Cần thiết lập lại cạnh tranh điện ảnh
Phim của Trấn Thành lại lần nữa lập kỷ lục doanh thu khi mà 'Mai' chỉ mới ra rạp dịp Tết Nguyên đán vừa rồi đã thành phim Việt cán đích 100 tỷ, rồi 200 tỷ và 300 tỷ nhanh nhất. Thành công ấy cho thấy Trấn Thành đang là một nhân vật trung tâm của điện ảnh Việt đương đại đúng nghĩa. Và khi phim của anh đạt các mức doanh thu rất lớn như thế, ý kiến về chuyện phim của Trấn Thành ép suất chiếu các phim khác lại bắt đầu ì xèo.
Đầu tiên, cần phải khẳng định rằng số suất chiếu của "Mai" so với các phim nội và ngoại cùng ra rạp như "Đào, Phở và Piano", "Sáng đèn", "Gặp lại chị bầu" là áp đảo. Điển hình như thống kê chiều tối ngày 18/2, cùng trong ngày, khi "Mai" có trên 5 ngàn suất chiếu thì "Gặp lại chị bầu" chỉ có hơn 1 ngàn. Thảm hơn nữa là "Sáng đèn" và "Hồng Hà nữ sĩ" với vỏn vẹn 3 suất chiếu. Sự áp đảo là có thật, song quy kết nó là do áp lực của Trấn Thành là chưa có căn cứ.
Có một câu chuyện dễ để hình dung chính là chuyện tiêu thụ thuốc lá thương hiệu ngoại sản xuất tại Việt Nam cách đây khoảng 20 năm. Đội ngũ bán hàng của những hãng thuốc lớn đã phải "gãy cả lưỡi" để thuyết phục các điểm bán lẻ trưng bày thuốc lá của mình ra trước tủ quầy thay vì các thương hiệu nhập lậu khác, nhưng cuối cùng đều bất lực. Câu chuyện này, nếu đổi vai nhà sản xuất phim là các hãng thuốc và các chủ quầy bán lẻ là những chủ rạp, chúng ta sẽ hiểu tại sao có chuyện suất chiếu "Mai" áp đảo như vậy.
Đơn giản, phim ảnh là hàng hóa và những chủ rạp sẽ luôn tập trung cho phim nào hút khách, có tỷ lệ lấp đầy nhiều nhất bởi họ cũng thu lợi từ đó. Công thức chia doanh thu giữa chủ rạp và nhà sản xuất đã cố định cho mọi phim. 2 tuần đầu: rạp 60 - nhà sản xuất 40; 2 tuần kế tiếp: 50-50, sau hai tuần kế tiếp đó, nếu phim còn trụ lại được, tỷ lệ đổi lại thành 40-60. Như vậy, chủ rạp là nhà bán lẻ và họ chỉ căn cứ vào mặt hàng nào bán tốt mà đẩy bán thôi.
Nhưng có một đặc thù trong điện ảnh nói riêng và văn hóa phẩm nói chung là một bộ phim, cuốn sách, sản phẩm âm nhạc… không chỉ đơn thuần là 1 mặt hàng, mà nó còn là diện mạo của văn hóa xã hội và việc phổ cập văn hóa, nghệ thuật cũng như tri thức cho đại chúng. Chính vì thế, chúng không thể nào chỉ khư khư tuân theo "sự điều tiết của thị trường" như lý giải của nhiều người. Ngay cả các mặt hàng phổ thông khác, một khi có sự bất bình đẳng trong phân phối thị trường thì dù cho có tôn trọng điều tiết thị trường đến mấy, các chính phủ vẫn phải có chính sách để lập lại công bằng cơ hội trong cạnh tranh.
Chính vì thế, vấn đề của điện ảnh Việt Nam hiện nay chính là ta đang thiếu các chính sách để điều tiết lại sự chi phối của nhu cầu thị trường khi nó đã đi quá mức độ công bằng cơ hội. Giả sử, vẫn chấp nhận cho các chủ rạp ưu ái các phim ăn khách nhưng có quy định về tỷ lệ suất chiếu tối đa mỗi ngày cũng như tỷ lệ phân chia giờ vàng trong suốt thời gian phát hành cũng là một giải pháp khả thi. Chính những giải pháp khoa học như thế mới có thể vừa giúp những ngôi sao như Trấn Thành lập kỷ lục và vừa hỗ trợ những gạo cội như đạo diễn Phi Tiến Sơn phổ cập những tác phẩm hay, đẹp và ý nghĩa như "Đào, Phở và Piano" ra công chúng.
Tất nhiên, như câu chuyện thuốc lá, khi mà người tiêu thụ Việt Nam đã quá quen với thuốc lá sản xuất trong nước, những nhân viên bán hàng chẳng còn phải thuyết phục ai nữa về chuyện trưng bày hàng. Nâng tầm dân trí về thưởng thức nghệ thuật cũng là một việc phải làm. Song, đó là một nhiệm vụ lâu dài, khó khăn và yêu cầu sự kiên nhẫn.