Cần thay đổi lại quan niệm đeo khẩu trang phòng Corona

Chiều 5-2, tại Hội nghị cung cấp thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona do Bộ Y tế tổ chức, TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đặt vấn đề: 'Khẩu trang có phải cứu nhân' trong phòng dịch nCoV hay không?.

Theo khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp: Không cần đeo khẩu trang y tế vì chưa thấy bằng chứng khoa học có lợi ích bảo vệ với người chưa lây bệnh”. Phòng bệnh nCoV cần nhiều biện pháp, khẩu trang chỉ là một phần.

Khẩu trang chỉ là một phần trong phòng nCoV

Theo đó, dẫn lại khuyến cáo của WHO, Thứ tưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Khẩu trang chỉ là một phần trong phòng bệnh nCoV. Vi-rút này nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ, tịa cực tím, gió (môi trường thông thoáng khí) nên mọi người nên mở cửa sổ tạo thông thoáng. Không nhất thiết phải dùng dụng cụ khẩu trang. Chúng ta phải hết sức bình tĩnh, không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, bệnh có 3 phương thức lây truyền chủ yếu gồm: Qua không khí-qua việc tiếp xúc với những giọt nước bọt từ những người ho, hắt hơi, sổ mũi qua đường hô hấp;

Lây truyền trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh, ngay cả bắt tay nếu khoông thực hành phòng bệnh bằng rửa tay với xà phòng cũng có thể lây;

Lây truyền từ các bề mặt đã bị nhiễm bệnh, khi người bệnh ho hắt hơi không chỉ lơ lửng ở không khí mà tồn tại trên bề mặt tiếp xúc gỗ, đá, sắt, thép, vải, có thời gian tồn tại khá lâu. Khi tay sờ vào đưa lên mắt mũi miệng thì đó là đường lây truyền đáng quan ngại;

Thứ 4 là lây qua đường phân, xảy ra khi chăm sóc người nhiễm.

Vì vậy, việc phòng lây nhiễm phải áp dụng tất cả các biện pháp. WHO khuyến cáo rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày vì trung bình 10 phút/lần tay có động tác đưa lên mặt; Vệ sinh bề mặt, tránh tiếp xúc với đám đông là rất quan trọng-đó là phương thức lây truyền chúng ta cần hiểu rõ để hết sức bình tĩnh.

Để phòng, chống lây nhiễm thì mọi người nên tránh tiếp xúc trực tiếp qua không khí với người nhiễm bệnh. Tránh việc đào thải mầm bệnh ra ngoài môi trường, khi ho hắt hơi sổ mũi sử dụng vải, giấy khẩu trang che và bỏ vật đó đi, rửa tay-đây là những biện pháp tưởng chừng đơn giản nhưng rất có ý nghĩa; tránh tiếp xúc với bệnh nhân trong khu vực kín.

Đặc biệt, phòng bệnh qua tiếp xúc trực tiếp, tốt nhất không nên tiếp xúc trực tiếp với đám đông mà chúng ta chưa biết rõ tình hình dịch; tránh tập trung ở nơi đông người. Vì vậy, chỉ đạo của Chính phủ hạn chế lễ hội là việc rất quan trọng.

Biện pháp tiếp theo chúng ta chưa để ý là vệ sinh bề mặt. Vì vậy, cần thường xuyên lau bề mặt bàn, ghế bằng thuốc sát khuẩn thông thường mà chúng ta đang sử dụng.

TS. Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Việt Nam đang triển khai việc hạn chế, cách ly người đi từ vùng có dịch trở về Việt Nam là một biện pháp cực kỳ quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh từ nước ngoài về Việt Nam. Hiện nay có khoảng 900 người được cách ly ở tất cả các tỉnh biên giới, hầu hết là người Việt Nam. Từ khi có dự lệnh này chưa có người Trung Quốc nào vào Việt Nam. Số người Trung Quốc nào về nước chúng ta tạo điều kiện giúp đỡ để họ trở về đất nước.

“Một số thông tin nói địa bàn này kia có người tràn vào Việt Nam là không có. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đi Quảng Ninh kiểm tra, các đồn biên phòng tăng cường các cửa khẩu chính, phụ đều được kiểm soát”, Thứ trưởng Long nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị (ảnh: V.H)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị (ảnh: V.H)

Ngay cả đường hàng không, từ khi có lệnh chỉ chở khách Việt Nam về nước thì đến 12 giờ trưa nay, toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đều không nhận những trường hợp đến từ Trung Quốc hoặc đi qua Trung Quốc.

Cách ly các ca nghi nhiễm, tiếp xúc và thực hiện rửa tay thường xuyên

Bên cạnh đó, việc cách ly những trường hợp vào Việt Nam 14 ngày được chia thành 3 cấp độ: Nghi bệnh cách ly tuyệt đối tại cơ sở y tế; Cách ly cá nhân đi từ Hồ Bắc về /người đi từ Trung Quốc về hoặc tiếp xúc, phải cách ly tại gia đình dưới sự giám sát, quản lý của cơ quan y tế, các cấp chính quyền ở địa phương, người đó không được ra khỏi nhà/khách lưu trú tại khách sạn, cơ sở lưu trú phải ở tại chỗ tuyệt đối; Những người tiếp xúc với người tiếp xúc cách ly hạn chế.

Đó là những biện pháp chúng ta thực hiện mạnh mẽ để hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng. Biện pháp này gây bất lợi với người bị cách ly, mong những người đó thực hiện nghiêm vì sức khỏe của chính họ cũng như gia đình, cộng đồng.

Khẩu trang không phải giải pháp dành cho tất cả, chúng ta nên theo WHO khuyến cáo. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân khi nào dùng khẩu trang y tế, khi nào dùng khẩu trang thông thường. Khuyến khích sử dụng nơi đông người như tàu xe để tránh phát tán các mầm bệnh của mình ra môi trường, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Còn theo TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế cho rằng: Chúng ta cần thay đổi lại quan niệm đeo khẩu trang. Cách tiếp cận của chúng tôi làm sao để những người bị bệnh không phát ra; thứ 2 là cán bộ y tế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh nghi ngờ bệnh mới cần đeo.

Những ai đó đi đến thăm nom người bệnh ở bệnh viện đều nên đeo khẩu trang y tế. Điểm rất quan trọng là đeo đúng cách, không sờ vào bề mặt của khẩu trang-tay có thể có vi-rút, vi khuẩn (không chỉ Corona) lại đưa vào miệng. Sờ mặt ngoài thì bám vào vi-rút, vi khuẩn lại đưa lên mũi.Vì thế nên đeo vào cởi ra bằng cách sờ vào quai.

“Vấn đề phải rửa tay với xà phòng, áp dụng các biện pháp, khẩu trang không phải tất cả. Khẩu trang vải vẫn được đeo thường xuyên khi đi xe máy, đông người, giữ ấm, tránh bụi… Chúng tôi thấy rằng những người khỏe mạnh không nhất thiết phải đeo khẩu trang. Trong thời điểm này là thời điểm vàng, giai đoạn vàng, làm tốt những biện pháp phòng chống này thì may ra dịch không lan tràn, còn nếu để lây, lây thứ cấp thì sẽ phức tạp”, TS. Phu khuyến cáo.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-thay-doi-lai-quan-niem-deo-khau-trang-phong-corona-178724.html