Cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi)

Ngày 1-4, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Lê Tiến Châu và Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự hội nghị, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho rằng, hầu hết ý kiến đại biểu đều thống nhất cao sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi), tuy nhiên, việc sửa đổi lần này cần bảo đảm quan điểm thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

“Đa số các ý kiến cũng cho rằng tổ chức thanh tra còn nhiều tầng nấc, dẫn đến chồng chéo, trùng lắp trong thực hiện công vụ; chưa có sự phân định thật rõ ràng cũng như sự phối hợp đồng bộ giữa thanh tra và các cơ quan có chức năng tương đồng về kiểm tra, giám sát, gây khó khăn cho đối tượng thanh tra, cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, dự thảo Luật lần này cần phải thu gọn đầu mối tổ chức cơ quan thanh tra để khắc phục sự dàn trải, thiếu tập trung và tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra”, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu nêu rõ.

Nhấn mạnh Luật Thanh tra hiện hành và dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) chưa đề cập đến vai trò, sự tham gia của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động thanh tra, đồng chí Lê Tiến Châu cho biết, tại Luật MTTQ Việt Nam đã quy định rõ chức năng, hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu nêu rõ, hiện nay, MTTQ đã có giám sát đối với hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo, do đó, đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định về vai trò của nhân dân, vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng trong hoạt động của thanh tra; đồng thời có sự tham gia, phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và cơ quan Thanh tra cùng cấp trong hoạt động thanh tra...

Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đề nghị Ban chuyên môn tổng hợp đầy đủ, trách nhiệm, tiếp thu cao nhất ý kiến phát biểu và phản biện xã hội của đại biểu tham dự hội nghị, khẩn trương hoàn thiện văn bản phản biện xã hội đối với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thanh tra Chính phủ.

HỒNG UYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/can-thiet-ban-hanh-luat-thanh-tra-sua-doi-690408