh, cô giáo Quỳnh, cô giáo Nguyễn Thu.
Quy định về thời gian giữ hạng tại Điểm K, Khoản 4, Điều 4 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường THCS công lập là quy định đối với trường hợp viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS từ hạng III (mã số V.07.04.32) lên hạng II (mã số V.07.04.31).
Trường hợp của bà Quỳnh không phải là thi hoặc xét thăng hạng mà là bổ nhiệm lại hạng chức danh nghề nghiệp từ quy định cũ (Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) sang hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định mới (Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT) nên không cần phải xét tiêu chuẩn về thời gian giữ hạng.
"Trường hợp của ông Phạm Khánh không phải là thi hoặc xét thăng hạng mà là bổ nhiệm lại hạng chức danh nghề nghiệp từ quy định cũ (Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) sang hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định mới (Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT) nên không cần phải xét tiêu chuẩn về thời gian giữ hạng".
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một hướng dẫn chung cho các địa phương khi thực hiện việc xếp hạng giáo viên
Chùm các Thông tư 01-04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập đã nêu rất rõ: Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên (…) hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên (…) hạng III hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Điều này được hiểu quy định về thời gian giữ hạng III đủ 9 năm trở lên chỉ dành cho giáo viên có nhu cầu dự thi hoặc dự xét thăng hạng. Còn những giáo viên đang ở hạng II (họ đã được bổ nhiệm trước đó, dù mới có 5 hoặc 6 năm công tác) cũng không thuộc quy định phải có đủ 9 năm giữ hạng như cách hiểu ở một số địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã khẳng định, những thầy cô giáo đang ở hạng II cũ (có thâm niên từ 5, 6 năm) mà đảm bảo các điều kiện theo quy định của giáo viên hạng II mới cũng sẽ được bổ nhiệm lại hạng chức danh mà không cần chờ thời gian cho đủ.
Tuy thế, không ít địa phương vẫn hiểu sai tinh thần này. Họ vẫn cho rằng, giáo viên chưa đủ 9 năm giữ hạng II vẫn phải chuyển xếp xuống hạng III. Khi hiểu sai tinh thần của thông tư ắt sẽ có cách làm sai, và như thế nhiều giáo viên sẽ bị thiệt thòi trong việc chuyển xếp hạng chức danh lần này.
Bởi thế, mong ước của nhiều thầy cô giáo cũng như góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển xếp hạng ở các địa phương, giáo viên luôn tha thiết Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, thay vì mất thời gian trả lời từng cá nhân một như hiện nay.