Cần thêm đất diễn

Phố đi bộ Phan Chu Trinh và không gian văn hóa Quảng trường Lam Sơn từ khi khai trương luôn là điểm đến của nhiều người dân TP Thanh Hóa.

Có những cư dân, thậm chí là cả gia đình ở vùng ven đô chưa bao giờ chạy xe cả chục cây số buổi tối để đi bộ ở đây, nhưng bây giờ điều đó đã trở nên quen thuộc. Những gương mặt cùng hội tụ về phố đi bộ mỗi cuối tuần, và nhiều người không còn nói với nhau câu: Dở hơi à? Bỗng dưng lên quảng trường, vừa xa, vừa chẳng có gì.

Nói thế, bởi Quảng trường Lam Sơn có gì ngoài những hàng quán tạm bợ với nỗi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là chuyện cũ, khi mà phố đi bộ và cả một không gian văn hóa phụ trợ chưa được đầu tư, đưa vào sử dụng.

Thời gian đầu, sau khi đi qua cảm xúc tò mò, nhiều người đã đánh giá thấp, cho rằng hàm lượng văn hóa qua các hoạt động được tổ chức ở đây không cao. Nhưng rồi các chương trình nghệ thuật ngày càng xuất hiện nhiều hơn, đặc sắc hơn, đã lôi cuốn sự quan tâm, thưởng thức của nhiều người dân thành phố.

Lâu nay dư luận cho rằng một số loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo đã hết thời. Những loại hình nghệ thuật có phần kén khách ấy trong giai đoạn văn hóa - nghệ thuật phát triển mạnh mẽ hiện nay, có lẽ chỉ còn diễn ra ở sân khấu bên trong nhà hát vào những dịp nhất định hoặc ở những hội diễn truyền thống, liên hoan chuyên ngành. Có chăng một vài trích đoạn nào đó trong các vở tuồng, chèo cổ hoặc những hoạt cảnh chèo sáng tác lời mới còn được biểu diễn ở một số sự kiện có số đông khán giả cao tuổi. Nhiều người nghĩ thế, bởi họ cho rằng, nghệ thuật truyền thống phải nhường chỗ cho nghệ thuật đương đại. Họ mặc nhiên và trở nên lãnh cảm với những vở diễn.

Không gian văn hóa Quảng trường Lam Sơn với sân khấu lộ thiên tiện cho việc tiếp cận các chương trình nghệ thuật hóa ra trở nên đắc dụng, giúp nhiều người thay đổi suy nghĩ có phần cực đoan ấy. Nhiều người xem, gồm cả người trẻ dừng lại rất lâu ở Quảng trường Lam Sơn để xem những trích đoạn tuồng, chèo cổ được biểu diễn tại đây bởi nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Một số khán giả chọn quán nước phía trước sân khấu để có thể xem hết trích đoạn này. Đây không phải là sự thích thú nhất thời, bởi những khán giả này không chỉ một lần xuất hiện ở không gian đặc biệt này, mà nhiều lần.

Sự cách trở giữa sân khấu bên trong nhà hát với khán giả là vấn đề rất lớn khiến cho công chúng không tiếp cận được với các vở diễn tuồng, chèo. Một hạn chế nữa đó là dường như người ta, có thể gồm cả một số người ở nhà hát mặc định rằng nghệ thuật truyền thống đã rơi vào thoái trào. Họ bằng lòng với việc tổ chức các buổi diễn theo kế hoạch để hoàn thành nhiệm vụ được giao hơn là trăn trở tìm cách để đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả. Cũng rất may chương trình nghệ thuật cuối tuần với một không gian cộng đồng đã đánh thức sự quan tâm của nhiều người dân, cũng là cơ hội để nghệ sĩ được sống thật sự với công chúng.

Những chương trình nghệ thuật cuối tuần ở không gian đi bộ của thành phố là một đáp số cho lời giải bài toán đưa khán giả đến với nghệ thuật truyền thống. Nhưng tiếc là những nghệ sĩ ngoài sân khấu ở nhà hát với những hạn chế về mặt không gian, thì những sân khấu mở như thế này lại rất ít.

Nghệ thuật truyền thống không bị xa lánh, chỉ là công chúng chưa có cơ hội để tiếp cận nó. Hãy xóa bỏ khoảng cách đó bằng việc tạo ra những không gian giao tiếp giữa nghệ sĩ và công chúng, tin rằng tuồng, chèo và nhiều loại hình ca kịch nữa sẽ dần hoàng kim trở lại.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/can-them-dat-dien-34819.htm