Cần tháo 'nút thắt' trong đăng ký chỉ dẫn địa lý cho ngành điều Bình Phước
Là thủ phủ điều của cả nước, không chỉ đứng đầu về diện tích mà còn có chất lượng vượt trội so với các địa phương trồng điều khác, nhờ vậy tháng 5-2018, hạt điều Bình Phước vinh dự được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây chính là điều kiện để hạt điều của tỉnh khẳng định vững chắc thương hiệu trên thị trường toàn cầu, đồng thời mở ra cơ hội phát triển bền vững cho cả một chuỗi sản xuất ngành điều. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau hơn 2 năm nỗ lực để có được chỉ dẫn địa lý, đến nay số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành công chỉ dẫn này vỏn vẹn chỉ trên đầu ngón tay. Vậy nguyên nhân do đâu?
Tuân thủ các điều kiện theo quy định
Sau khi đưa được sản phẩm hạt điều của mình ra các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Úc..., Công ty TNHH Hạt Điều Vàng, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng quan tâm đến việc hoàn thiện để được cấp các chứng chỉ quan trọng như an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, bảo đảm môi trường cả trong nước và quốc tế… Trong đó, công ty cũng đã có được những chứng chỉ khắt khe của các tổ chức uy tín thế giới như: Chứng chỉ BRCS của Anh quốc mang giá trị toàn cầu, ALA của các nước khu vực Trung Đông và nhiều chứng chỉ khác của Việt Nam. Thế nhưng khi đem sản phẩm xuất ra các thị trường khó tính, khách hàng lại đòi hỏi sản phẩm của DN phải có chỉ dẫn địa lý để xác định đúng xuất xứ hạt điều ở Bình Phước. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, DN cũng đang nỗ lực xin cấp chỉ dẫn địa lý cho hạt điều của mình, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được.
Công ty TNHH Hạt Điều Vàng dù có dây chuyền sản xuất hiện đại và đầy đủ chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chỉ dẫn địa lý cho hạt điều vẫn rất cần để doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang những thị trường khó tính
Chị Nguyễn Thị Hương, Phó giám đốc Công ty TNHH Hạt Điều Vàng cho biết: Để được cấp chỉ dẫn địa lý buộc phải tuân thủ các điều kiện theo quy định như: có quy hoạch vùng nguyên liệu tại Bình Phước, an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất đảm bảo môi trường, nguyên liệu chế biến phải là hạt điều an toàn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không vượt mức cho phép... Tất cả điều kiện này, DN đáp ứng đầy đủ, chỉ duy nhất vùng nguyên liệu 300 ha cho sản xuất cả năm là điều vô cùng nan giải.
Không ngồi chờ, để có được chỉ dẫn địa lý, DN đã nỗ lực tiếp cận các vườn điều trên địa bàn, thế nhưng vùng nguyên liệu nếu có đều là diện tích nhỏ lẻ, rải rác của nông hộ. Như vậy, khi quản lý quy trình chăm sóc và thu mua đạt chuẩn nguyên liệu an toàn như yêu cầu của văn bằng chỉ dẫn địa lý khuyến cáo là vô cùng khó. Chính lý do không tìm ra vùng nguyên liệu là rào cản mà DN chưa được cấp chỉ dẫn địa lý, dù đã làm hồ sơ từ rất lâu. Chị Nguyễn Thị Hương cho biết thêm: “Trong quá trình làm thủ tục xin cấp chỉ dẫn địa lý, chúng tôi thiếu vùng nguyên liệu, vì vùng nguyên liệu vẫn do người nông dân quản lý, chưa có cơ quan nào đứng ra quy hoạch, kiểm soát chất lượng vùng nguyên liệu đó. Do vậy đến nay chúng tôi chưa có được chỉ dẫn này dù DN rất cần”.
