Cần thêm 'lực đẩy' cơ chế để thu hút các HTX vận tải sử dụng nhiên liệu sạch
Việc đưa vào sử dụng phương tiện giao thông công cộng nói chung, xe buýt nói riêng chạy khí nén CNG (Khí thiên nhiên nén - Compressed Natural Gas) để bảo vệ môi trường đang được một số HTX, doanh nghiệp vận tải tại TP. Hồ Chí Minh áp dụng thành công. Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi thì cần thêm cơ chế hỗ trợ để khuyến khích nhiều đơn vị sử dụng loại phương tiện thân thiện môi trường này.
Ông Tạ Quang Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT phân tích, CNG đã và đang được chứng minh là một nhiên liệu thay thế hữu ích. CNG là nhiên liệu thân thiện với môi trường, chiếm thể tích chỉ bằng 1/200 so với khí thiên nhiên ở điều kiện bình thường, nên khá thuận tiện để chuyên chở.
Cần cơ chế hỗ trợ
CNG không giải phóng nhiều khí độc như NO, CO, SO2 khi cháy và hầu như không phát sinh bụi. Do khí cháy hoàn toàn, không gây đóng cặn trong thiết bị đốt giúp nâng cao hiệu suất, kéo dài được chu kỳ bảo dưỡng và tuổi thọ máy móc thiết bị.
Các động cơ sử dụng CNG có thể làm giảm đến 93% lượng CO2, 33% lượng NO và đến 50% lượng hydrocarbon thải ra khi so sánh với động cơ xăng, dầu. Giá thành CNG rẻ hơn xăng khoảng 15% đến 30% và có tính ổn định hơn trong thời gian dài so với giá các sản phẩm dầu mỏ.
"Việc dùng các năng lượng sạch như CNG thay thế một phần cho xăng dầu trong vận tải công cộng cũng như cá nhân là xu hướng tất yếu. Sự chuyển đổi này càng nhanh càng tốt, nhằm đạt mục đích kép là kinh tế và bảo vệ môi trường. Những xe bus chạy xăng dầu cũ kỹ thải khói đen mù mịt sẽ dần được thay thế bằng xe chuyên chở dùng năng lượng sạch, trong đó có khí CNG ở những thành phố lớn của Việt Nam. Khi đó, chất lượng không khí sẽ tốt hơn, giảm ô nhiễm môi trường, sức khỏe và chất lượng sống con người được đảm bảo hơn", ông Hưng cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Lâm Văn Phấn, Chủ tịch HĐQT HTX Vận tải liên tỉnh và du lịch Việt Thắng ở quận 6, HTX rất muốn đầu tư xe chạy bằng nhiên liệu sạch (CNG) để tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, nhưng do thiếu cơ chế và khó khăn trong việc tiếp nhiên liệu nên chưa thể thực hiện.
Mặc dù được thành phố hỗ trợ ưu đãi về lãi suất, nhưng HTX phải vay ngân hàng và trả lãi cao trong khi đầu tư một xe buýt CNG với giá từ 1,9 - 3 tỷ đồng (xe buýt thường chỉ từ 1-1,5 tỷ đồng). Hơn nữa, việc chạy xe buýt CNG hiện nay gặp khó khăn do trạm nhiên liệu ít, cách bến xa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc HTX vận tải và xe du lịch Thành Công, quận Bình Thạnh trăn trở, HTX rất muốn đầu tư xe buýt CNG, tuy nhiên đang gặp vướng mắc do đơn vị cung cấp nhiên liệu hiện đang độc quyền do Tổng Công ty khí Việt Nam phân phối, thiếu sự cạnh tranh. Mặt khác, thời gian cung ứng nhiên liệu kéo dài, chi phí sửa chữa cao hơn nhiều so với xe dầu, số trạm cung ứng ít.
Lợi ích của buýt CNG về kinh tế cũng như môi trường là điều dễ nhận thấy, nhưng đầu tư lại không hề đơn giản. Hai vấn đề khó khăn lớn nhất mà các HTX kiến nghị là vốn và nguồn cung cấp nhiên liệu. Trước hết là vốn đầu tư cho xe buýt chạy bằng CNG khá cao, kể cả có chính sách hỗ trợ của TP.
"Tôi cho rằng, cần có chính sách mạnh mẽ từ Chính phủ và các cơ quan chức năng để hỗ trợ HTX đầu tư xe chạy bằng CNG. Các HTX cũng mong muốn UBND thành phố, Sở GTVT TP HCM chủ trì việc xây dựng những đề xuất về chính sách trên”, ông Sơn cho biết.
Tiếp tục đầu tư trạm nạp nhiên liệu
HTX vận tải 19-5 là một trong những HTX vận tải hành khách công cộng tại TPHCM tiên phong đầu tư xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên CNG thân thiện với môi trường.
Hiện HTX đã đầu tư 100 xe buýt CNG hoạt động trên tuyến số 33 Bến xe An Sương- Suối Tiên-Đại học Quốc gia và tuyến số 150 Bến xe Chợ Lớn- Tân Vạn.
Ông Nguyễn Văn Triệu, giám đốc HTX cho biết, xe sử dụng năng lượng sạch còn khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường. Qua thời gian sử dụng xe buýt CNG tiết kiệm 23% chi phí nhiên liệu so với xe buýt sử dụng dầu DO. Mặc dù số lượng xe chưa nhiều nhưng đã tiết kiệm được khoảng 2 tỉ đồng 1 năm tiền nhiên liệu.
Theo thống kê của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, khi TPHCM đưa vào sử dụng xe buýt CNG đã giảm lượng phát thải các chất độc hại ra môi trường. Như lượng khí nhà kính CO2 giảm trên 23 tấn, đồng thời giảm tiếng ồn, giảm rung động và tăng tính tiện nghi cho hành khách.
Tuy nhiên, hiện nay giá xe buýt sử dụng khí CNG có giá cao hơn xe buýt sử dụng nguyên liệu dầu diezen cùng nhóm, để khuyến khích các đơn vị vận tải dần thay thế xe buýt CNG, UBND thành phố cần xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ lãi suất, đặc biệt là cần đầu tư thêm các trạm tiếp nhiên liệu.
Trong kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2030, TPHCM xác định rõ việc ưu tiên phát triển giao thông xanh để bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Với việc đưa vào hoạt động các xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch đã đạt được hiệu quả tích cực, cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo hình ảnh mới cho hoạt động xe buýt của thành phố, góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Về đầu tư các trạm tiếp nhiên liệu, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sớm phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cung cấp khí nén thiên nhiên CNG làm nhiên liệu cho hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố.
Như vậy, có thể thấy rằng tiềm năng của CNG trong giao thông vận tải cũng như công nghiệp tại Việt Nam là rất lớn. Xu hướng sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, thân thiện với môi trường tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong tương lai gần. Với xe buýt nhiên liệu sạch, ngoài chi phí nhiên liệu thấp còn được đánh giá thân thiện môi trường và mang một bộ mặt mới hiện đại cho ngành vận tải công cộng của thành phố.