Cần thiết bổ sung Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 33, ngày 14/5 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).
Sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự án Luật, thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án luật; đánh giá cao Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã xây dựng và chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật kỹ lưỡng, công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Đồng thời góp ý Cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ phạm vi điều chỉnh để tránh chồng lấn với các dự án luật khác; vấn đề quy hoạch, cơ chế phối hợp giữa các lực lượng...
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ dự án Luật đầy đủ, kỹ lưỡng, đặc biệt có báo cáo rà soát Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013 và văn bản quy phạm pháp luật quy định hoạt động cứu nạn, cứu hộ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, qua rà soát cho thấy, trong hơn 10 năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm tới công tác PCCC và CNCH, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác này.
Tuy nhiên tình hình cháy, nổ, tai nạn vẫn xảy ra thường xuyên, liên tục, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM là bài học đắt giá.
Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật PCCC và CNCH với những lý do đã được Chính phủ nêu trong Tờ trình số 131/TTr-CP và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan đã tích cực, khẩn trương, trách nhiệm trong công tác chuẩn bị hồ sơ và công tác thẩm tra dự án Luật.
Nhấn mạnh đây là dự án Luật rất quan trọng, có tác động lớn đến đời sống, gắn với đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát một cách kỹ lưỡng để khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai pháp luật về PCCC và CNCH, đồng thời phải có những đổi mới, sửa đổi phù hợp, khả thi gắn với đời sống kinh tế của người dân.
Lấy ví dụ về những khó khăn, bất cập trong công tác PCCC tại các khu dân cư, ngõ hẻm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần có những đúc kết, rút kinh nghiệm để hạn chế tối đa số vụ cháy, nổ, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bán sát sự chỉ đạo của Đảng để có giải pháp lãnh đạo từ Đảng, quản lý Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác PCCC. Bên cạnh đó, cần bám sát vào Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC và Báo cáo giám sát của Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh “Việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020-2022”.
Tán thành với phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật về việc bổ sung quy định về hoạt động CNCH đối với những sự cố, tại nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, cần có đánh giá và rà soát kỹ lưỡng bởi công tác cứu nạn, cứu hộ liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, có sự giao thoa lớn. Đồng thời, quy định cụ thể hơn về cơ chế phối hợp chỉ huy, hỗ trợ liên quan đến cứu hộ, cứu nạn.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quy định về quy hoạch PCCC song hiện nay dự thảo Luật chưa có. Vì vậy cần đặt nội dung này trong tổng thể phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Về xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC và CNCH tại Điều 9 dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đây là vấn đề có nhiều vướng mắc trong thực tiễn, do đó đề nghị có nghiên cứu, quy định cụ thể hơn, nhất là những quy định có tính đặc thù khác với quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phù hợp với công tác PCCC và CNCH. Đồng thời làm rõ nội hàm của tiêu chuẩn và quy chuẩn PCCC hiện hành, mở rộng thêm cả tiêu chuẩn, quy chuẩn với công tác CNCH thì cần phải có quy định chi tiết để dễ áp dụng trong đời sống thực tế hiện nay.
Về công tác phòng cháy quy định tại Chương II dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, về cơ bản đã luật hóa các chỉ đạo của Đảng, nội dung được nêu trong Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Tuy nhiên, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “phòng hơn chống”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu thêm về nội dung để tiếp tục phân cấp, phân quyền trong việc thẩm tra, thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy, công tác nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Theo đó cần rà soát kỹ Điều 14, Điều 15 dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi và cụ thể hơn về phòng cháy, chữa cháy.
Về phòng cháy đối với nhà ở (Điều 17) Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề được người dân quan tâm nhưng dự thảo Luật chưa có điểm mới, nét mới. Do đó, cần có các quy định cụ thể, cùng với đó là các quy định về điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy cơ sở nhà ở, đặc biệt là nhà ở kết hợp với dạng sản xuất kinh doanh - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ.