Cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam

Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, yêu cầu đang đặt ra là phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) là cần thiết, là vấn đề chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Tạo sự thống nhất

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến đóng góp cho Dự án Luật BPVN. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Trong Dự thảo Luật BPVN đã quy định nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan, lực lượng chức năng và sự tham gia của nhân dân ở khu vực biên giới (KVBG) đối với công tác bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG. Đồng thời, Dự thảo Luật BPVN cũng quy định nhiệm vụ của BĐBP với vai trò của lực lượng chuyên trách, chủ trì thực hiện nhiệm vụ ở hai nhóm quản lý biên giới quốc gia, KVBG và bảo vệ biên giới quốc gia, KVBG. Vấn đề đặt ra ở đây là, có ý kiến còn trăn trở, chưa thật sự đồng thuận với cơ quan soạn thảo Dự án Luật BPVN về nhiệm vụ “Chủ trì thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”.

Về cơ sở chính trị, nội dung nhiệm vụ “Chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự ở KVBG, cửa khẩu” là sự thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng ta đối với nhiệm vụ công tác biên phòng. Cụ thể như Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 8-8-1995 về xây dựng lực lượng BĐBP trong tình hình mới xác định: “BĐBP là một lực lượng làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia theo nhiệm vụ và quyền hạn được giao”; Thông báo số 165-TB/TW, ngày 22-12-2004 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức của BĐBP chỉ rõ: “BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia…”.

Qua từng giai đoạn phát triển, BĐBP Sóc Trăng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ảnh: VĂN LONG

Về cơ sở pháp lý, việc quy định nhiệm vụ “Chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự ở KVBG, cửa khẩu” là đảm bảo thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Cụ thể: Khoản 2, Điều 31, Luật Biên giới quốc gia, năm 2003, quy định: “BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG theo quy định của pháp luật”; tại Điểm c, Khoản 1, Điều 22, Luật An ninh quốc gia cũng xác định: “BĐBP, Cảnh sát Biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở KVBG trên đất liền và KVBG trên biển”; trong Khoản 2, Điều 35, Luật Quốc phòng, năm 2018 cũng quy định Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ, quyền hạn: “Duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên…”.

Nhiệm vụ chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự của BĐBP được thực hiện ở địa bàn có tính chất đặc thù và theo chức năng, quyền hạn do pháp luật quy định. KVBG bao gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với đường biên giới quốc gia; khu vực cửa khẩu gắn với đường biên giới quốc gia, bao gồm các khu chức năng để đảm bảo cho các hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu. Chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự ở KVBG, cửa khẩu vừa là nhiệm vụ, vừa là hoạt động nghiệp vụ của lực lượng BĐBP. Từ đó, việc luật hóa nội dung trên trong Dự án Luật BPVN là hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Đối với Sóc Trăng là tỉnh có bờ biển dài 72km, vùng biển rộng khoảng 30.000km2; khu vực biên giới biển có 11 xã, phường, thị trấn thuộc huyện Cù Lao Dung, huyện Trần Đề và TX. Vĩnh Châu. Trên địa bàn có 3 dân tộc chủ yếu là Kinh, Khmer, Hoa sống đan xen với nhau, trong đó đồng bào Khmer chiếm đa số (50,3% dân số). BĐBP tỉnh Sóc Trăng tiền thân là Đội Phòng thủ Tỉnh ủy Sóc Trăng, thành lập năm 1960, là lực lượng nòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị, lực lượng vũ trang vững mạnh và tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên KVBG biển.

Sóc Trăng có 72km đường bờ biển, BĐBP Sóc Trăng là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, quản lý. Ảnh: VĂN LONG

Theo đánh giá của BĐBP Sóc Trăng, trong quá trình thực hiện Pháp lệnh BĐBP đã xuất hiện những bất cập, chưa phù hợp với đặc thù công tác của BĐBP như quyền ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ; thời hạn tạm giữ; một số tội danh liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, BĐBP lại không có quyền khởi tố như tội xâm phạm mốc giới, xâm hại công trình quan trọng về quốc phòng; chưa có nhà tạm giữ hành chính; chưa đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ…

Tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề tại BĐBP Sóc Trăng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cũng thống nhất cần thông qua Dự án Luật BPVN để thay Pháp lệnh BĐBP, cho phù hợp với vị trí, nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Tiếp tục xây dựng lực lượng BĐBP chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thực hiện tốt hơn nữa chế độ, chính sách cho BĐBP, chính sách hậu phương đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới. Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, khẳng định: “Dự án Luật BPVN sẽ được trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Đây là một trong những dự án luật quan trọng nhằm luật hóa, khẳng định nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của biên phòng mà cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

PHƯỚC LIÊU

Dự án Luật BPVN gồm 6 chương, 36 điều, quy định phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc hoạt động biên phòng; hoạt động cơ bản về biên phòng; lực lượng BĐBP; hợp tác quốc tế và phối hợp thực thi hoạt động biên phòng; đảm bảo thực thi hoạt động biên phòng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của các cá nhân về hoạt động biên phòng.

Theo dự thảo, hệ thống tổ chức của BĐBP bao gồm: a) Bộ Tư lệnh Biên phòng; b) Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Biên phòng; c) Đồn biên phòng và các đơn vị tương đương. Ngày 3-3 hàng năm là Ngày truyền thống của BĐBP và là Ngày Biên phòng toàn dân.

Lực lượng biên phòng có nhiệm vụ: Quản lý, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, hòa bình, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, tài nguyên, môi trường ở khu vực biên giới, cửa khẩu; thực thi pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu; kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu. Hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển...

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/can-thiet-ban-hanh-luat-bien-phong-viet-nam-41851.html