Cần thay đổi chiến lược thích ứng
Ứng phó ra sao trước dự báo nguy cơ hạn - mặn có thể diễn ra gay gắt vào đầu mùa khô năm sau tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL)? Chung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (trong ảnh), chuyên gia độc lập về sinh thái ÐBSCL.
Ứng phó ra sao trước dự báo nguy cơ hạn - mặn có thể diễn ra gay gắt vào đầu mùa khô năm sau tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL)? Chung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (trong ảnh), chuyên gia độc lập về sinh thái ÐBSCL.
- Năm nay, ÐBSCL lại đối diện với một mùa lũ thấp và dự báo có khả năng hạn - mặn sẽ xảy ra gay gắt trong mùa khô năm 2021. Nguyên nhân của tình trạng này do đâu và ông có nhận định gì về diễn biến hạn - mặn thời gian sắp tới?
- Nguyên nhân chính của tình hình nước lũ thấp ở ÐBSCL năm nay là do từ đầu năm đến tháng 9 có hiện tượng El Nino diễn ra gây mưa ít trên toàn lưu vực. Thêm vào đó, do đầu năm nay hạn gay gắt, các sông nhánh và các hồ thủy điện, hồ thủy nông trên các sông nhánh của sông Mê Công đã bị cạn, do đó lượng mưa đầu mùa đã phải bù vào những nơi này trước khi có thể đổ xuống dòng chính và xuôi về hạ lưu.
Năm 2020 tình hình hơi khác so với năm 2019. Nếu như năm ngoái El Nino kéo dài đến hết mùa mưa nên lượng mưa suốt mùa mưa rất thấp, thì năm nay đã có La Nina từ tháng 9. Theo Cơ quan Ðại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA), La Nina dự kiến kéo dài đến hết mùa mưa, cho nên từ nay đến cuối năm sẽ có mưa nhiều hơn và mực nước có thể sẽ được cải thiện.
Chúng tôi nhận định hạn - mặn mùa khô năm 2021 có thể gay gắt nhưng dù sao vẫn ít gay gắt hơn so với mùa khô 2020 vừa qua. Vùng bán đảo Cà Mau, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang sẽ ít bị ảnh hưởng hạn - mặn mùa khô năm tới vì lượng nước vùng này chủ yếu là nước mưa tại chỗ, ít chịu ảnh hưởng nước sông Mê Công. Nhờ có La Nina, vùng bán đảo Cà Mau sẽ có lượng mưa nhiều từ nay đến cuối năm.
- Những năm qua, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ứng phó với hạn - mặn tại ÐBSCL, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện? Ông có cho rằng, giải pháp ứng phó hạn - mặn tại ÐBSCL vẫn còn có mặt hạn chế, chưa phù hợp thực tế?
- Trong bối cảnh mới này có một số giải pháp trước đây sẽ không còn phù hợp nữa. Trước tiên, các vùng ngọt hóa càng sát biển, xa sông thì sẽ càng mong manh, rủi ro thiếu nước ngọt, dễ "thất thủ" hơn trong những năm khô hạn cực đoan. Việc ngăn mặn chỉ có thể hiệu quả nếu lùi đủ sâu vào đất liền. Do đó, các vùng ngọt hóa sát biển nên được dần dần chuyển trở lại thành canh tác luân phiên mặn - ngọt theo hai mùa mặn - ngọt để tránh thiệt hại.
Mặt khác, các ô đê bao khép kín ở phía đầu nguồn Tứ giác Long Xuyên và Ðồng Tháp Mười không còn phù hợp. Việc canh tác ba vụ lúa liên tục trong nhiều năm làm đất bạc màu, gia tăng phân bón thuốc trừ sâu, dẫn đến gia tăng chi phí, giảm lợi nhuận, và ô nhiễm sông ngòi. Hơn nữa, các ô đê bao này chiếm không gian hấp thu lũ, gây tăng ngập ở những nơi khác trong mùa lũ, làm nước chảy tuột ra biển trong mùa lũ, góp phần làm thiếu nước và gia tăng xâm nhập mặn trong mùa khô. Gặp tình huống năm lũ lớn, đê bao khắp nơi sẽ làm cho lũ không có không gian hấp thu, dễ dẫn đến "tức nước vỡ bờ".
Và một vấn đề nữa, đối với vùng ven biển, thời gian qua thiếu đầu tư cho việc cung cấp nước sinh hoạt. Nước sinh hoạt cho vùng ven biển được mặc định giao cho các công trình thủy lợi, ngăn mặn. Thực tế dù đã có rất nhiều công trình ngăn mặn ven biển đầu tư rất nhiều kinh phí nhưng mùa khô 2020 vẫn có đến 95.000 hộ gia đình thiếu nước. Ngoài ra, nước ngọt bên trong các công trình ngăn mặn là nước tù đọng, ô nhiễm cao, chỉ có thể dùng cho nông nghiệp, không thể dùng cho sinh hoạt được. Các công trình ngăn mặn có "tác dụng phụ" nghiêm trọng là làm sông ngòi yếu, hoặc không chảy, gây thiếu ô-xy trong nước, làm mất khả năng tự làm sạch và dễ trở thành những "dòng sông đen".
- Như vậy, cần có những giải pháp gì trong ngắn hạn và dài hạn để ÐBSCL thích nghi với hạn - mặn, thưa ông?
- Trước mắt, đối với những năm hạn - mặn cực đoan, cần theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh lịch thời vụ để tránh thiệt hại. Thực tế, ngành nông nghiệp và bà con nông dân đã làm được điều này. Nhờ né vụ nên mùa khô năm 2020 thiệt hại về lúa thấp hơn rất nhiều so năm 2016. Ðối với vườn cây ăn trái, có thể dùng các biện pháp đơn giản như dùng bao ni-lông cỡ lớn để trữ nước trong các kênh mương nội đồng vào cuối mùa mưa để tưới cho cây trong mùa khô, hoặc dùng các công trình cục bộ để tích nước vào cuối mùa mưa.
Chiến lược thích ứng cần chia làm hai loại: để phát triển lâu dài thì cần dựa trên tình hình chung của các năm bình thường và chiến lược ứng phó cho các năm cực đoan (lũ và hạn). Cùng với đó, nền nông nghiệp cần chuyển hướng giá trị bằng cách chọn giống tốt hơn, gia tăng hàm lượng chế biến, gia tăng chuỗi giá trị, thiết lập thương hiệu, vươn tới thị trường giá trị cao hơn. Không chỉ thị trường xuất khẩu mà thị trường trong nước ngày nay cũng có nhu cầu cao hơn đối với chất lượng nông sản. Do đó, nền nông nghiệp giá trị thấp, chỉ tập trung vào số lượng đã không còn phù hợp nữa. Việc cải cách nền nông nghiệp là hướng đi tất yếu, như đã chỉ ra trong Nghị quyết 120 của Chính phủ. Cải cách nền nông nghiệp thuận theo mùa tự nhiên, chúng ta sẽ đỡ phải loay hoay hết chống lũ mùa lũ xoay sang chống hạn mùa khô.
Vấn đề còn lại là ưu tiên đầu tư giải quyết nước sinh hoạt cho vùng ven biển và phải tách riêng việc này ra khỏi các công trình ngăn mặn phục vụ nông nghiệp.
- Xin cảm ơn thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện!
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/can-thay-doi-chien-luoc-thich-ung-619038/