Cần thêm những tiện ích 'bình dân'
1. Có dịp tản bộ dọc bờ biển hay trên Quảng trường 2-4 của thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) vào đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều, chúng ta sẽ được chứng kiến không khí tập thể dục, thể thao sôi nổi của người dân địa phương và du khách, trong đó có rất nhiều du khách nước ngoài.
Bên cạnh không gian rộng, thoáng đãng, khí hậu trong lành thì yếu tố thu hút người dân và du khách tham gia các hoạt động thể dục chính là việc thành phố đã đầu tư rất nhiều thiết bị và những tiện ích kèm theo. Dưới bãi biển thì có lưới bóng chuyền căng sẵn; dọc tuyến đường đi bộ thì có xà đơn, xà kép, các thiết bị mô phỏng vô lăng xe ô tô, mô hình xe đạp, cầu trượt, thú nhún..., chưa kể mạng wifi miễn phí để phục vụ việc tập luyện, giải trí.
Người dân và du khách thoải mái lựa chọn hình thức thể dục, thể thao, giải trí phù hợp với sở thích và độ tuổi mà không cần đến các phòng tập Gym, Fitness hay các khu vui chơi giải trí phải mua vé.
Những tiện ích “bình dân” như thế, khiến du khách thêm hứng khởi, người dân thêm yêu thành phố quê hương và hơn thế còn góp thêm một nét văn hóa trẻ trung, năng động và thân thiện cho thành phố du lịch.
2. Buổi tối ngồi cà kê trà đá, hóng gió cùng bạn bè ở hồ Đồng Chiệc (phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa), tôi cũng thấy vài bác trung niên tập thể dục với dụng cụ mô phỏng việc đạp xe trong một cụm dụng cụ được đặt ở cổng vào khuôn viên hồ.
Tuy nhiên, vì dụng cụ ít, nên chỉ lác đác vài ba bác tham gia và chốc chốc lại bị quấy rầy bởi lũ trẻ tò mò, tranh nhau nghịch ngợm. Chưa kể, không gian thể dục, giải trí bị “ô nhiễm” bởi đủ loại âm thanh hỗn tạp, từ những chiếc loa hát dạo cho đến tiếng chửi thề phát ra từ những thanh niên túm năm tụm ba bên các bàn nước.
Những không gian công cộng khác của thành phố, không tìm đâu ra một không gian có thêm các điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ phục vụ việc tập luyện thể thao “bình dân” như tôi từng chứng kiến ở Nha Trang. Dù ở những nơi này - hồ Máy Đèn, Công viên Hội An, Quảng trường Lam Sơn chẳng hạn - đều có rất đông người dân tập thể dục, thể thao mỗi ngày, chủ yếu là đi- chạy bộ, đạp xe, thể dục dưỡng sinh.
Tại các điểm du lịch biển như Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến cũng vậy, không có hình ảnh những du khách nước ngoài cong mình trên các xà kép, các bác trung niên áo đẫm mồ hôi bên mô hình vô lăng ô tô hay các cháu nhỏ lăng xăng bên cầu trượt, thú nhún.
Thời gian qua, xuất phát từ ý tưởng của tổ chức đoàn, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng thêm các khu vui chơi cho trẻ ở các không gian sinh hoạt cộng đồng. Điều này không chỉ làm đẹp thêm không gian công cộng ở các địa phương mà còn là nơi để các em rèn luyện, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.
Mỗi khu vui chơi có tổng mức đầu tư không nhiều - chỉ chừng 18-20 triệu đồng và chủ yếu là nguồn xã hội hóa, song thiết bị phong phú, từ cầu trượt, xích đu, thú nhảy, thú nhún đến các dụng cụ giúp tăng cường khả năng vận động, phản xạ cho trẻ.
Nguồn kinh phí này, thiết nghĩ không quá khó để huy động nhằm tăng cường thêm các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ tập luyện thể dục, thể thao ở các không gian công cộng, các khu, điểm du lịch. Góp thêm tiện ích, sự năng động, tích cực cho mỗi người dân cũng chính là góp thêm sự cởi mở, thân thiện cho mỗi cộng đồng, địa phương.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/the-thao/can-them-nhung-tien-ich-binh-dan/19537.htm