Khó chồng khó
Cái khó về vùng nguyên liệu của DN trong thời gian gần đây cũng có thể lý giải, bởi bên cạnh diện tích trồng điều ngày càng giảm do giá bấp bênh thì khi người nông dân muốn hợp tác làm vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn sạch cho DN họ cần có những hỗ trợ về vật tư, phân bón, kỹ thuật, đồng thời giá phải cao hơn thị trường tự do. Đây là đòi hỏi rất chính đáng mà các DN chế biến, sản xuất hạt điều buộc phải đáp ứng khi muốn hợp tác. Nông dân trồng điều Nguyễn Văn Linh ở xã Bù Nho, huyện Phú Riềng cho rằng: “Để có sản phẩm hạt điều sạch cung cấp cho các DN thì khâu chăm sóc phải theo mô hình sinh học. Vì vậy sẽ tốn kém hơn nhiều nên chúng tôi chỉ mong khi bán giá phải cao hơn để bù chi phí chăm sóc”.
Chị Nguyễn Thị Hương, Phó giám đốc Công ty TNHH Hạt Điều Vàng nỗ lực tìm vùng nguyên liệu tại các nông hộ trồng điều nhưng không thành vì đa số chỉ là những diện tích nhỏ lẻ
Để có nhiều DN, cơ sở chế biến, sản xuất điều được cấp chỉ dẫn địa lý, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tạo điều kiện, hỗ trợ. Nhưng việc chỉ mới có 7 DN được cấp chỉ dẫn địa lý còn có nguyên nhân từ chính các DN chưa có nhu cầu vì thị trường xuất khẩu sản phẩm của họ chưa đòi hỏi (như thị trường Trung Quốc); trong khi các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu... đòi hỏi cần phải có chỉ dẫn địa lý thì không phải DN nào cũng “chen chân” vào được. Sắp tới, Hội điều Bình Phước sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để DN thấy được lợi ích khi có chỉ dẫn địa lý cho hạt điều. Từ đó hy vọng sẽ có nhiều đơn vị, DN được cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt điều nhằm gia tăng lợi nhuận, khẳng định thương hiệu hạt điều Bình Phước.
Bà Đào Thị Lanh,
Chủ tịch Hội điều Bình Phước
Còn một nguyên nhân khác làm cho tiến độ cấp chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước chậm, đó là nhiều DN, cơ sở chế biến hạt điều chưa nắm được ưu điểm, lợi thế của chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm làm ra. Đây liệu có phải do công tác tuyên truyền của những ngành liên quan chưa hiệu quả? Xin lấy ví dụ như: Ông Phạm Kim Sầm, chủ DN chế biến hạt điều Thanh Minh Ngọc (thị xã Phước Long) dù đã làm sản phẩm xuất khẩu nhiều năm nay nhưng hoàn toàn không biết về chỉ dẫn địa lý cho ngành điều.
Nhiều DN xuất khẩu hạt điều, nhất là xuất qua những thị trường khó tính cho rằng, khi sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và được chứng nhận về chỉ dẫn địa lý thì khả năng sẽ tăng thêm lợi nhuận từ 10-15%. Lợi ích là rất rõ khi hạt điều Bình Phước được cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý, thế nhưng hơn 2 năm qua chỉ có 7 DN trong tổng hàng trăm DN, cơ sở trên địa bàn tỉnh được cấp chỉ dẫn này. Chính vì vậy, đã đến lúc Hội điều Bình Phước cùng các ngành liên quan phải tìm ra giải pháp tháo gỡ “nút thắt” cho DN trong việc cấp chỉ dẫn địa lý. Trong đó, việc cần làm ngay là hỗ trợ tìm vùng nguyên liệu tại địa phương cho DN và kết nối họ với nông dân trồng điều. Bởi quá trình nỗ lực xây dựng thương hiệu cho hạt điều Bình Phước trong xu thế thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt như hiện nay, thì các DN không thể tự “bơi giữa biển lớn” mà cần sự “hà hơi, tiếp sức” của cơ quan chức năng!
Nguyễn Tấn - Công Minh