Cần thêm môn học nào cho đủ?
Đối diện với những thay đổi trong cuộc sống, các nhà giáo dục luôn trăn trở phải dạy cho học trò những kỹ năng mới nào đây để phù hợp với những thay đổi đó. Chẳng lạ gì, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố có thêm nhiều môn học mới. Nào là hoạt động trải nghiệm sáng tạo; nào là thế giới công nghệ rồi giáo dục kinh tế và pháp luật hay thiết kế và công nghệ...
Liệu bổ sung môn học mới có phải là cách tiếp cận đúng đắn?
Trong bộ phim Captain Fantastic tạo ấn tượng mạnh với người viết bài này, ông bố của sáu đứa con do thất vọng với xã hội hiện đại đã đưa con vào sống trong hoang dã, dạy con các kỹ năng sống còn như thời tiền sử, rồi truyền đạt đủ loại kiến thức cho bọn trẻ biến chúng thành những cuốn tự điển sống, rành triết học, giỏi lập luận. Nói chung giúp mấy đứa con thành những con người hoàn thiện cả về thể chất lẫn nền tảng học vấn. Thế nhưng khi hoàn cảnh buộc chúng phải tương tác với thế giới thật, chúng trở thành những đứa bé khờ khạo, không biết diễn đạt tình yêu, không chia sẻ được các câu nói đùa, thể lực tốt nhưng không biết bảo vệ chính mình, không hiểu được các cung bậc tình cảm mà người khác biểu đạt... Cuối cùng ông bố mới nhận ra mình đã thất bại, rồi phải chịu cho con đến trường bình thường để trở thành những con người bình thường.
Phim ảnh thì lúc nào cũng nói quá lên mới hấp dẫn nhưng thật sự giả dụ ông bố có là thiên tài, đủ sức để bổ sung đủ các môn dạy cho con như trò chơi điện tử để chúng khỏi ngơ ngác khi lần đầu thấy máy chơi game, sẽ không bao giờ có đủ môn để con cái ông bố sống như những đứa trẻ bình thường.
Suy nghĩ phải dạy cho học sinh các kỹ năng để ứng phó với cuộc đời là mong muốn của bất kỳ ai. Người kinh doanh muốn dạy các kiến thức cơ bản về kinh tế; nhà lập trình muốn dạy các kiến thức rất cần thiết về công nghệ thông tin; người cảnh sát giao thông hằng ngày xử phạt cả chục trường hợp vi phạm muốn sao cho học sinh nắm vững luật lệ giao thông ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường...
Thế nhưng sẽ không bao giờ có một chương trình học đưa đủ các môn mà xã hội nghĩ cần trang bị cho học sinh; học sinh sẽ không bao giờ có đủ thời gian và sức lực học hết các môn đó. Hai vấn nạn của nền giáo dục nước ta là chất lượng giáo viên và sự quá tải của chương trình sẽ càng làm việc giới thiệu các môn học mới trở thành gánh nặng cho học sinh. Ngay cả các môn rất cần thiết cho cuộc sống hiện đại như môn tin học - thử nhìn lại hai mươi năm qua, nội dung giảng dạy cho các em đã phải thay đổi nhanh chóng như thế nào, biết bao cuốn sách “giáo khoa” phải bỏ vào sọt rác để viết lại toàn bộ mới theo kịp thực tế tiến bộ của ngành này. Ngược lại, không cần ai dạy hàng triệu người vẫn chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh mà so với chiếc máy tính cách đây hai chục năm thì còn mạnh hơn, phức tạp hơn bội lần.
Cách tiếp cận đúng đắn nhất phải là xác định lại vì sao chúng ta dạy văn hay dạy toán hay nói rộng ra là vì sao chọn các môn cơ bản phổ biến từ trăm năm nay cho học sinh, có phải để các em viết ra những áng văn lay động lòng người hay trở thành một người làm toán giỏi cho xã hội? Trả lời câu hỏi đó chính là xác định nội dung chính yếu mà một chương trình giáo dục tổng thể cần có.
