Cần thiết nhưng không phải là 'chìa khóa' duy nhất

Ngày mai (17.8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Một nội dung quan trọng của dự Luật là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc. Ủng hộ hướng đi này song các chuyên gia cho rằng, đây không phải là chìa khóa duy nhất giúp đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế:
Cần có giải pháp đột phá hơn

Đến hết năm 2022, cả nước có hơn 17,4 triệu người đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội, đạt hơn 38% tổng số lực lượng lao động. Trong khi đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW yêu cầu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội. Để đạt được mục tiêu này, phải nỗ lực đưa những lao động có thu nhập ổn định, thường xuyên vào diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung 5 nhóm đối tượng vào diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm từng bước mở rộng diện bao phủ an sinh. Thực tế, chúng ta sẽ muốn đối tượng tham gia bảo hiểm được mở rộng hơn nữa, có độ bao phủ hơn, nhưng cũng phải bảo đảm những yêu cầu, tiêu chuẩn nhất định, liên quan đến việc có thể đáp ứng được các đòi hỏi về mặt nguyên tắc tham gia đóng góp của bảo hiểm xã hội. Theo tôi, trước mắt những đối tượng cần tập trung mở rộng là các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn thu…

Cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm, tôi cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần thảo luận kỹ lưỡng về mức đóng, thời gian đóng cũng như các yếu tố liên quan đến hoạt động chi trả của bảo hiểm xã hội; nâng cao tính tuân thủ của cả người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội... Cần có giải pháp đột phá hơn cho những vấn đề này nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ.

PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội:
Muốn mở rộng diện bao phủ thì ngân sách phải hỗ trợ

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung khá nhiều nhóm đối tượng vào diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng vẫn chưa thực hiện triệt để tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Nước ta đang và sẽ tiếp tục triển khai các mô hình kinh tế mới như kinh tế nền tảng công nghệ, kinh tế chia sẻ, kinh tế số, xã hội số... Điều này dẫn đến xuất hiện nhóm người lao động mới (lao động công nghệ, lao động tự do trong nền kinh tế chia sẻ, lao động làm việc từ xa...). Nhóm này sẽ có đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế và thị trường lao động. Tuy nhiên, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chưa thể hiện rõ họ thuộc nhóm đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không?

Đa số nhóm lao động này là người trẻ, có thu nhập khá tốt và mong muốn được tham gia bảo hiểm xã hội. Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn (năm 2021 - 2022), trong số gần 500 công nhân lái xe công nghệ được phỏng vấn, có đến trên 53% mong muốn tham gia bảo hiểm xã hội và trên 64% muốn tham gia bảo hiểm y tế. Nếu thu hút được nhóm đối tượng này sẽ tăng cường an sinh xã hội; tăng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội, giảm gánh nặng ngân sách cho chính sách hưu trí xã hội.

Muốn mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội cần dựa trên hai chính sách cơ bản. Đó là quy định việc tham gia bắt buộc đối với đối tượng lao động có quan hệ lao động và quy định việc tham gia tự nguyện (được ngân sách nhà nước hỗ trợ) với nhóm đối tượng còn lại (lao động không có quan hệ lao động bằng hợp đồng lao động). Bài học của Trung Quốc khi đạt tỷ lệ bao phủ 75% thì trong đó 35% là tham gia bắt buộc và 40% tham gia tự nguyện với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Hy vọng phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ làm rõ hơn những vấn đề này.

TS. Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế:
Nên có mức đóng phù hợp cho từng đối tượng

Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là cần thiết, bởi đây là nhu cầu của không ít lao động nhằm bảo đảm quyền lợi khi đến tuổi nghỉ hưu. Hơn nữa, hướng đi này cũng gỡ bỏ tâm lý e ngại của người dân, thu hút nhiều người tham gia vào các chính sách an sinh của Nhà nước. Sau hơn 7 năm thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, chúng ta thấy rằng, diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội trên thực tế còn thấp so với tiềm năng. Đây là điều cần phải khắc phục khi sửa luật.

Ở đây, tôi quan tâm đến mức đóng với từng nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo tôi, nên có mức đóng phù hợp cho từng đối tượng bởi thu nhập của họ khác nhau. Nếu không có mức đóng hợp lý sẽ rất khó nhận được sự đồng thuận từ người dân.

Bên cạnh đó, tôi đồng tình với ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, việc quy định mở rộng một số nhóm đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không phải là “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đã được Nghị quyết 28 đề ra. Thay vào đó, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Một mặt, vừa phải mở rộng đối tượng, vừa phải giữ người lao động ở lại hệ thống lâu dài. Mặt khác, phải có các giải pháp hỗ trợ khi người lao động gặp khó khăn về tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động chủ động…

Theo tôi, các cơ quan truyền thông, tổ chức xã hội cũng cần tham gia vào tuyên truyền, giải thích người lao động hiểu rõ, hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa của quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đây không chỉ là lợi ích của từng cá nhân mà còn giúp củng cố trụ cột của an sinh xã hội - điều rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số rất nhanh.

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/can-thiet-nhung-khong-phai-la-chia-khoa-duy-nhat-i340162/