Cần thêm chính sách giảm nghèo đặc thù

Từ hiệu quả của những chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết số 06, ngày 18-7-2018 của HĐND tỉnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có thêm chính sách giảm nghèo đặc thù giai đoạn 2023 - 2025. Khi chính sách này được thông qua và triển khai sẽ góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo của tỉnh được bền vững hơn.

Hiệu quả từ những chính sách đặc thù

Tuy đã thoát nghèo, nhưng do thiếu vốn đầu tư sản xuất nên gia đình ông Trần Việt Quốc (xã Diên Tân, huyện Diên Khánh) vẫn gặp khó khăn trong phát triển kinh tế. Đang lúc thiếu vốn, ông được chính quyền địa phương hướng dẫn làm đơn vay 50 triệu đồng vốn tín dụng chính sách dành cho hộ mới thoát nghèo theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh. Đặc biệt, với chính sách này, ông Quốc được hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn trong vòng 3 năm kể từ ngày được vay. Có vốn, ông đầu tư trồng cây ăn quả, nuôi gà thả vườn. Ông Quốc cho biết: “Nhờ được hỗ trợ vay vốn, gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế, giúp thoát nghèo bền vững. Hiện nay, mô hình kinh tế của gia đình cho thu nhập mỗi năm hơn 70 triệu đồng. Tới đây, tôi sẽ đầu tư mở rộng thêm khu chuồng trại nuôi gà và heo đen”.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho hộ mới thoát nghèo, ông Trần Việt Quốc có điều kiện đầu tư mô hình trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế gia đình.

Gia đình ông Ma Lợi (xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh) tiếp cận được chính sách theo Nghị quyết số 06 dành cho hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, đến nay đã thoát được nghèo. Qua rà soát, các ngành chức năng và địa phương đã vận động kinh phí hỗ trợ mua sắm một số vật dụng sinh hoạt cần thiết như: Tivi, quạt điện, tủ lạnh… cho gia đình ông. Đồng thời, lập danh sách thực hiện trợ cấp hàng tháng với mức 700.000 đồng/người/tháng cho 6 thành viên trong gia đình. Địa phương còn vận động kinh phí xây dựng cho gia đình ông căn nhà mới; cấp 2ha đất rẫy và hướng dẫn cho các con ông trồng bắp, mì, keo. Sự hỗ trợ đó đã giúp gia đình ông ổn định cuộc sống, các con ông có việc làm, chú tâm phát triển sản xuất…

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt các chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh, qua đó giúp những đối tượng thụ hưởng ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, với chính sách hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công, tỉnh đã thực hiện trợ cấp hàng tháng cho 200 thành viên, với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng (mức 700.000 đồng/người/tháng); hỗ trợ phương tiện nghe nhìn cho 33 hộ thiếu hụt về tài sản phục vụ tiếp cận thông tin với tổng kinh phí 99 triệu đồng (mức 3 triệu đồng/hộ). Đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng. Với chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 9.994 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn tín dụng, với số tiền hơn 252,6 tỷ đồng (mức hỗ trợ lãi suất 50% trong 3 năm). Qua đó, giúp các hộ mới thoát nghèo đầu tư các mô hình phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống.

Hướng đến công tác giảm nghèo bền vững

Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, các chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 06 thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với công tác giảm nghèo, tiếp thêm động lực để hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, ngoài chính sách dành cho hộ nghèo, những hộ thoát nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 chưa được hỗ trợ để thoát nghèo bền vững; nhiều đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, mức trợ cấp xã hội còn thấp, không có khả năng lao động đang rất cần sự hỗ trợ. Trên cơ sở đó, Sở LĐ-TB-XH đề xuất UBND tỉnh 2 chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Thứ nhất, chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững áp dụng cho đối tượng là hộ thoát nghèo vượt qua chuẩn nghèo và cận nghèo giai đoạn 2021 - 2025, với 2 nhóm chính sách: Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa 100 triệu đồng/hộ, thời gian hỗ trợ lãi suất 36 tháng; hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế theo loại hình bảo hiểm y tế tự nguyện trong 36 tháng. Với chính sách này, dự kiến trong giai đoạn 2023 - 2025, có 1.443 hộ nghèo đăng ký cam kết thoát nghèo bền vững (bình quân 481 hộ/năm). Thứ hai, chính sách mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội gồm 8 nhóm đối tượng với 3.134 người, hệ số trợ cấp xã hội hàng tháng với mức 400.000 đồng/đối tượng/tháng.

Dự kiến, tổng kinh phí để thực hiện 2 chính sách đặc thù nói trên hơn 28,3 tỷ đồng/năm. Khi những chính sách đặc thù này được UBND tỉnh thống nhất trình HĐND tỉnh thông qua sẽ giúp các đối tượng thụ hưởng ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng tái nghèo. Trên cơ sở đó, đảm bảo thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo của địa phương.

Tại cuộc họp với các sở, ngành, địa phương vào đầu tháng 10, ông ĐINH VĂN THIỆU - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc ban hành các chính sách phải căn cứ vào nguồn lực tài chính. Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, trước mắt, ưu tiên đề xuất mở rộng nhóm đối tượng bảo trợ xã hội. Sở LĐ-TB-XH cần rà soát lại tình hình thực hiện Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh về các chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo, tham mưu UBND tỉnh để tiếp tục triển khai hiệu quả…

VĂN GIANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202310/can-them-chinh-sach-giam-ngheo-dac-thu-25a6abc/