Giả thử làm một cuộc thăm dò với 100 người đã trưởng thành, hỏi xem sau khi ra đời có bao giờ họ dùng đến các khái niệm toán học từng học ở nhà trường phổ thông như Sin, Cosine, Tang, Cotang trong cuộc sống, ắt đến 99 người trả lời không. Nhưng nếu ngồi lại hỏi chuyện cặn kẽ những người này, có lẽ chúng ta sẽ phát hiện người nào ngày trước học giỏi môn toán thì nay cũng dễ dàng giải quyết những vấn đề do cuộc sống đặt ra nhờ óc suy luận logic, nhờ tính chặt chẽ, nhờ đã làm quen với các bước giải bài toán ở nhà trường. Với một người trưởng thành, hàng ngày họ phải đối mặt với biết bao “bài toán”, mua nhà hay ở nhà thuê, nhận việc công ty này hay chuyển qua chỗ làm khác, gửi tiết kiệm trong ngân hàng hay đem tiền mua đất... Dĩ nhiên không hề có chuyện môn toán học ở nhà trường trực tiếp giúp trả lời những câu hỏi hóc búa như thế nhưng gián tiếp mà nói, sự phán đoán, phân tích tình hình rồi quá trình cân nhắc mọi lựa chọn để đi đến một kết luận cho riêng mình - tất cả đều có sự tác động gián tiếp của một nền giáo dục hấp thụ ở nhà trường, trong đó có môn toán.
Nhìn ở góc cạnh khác, mọi môn học mới suy cho cùng cũng nhằm giúp chuẩn bị cho con người thích ứng được với mọi hoàn cảnh trong một thế giới biến động. Nhưng làm sao có đủ môn học miêu tả cho hết thiên hình vạn trạng mọi ngóc ngách của cuộc sống; mọi cung bậc tình cảm; mọi sự tinh tế của một ánh nhìn, một tiếng thở dài, một tiếng tặc lưỡi... Đó là vai trò của môn văn, của sách, của tiểu thuyết giúp học sinh những cửa sổ nhìn vào tâm hồn của người khác. Từ đó mới thấy, không quan trọng ở chỗ tác phẩm đưa vào chương trình học là hiện đại hay cổ điển mà quan trọng hơn là tính đa dạng của đề tài, của thể loại, của bút pháp.
Ngược lại với tầm quan trọng mà nhiều người gắn cho môn ngoại ngữ, người viết tin rằng chỉ vài năm nữa, rào cản khác biệt ngôn ngữ không còn là một trở ngại lớn nhờ những tiến bộ vượt bậc trong trí tuệ nhân tạo. Dần dà máy móc sẽ giúp việc giao tiếp xuyên qua các vỏ bọc ngôn ngữ khác nhau được thực hiện một cách dễ dàng. Ngay bây giờ đã có những phần mềm giúp làm phụ đề tự động để một người Đức xem phim Nhật vẫn hiểu được dễ dàng. Vì thế việc học ngoại ngữ ở trường phổ thông phải khác, phải đi vào các khác biệt văn hóa chẳng hạn mới mong duy trì tính thiết thực cho học sinh.
Đề tài “thời thượng” cách mạng công nghiệp 4.0 đang nóng trên các diễn đàn sẽ tác động như thế nào đến giáo dục - chưa thấy thể hiện trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Thời Trung cổ, trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, học sinh học tiếng Latinh, học thiên văn, thần học, ngữ pháp, logic học. Các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lần thứ hai đã tác động mạnh đến giáo dục, hình thành nên chương trình giáo dục ở các nước như chúng ta thấy. Nay dĩ nhiên phải thêm một thời gian nữa thì những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mới dội vào giáo dục để tạo ra những thay đổi tận gốc rễ. Nhưng cái tinh thần thay đổi đó ắt phải thể hiện trước trong phương châm giáo dục: chuẩn bị cho học sinh những hành trang trước đó chưa ai nghĩ là cần thiết. Ngắn hạn là những kỹ năng sống và ứng xử trong thế giới ảo; dài hạn là sống như thế nào khi công việc dần mất đi vào tay robot, máy móc...
Nguyễn Vũ
Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/159669/can-them-mon-hoc-nao-cho-du.html/