Cần thêm sân chơi văn chương cho người trẻ
Việc hỗ trợ sáng tác tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật là chất xúc tác, 'bà đỡ' cho các văn nghệ sĩ nói chung và tác giả trẻ nói riêng trong cơ chế thị trường đang chi phối, tác động đến sự phát triển của văn học nghệ thuật. Chính nhờ có những hỗ trợ sáng tạo này mà nhiều tác phẩm văn học được xuất bản, lan tỏa đến cộng đồng, được nhiều giải thưởng cao…
Nhà văn, TS. Lê Vũ Trường Giang (Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) đã nhận định như thế khi bàn về nâng cao chất lượng sáng tác. Cuối tháng 11 vừa rồi, nhà văn Lê Vũ Trường Giang cũng đưa ra nhiều giải pháp cụ thể trong việc “nâng cao chất lượng sáng tác trẻ” tại một hội thảo chuyên đề ở Hà Nội.
Với vai trò là người cầm bút, theo anh cơ quan quản lý văn học nghệ thuật cần đề ra các bộ tiêu chí cụ thể về đề tài, thể loại, dung lượng, đối tượng… Phải xác định được người từng trải, còn đam mê sáng tác là ai trong tác giả trẻ? Các cây bút trẻ có tiềm năng, là hạt giống sáng tạo cần bồi dưỡng, hỗ trợ là ai? Do đó, để đạt được hiệu quả hỗ trợ sáng tác cho tác giả trẻ, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới thì sự chọn lọc để tạo ra đội ngũ nòng cốt, hạt giống là cần đặt ra.
Ngoài ra, tăng cường việc tổ chức các trại sáng tác chuyên ngành cho các tác giả trẻ để đào sâu những vấn đề cần khai thác, kết hợp tổ chức công bố tác phẩm sau khi kết thúc trại để giới thiệu cho đông đảo công chúng thưởng thức tác phẩm mới. Cải thiện và nâng cao mức đầu tư kinh phí hỗ trợ sáng tạo cho các tác giả trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật phù hợp với bối cảnh thực tế hiện nay. Sự đầu tư càng lớn thì động lực lao động nghệ thuật càng lớn. Đồng thời, xem xét việc bổ sung thêm kinh phí cho quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật cho tác giả trẻ ở cả hội trung ương, địa phương và các kênh hỗ trợ liên quan khác.
Theo nhà văn kiêm giảng viên này, nên có những diện hỗ trợ khác nhau cho các tác giả trẻ. Ví dụ có thể phân hỗ trợ thành 2 hạng mục đó là đầu tư, hỗ trợ cho phong trào và đầu tư chiều sâu, chất lượng cao. “Sự hỗ trợ này sẽ có tác dụng thúc đẩy tác giả trẻ tiếp tục có tác phẩm mới để xứng đáng với sự quan tâm của Nhà nước”, nhà văn Lê Vũ Trường Giang đặt vấn đề.
Song song với đó, cần có thêm các sân chơi văn chương cho người trẻ, để họ được đắm chìm và tiếp nối. Bởi sân chơi văn chương là cần thiết, trong quá khứ và hiện tại đã có và hiện có, tuy nhiên cần thêm những quy mô lớn hơn, đều đặn hơn và có tính thực tiễn hơn. Không dừng lại đó, xa hơn có chiến lược quảng bá tác phẩm của tác giả trẻ ra nước ngoài.
Dấn thân và thành công với nghiệp viết, nhà văn Lê Vũ Trường Giang tâm sự, viết trước hết là nhu cầu tự thân, là một đời sống khác song hành cùng cái sống đang diễn ra. Bản thân cái sự viết giải tỏa những cảm xúc, ý tưởng của người lao động văn chương, nó thỏa mãn và trả lời những gì thuộc về hiện hữu, khao khát, hy vọng, biết ơn... Viết là đối diện với chính mình trong niềm say mê với ngôn ngữ, với tưởng tượng, với cuộc sống đa diện, đầy màu sắc. “Bản thân tôi và nhiều cây bút khác không thể không viết, trong một mức độ nào đó, nó có ý nghĩa tương đồng với tồn tại”, anh chia sẻ.
Bàn về trách nhiệm của người viết, anh cho rằng, chính người viết phải nghiêm túc trong lao động văn chương mới truyền tải được cái đẹp, những thông điệp có ý nghĩa nhân văn.
Nhà văn xứ Huế cũng nhận định, có một thực tế, người viết trẻ xuất bản sách rất nhiều nhưng không phải tác giả nào cũng được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Theo anh, để tác phẩm được đón nhận hội tụ nhiều yếu tố như chất lượng tác phẩm, thị hiếu của người đọc, hoạt động PR tác phẩm, thương hiệu tác giả, nhà xuất bản, đơn vị phát hành, hình thức tác phẩm, một chút may mắn, thời điểm công bố… “Nói chung bản thân người viết phải nỗ lực hết mình, tùy cơ duyên để tác phẩm được đón nhận như mong muốn nhất. Bản thân tôi không quan niệm nhiều hay ít, quan trọng là tác phẩm đó có sống lâu trong lòng bạn đọc, có thật là một giá trị nào đó cần thiết trong đời sống bận rộn này”, anh Giang khẳng định.