Cần thay đổi thói quen sử dụng túi nylon

Ngay cả khi được chôn lấp, chúng vẫn tồn tại hàng trăm năm, gây ô nhiễm môi trường đất, làm đất không giữ được nước dẫn đến tình trạng xói mòn, thiếu dinh dưỡng và oxy, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng.

Đoàn viên thanh niên thị xã Hòa Thành tặng túi thân thiện với môi trường cho người đi chợ. Ảnh minh họa K.K

Đoàn viên thanh niên thị xã Hòa Thành tặng túi thân thiện với môi trường cho người đi chợ. Ảnh minh họa K.K

Rác thải nhựa đã trở thành vấn nạn về môi trường cho toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam. Không thể phủ nhận độ tiện dụng của vật dụng bằng nhựa như túi nylon, ống hút, hộp đựng thực phẩm... Thế nhưng, đó lại là mối nguy hại đối với môi trường bởi tính chất khó phân hủy.

Ngay cả khi được chôn lấp, chúng vẫn tồn tại hàng trăm năm, gây ô nhiễm môi trường đất, làm đất không giữ được nước dẫn đến tình trạng xói mòn, thiếu dinh dưỡng và oxy, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng.

Tại một số chợ truyền thống ở thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành như chợ Long Hoa, chợ phường 3, chợ thành phố Tây Ninh… hầu hết tiểu thương và người đi chợ đều sử dụng túi nylon để đựng thực phẩm, hàng hóa…

Một tiểu thương bán cá tại chợ Long Hoa, thị xã Hòa Thành cho biết, sử dụng túi nylon đựng cá là tiện lợi nhất do cá là loại hàng hóa ẩm ướt. Chị thừa nhận, thời gian qua, các ngành chức năng cũng đã vận động tuyên truyền hạn chế sử dụng túi nylon nhưng chị không có sự lựa chọn nào khác.

Theo chị N.T.A- ngụ phường 3, thành phố Tây Ninh, trước đây, để chung tay bảo vệ môi trường, có thời gian chị cũng sử dụng túi thân thiện với môi trường đựng thực phẩm, đồ vật khi đi chợ. Tuy nhiên, loại túi này giá thành cao hơn túi nylon.

Khi đi chợ phải mang theo nhiều túi để đựng nhiều loại thực phẩm khác nhau rất bất tiện so với túi nylon. Chưa kể, dù chị mua loại túi thân thiện với môi trường sử dụng nhiều lần nhưng cũng nhanh hư hỏng nên chị quay lại sử dụng túi nylon.

Có thể nói tình trạng sử dụng túi nylon để đựng thực phẩm tại các chợ truyền thống, các tiệm kinh doanh tạp hóa… là thói quen rất khó thay đổi.

Đại diện siêu thị Co.opmart thành phố Tây Ninh biết, từ năm 2011 cho đến nay, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã mạnh dạn thay thế 100% túi nhựa bằng túi thân thiện với môi trường.

Loại túi này sử dụng chất phụ gia Reverte có ưu điểm là khả năng tự phân hủy sinh học trong môi trường có điều kiện nhiệt độ và ánh sáng thích hợp; thời gian phân hủy hoàn toàn trung bình từ 9-27 tháng, phụ thuộc vào hàm lượng chất phụ gia Reverte; nhiệt độ, độ ẩm của môi trường đất và ánh sáng mặt trời. Khách đến mua sắm tại Co.opmart sẽ được phát miễn phí loại túi này. Tuy nhiên, túi thân thiện môi trường lại có khuyết điểm khi dùng chứa hàng hóa nặng sẽ dễ rách hơn túi nylon.

Saigon Co.op có những định hướng nhằm tạo thói quen sử dụng các sản phẩm túi thân thiện với môi trường trong người tiêu dùng, từ đó lan tỏa ý thức chung đến cộng đồng. Saigon Co.op đã tiến hành thay thế bọc thực phẩm bằng các loại vật liệu thân thiện với thiên nhiên như: lá chuối, dây lác, lá lục bình... Tổ chức hoạt động “Ngày không túi nylon”, khách hàng tự đem theo túi giấy để đựng hàng hóa.

Ngoài ra, các chương trình tặng điểm, tặng tem xanh khuyến khích khách sử dụng túi thân thiện môi trường khi mua sắm vẫn được Saigon Co.op triển khai thường xuyên. Từ ngày 22.6 - 12.7.2023 tới, Saigon Co.op sẽ tổ chương trình “Gia đình Việt đại sứ xanh” góp phần lan tỏa ý thức của người tiêu dùng cùng Co.opmart bảo vệ môi trường.

Túi nylon xuất hiện tại các điểm bán dạo.

Túi nylon xuất hiện tại các điểm bán dạo.

Ông Trần Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định, để hạn chế rác thải nhựa, sử dụng túi thân thiện với môi trường là giải pháp khả thi nhưng giá thành cao gấp 3 lần so với túi nylon, tuổi thọ sử dụng ngắn, bất tiện nên không thể chỉ một sớm, một chiều là có thể thay đổi thói quen sử dụng túi nylon của người dân.

Ông Sơn cho rằng, vấn đề cốt lõi là phải tập trung công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng túi nylon. Công tác tuyên truyền cần phải đồng bộ, toàn hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị xã hội cùng tham gia và phải tuyên truyền trong thời gian dài về tác hại của túi nylon đối với môi trường, vận động người dân dần tiến tới sử dụng túi thân thiện với môi trường.

Đơn cử như thành phố Đà Nẵng, khi các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc nâng cao công tác tuyên truyền mạnh mẽ, có thời gian dài đã mang lại hiệu quả thiết thực về việc phân loại rác thải tại nguồn của các hộ gia đình.

Không chỉ xuất hiện ở các chợ truyền thống, túi nylon còn xuất hiện tại các điểm bán dạo, các tiệm tạp hóa như một thói quen của người dân.

Không chỉ xuất hiện ở các chợ truyền thống, túi nylon còn xuất hiện tại các điểm bán dạo, các tiệm tạp hóa như một thói quen của người dân.

Theo đó, các hộ gia đình ngoài thùng đựng rác sinh hoạt hữu cơ, còn có một bao dành riêng đựng vật dụng thủy tinh, nguy hại. Hằng ngày, các doanh nghiệp thu gom rác chỉ đến gom rác thải hữu cơ, còn bao dành riêng đựng rác thải thủy tinh, nguy hại thì doanh nghiệp mỗi tháng chỉ đến thu gom một lần, vận chuyển, đưa đi tiêu hủy theo quy định.

Do đó, vấn đề thay đổi nhận thức của người dân về sự nguy hại của túi nhựa đối với môi trường chính là yếu tố cốt lõi trong giải pháp hạn chế sử dụng túi nhựa.

Ngày Môi trường Thế giới 5.6 năm nay được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”.

Theo đánh giá của UNEP, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10% được tái chế. Ước tính có khoảng 19 - 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm.

Microplastic là các hạt nhựa nhỏ đi vào thức ăn, nguồn nước và không khí. Ước tính mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt cháy gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái, từ đỉnh núi đến đáy đại dương.

Với các giải pháp và khoa học hiện có để giải quyết các vấn đề, các chính phủ, công ty và các bên liên quan khác phải mở rộng quy mô và đẩy nhanh các hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của Ngày Môi trường Thế giới trong việc thay đổi hành động từ mọi nơi trên thế giới.

Những năm qua, Việt Nam đã, đang thực thi nhiều cơ chế, chiến lược, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

Tấn Hưng

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/can-thay-doi-thoi-quen-su-dung-tui-nylon-a159395.html