Can thiệp ECMO cứu chàng trai 29 tuổi bị hẹp van hai lá nguy kịch

Bệnh nhân được chẩn đoán Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp do viêm phổi – hẹp van hai lá - rung nhĩ kịch phát và được chuyển Khoa Nội tim mạch.

Ngày 21/1/2022, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết đã điều trị thành công cho bệnh nhân 29 tuổi có hội chứng nguy kịch hô hấp cấp kèm hẹp van hai lá nặng bằng phương pháp can thiệp ECMO (oxy hóa máu màng ngoài cơ thể).

Bệnh nhân là anh B.T.C., 29 tuổi, quê Quảng Ngãi được chuyển vào bệnh viện trong tình trạng khó thở kèm sốt cao trong 4 ngày.

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân suy hô hấp nặng phải thở oxy lưu lượng cao. Qua thăm khám lâm sàng và các kết quả hình ảnh học ban đầu, bệnh nhân được chẩn đoán Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp do viêm phổi – hẹp van hai lá - rung nhĩ kịch phát và được chuyển Khoa Nội tim mạch.

Bệnh nhân B.T.C. đã thoát khỏi "cửa tử" sau khi được can thiệp ECMO. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân B.T.C. đã thoát khỏi "cửa tử" sau khi được can thiệp ECMO. Ảnh: BVCC

Tại đơn vị Hồi sức tim mạch - Khoa Nội tim mạch, bệnh nhân được được hỗ trợ thông khí không xâm lấn áp lực dương, theo dõi huyết động và tình trạng hô hấp liên tục.

Các bác sĩ tim mạch siêu âm tim tại giường bệnh, ghi nhận hẹp van hai lá nặng hậu thấp (bệnh nhân chưa được chẩn đoán trước đây).

Bệnh nhân sốt cao liên tục 39-40 độ C, nhiễm khuẩn huyết, tổn thương phổi trên X-quang ngực tiến triển nặng hơn đáng kể và hội chứng nguy kịch hô hấp cấp không đáp ứng điều trị sau 12 giờ nhập viện.

ThS.BS Giang Minh Nhật – Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, tình trạng suy hô hấp diễn tiến nặng nhanh chóng khiến bệnh nhân được can thiệp đặt nội khí quản và thở máy xâm lấn. Mặc dù được tối ưu các chiến lược thông khí xâm lấn (qua nội khí quản) trong hơn 3 giờ, tình trạng suy hô hấp bệnh nhân vẫn tiếp tục tiến triển xấu hơn, bệnh nhân xuất hiện các cơn rung nhĩ với tần số tim rất nhanh, huyết áp thấp dần.

Ngay lập tức, nhóm ECMO (oxy hóa máu màng ngoài cơ thể) được kích hoạt sau khi hội chẩn chuyên môn cấp bệnh viện và hoàn tất can thiệp ECMO phổi cho bệnh nhân trong vòng 40 phút.

Sau can thiệp ECMO, tình trạng suy hô hấp bệnh nhân ổn định dần, bệnh nhân được chuyển sang chế độ thông khí bảo vệ để làm giảm tối đa các tổn thương phổi do thở máy xâm lấn.

Các chuyên gia dược lâm sàng, dinh dưỡng lâm sàng, hồi sức tích cực, nội tim mạch, nội hô hấp cùng hội chẩn để đưa ra chiến lược kháng sinh, chế độ dinh dưỡng, kiểm soát rối loạn nhịp, ổn định suy tim do bệnh van tim, tối ưu hóa thở máy xâm lấn, dịch truyền…

"Sau 48 giờ can thiệp ECMO, bệnh nhân hết sốt, tình trạng nhiễm khuẩn huyết bệnh nhân có đáp ứng tích cực, X-quang phổi không tổn thương tiến triển thêm. Sau 5 ngày can thiệp ECMO, chức năng hô hấp bệnh nhân hồi phục tốt, bệnh nhân được cai máy thở thành công, và cai ECMO sau 7 ngày", BS Giang Minh Nhật thông tin.

Bệnh nhân C. đã cai ECMO thành công và được vật lý trị liệu. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân C. đã cai ECMO thành công và được vật lý trị liệu. Ảnh: BVCC

Sau khi cai ECMO thành công, bệnh nhân được vật lý trị liệu hô hấp, phục hồi chức năng vận động, ngưng hỗ trợ oxy sau 9 ngày. Khi tình trạng hô hấp bệnh nhân ổn định, bác sĩ tiếp tục đánh giá toàn diện bệnh lý van tim, có chiến lược theo dõi định kỳ và can thiệp van tim ở thời điểm phù hợp.

Kim Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//can-thiep-ecmo-cuu-chang-trai-29-tuoi-bi-hep-van-hai-la-nguy-kich-169220121173916657.htm