Cần thêm hàng hóa tốt để thúc đẩy thị trường chứng khoán

Một trong những động lực mới để thị trường chứng khoán phát triển sôi động hơn chính là tạo thêm hàng hóa mới có chất lượng tốt giao dịch trên thị trường…

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kỹ thương Việt Nam (TCBS) cho biết, việc đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa các kênh đầu tư là một xu thế tất yếu. Theo đó, sẽ không chỉ có cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, mà thị trường sẽ có thêm nhiều sản phẩm đầu tư khác và càng ngày, tỷ trọng mà nhà đầu tư (NĐT) phân bổ vào tài sản tài chính sẽ nhiều hơn và sản phẩm phi tài chính sẽ giảm đi.

“Thời gian qua, chúng tôi đã dành khá nhiều thời gian để phát triển những sản phẩm chuyên biệt, sản phẩm mới cho thị trường, đó cũng chính là xu hướng phát triển thịnh vượng (wealth) mà các NĐT cần để phân bổ tài sản”, bà Hiền nói và cho biết: “Nếu trước đây, thị trường đầu tư mới chỉ có thị trường bất động sản và tiền gửi, cách đây 24 năm bắt đầu có thị trường cổ phiếu, gần đây có thêm thị trường trái phiếu và chứng chỉ quỹ, thì tôi tin rằng sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, chúng ta sẽ sớm có thêm những sản phẩm cấu trúc mới”.

Liên quan đến tạo hàng hóa mới, khuyến khích doanh nghiệp chuyển sàn và khuyến khích doanh nghiệp mới niêm yết… ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, trong thời gian vừa qua, số lượng doanh nghiệp lớn niêm yết trên thị trường không nhiều. Tuy nhiên, theo UBCKNN đã từng chia sẻ, mối quan hệ giữa số lượng doanh nghiệp lớn và việc nâng hạng thị trường là mối quan hệ hữu cơ. Nhiều doanh nghiệp lớn chưa niêm yết vì họ chưa nhìn thấy khối lượng NĐT lớn có thể mua được phần vốn lớn của họ và họ không muốn tỷ lệ sở hữu bị dàn trải quá. Do đó, việc hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn niêm yết nhiều hơn cũng là giải pháp chúng tôi cố gắng để nâng hạng thị trường. Ở chiều ngược lại, các NĐT nước ngoài mong muốn vào thị trường khi họ nhìn thấy có nhiều doanh nghiệp lớn. Đây là mối quan hệ hai chiều.

Về mặt kỹ thuật, đại diện UBCKNN cho biết, hai quá trình IPO và niêm yết hiện đang tách biệt. Do vậy, có thể một số doanh nghiệp IPO xong, nhưng khoảng thời gian họ nộp tiền mua cổ phần và niêm yết kéo dài. Nếu giai đoạn này qua 3 tháng hoặc hơn nữa mà không có giao dịch và thanh khoản sẽ là rào cản rất lớn đối với các NĐT tài chính quốc tế. Thậm chí, một số các quỹ còn cấm giao dịch với các cổ phiếu chưa được niêm yết.

“Để giải quyết việc này, UBCKNN đang rà soát lại các quy định về chứng khoán và Nghị định 55 để tích hợp 2 quy trình này làm một. Như vậy, việc doanh nghiệp được niêm yết được thực hiện ngay và thực chất sau khi IPO”, ông Bùi Hoàng Hải chia sẻ thêm.

Về câu chuyện phân loại bảng giao dịch giữa UPCoM và thị trường niêm yết, vị đại diện UBCKNN cho biết, định hướng ban đầu UPCoM là thị trường để dành cho các doanh nghiệp chưa đủ tiêu chuẩn có một sân chơi chuẩn bị cho niêm yết. Hiện nay, chúng ta đang tái cấu trúc thị trường chứng khoán, trong đó các mảng thị trường như HoSE, HNX, UPCoM đang được triển khai. UBCKNN đang có những bước đi để phân chia lại các mảng thị trường này và sắp xếp doanh nghiệp vào các mảng phù hợp.

“Tất nhiên, hiện việc này vẫn được Bộ Tài chính và UBCKNN thực hiện dựa trên cơ sở tự nguyện và mức độ phù hợp của doanh nghiệp chứ không bắt buộc về mặt hành chính”, ông Bùi Hoàng Hải cho hay.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-them-hang-hoa-tot-de-thuc-day-thi-truong-chung-khoan-153937.html