Cần thiết phải có Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050
Ngày 18/8/2020, tại Quyết định 1266/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 (Chiến lược). Đây là định hướng quan trọng để phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế - xã hội, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng và bảo vệ môi trường…
Trước đó, theo Bộ Xây dựng, thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/08/2014), ngành Vật liệu xây dựng đã phát triển cả về chủng loại, số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nhà ở.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định: “Các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng đều có sự chuyển biến một cách tích cực. Công suất thiết kế và sản lượng một số sản phẩm vật liệu xây dựng đã tăng gấp 2 - 3 lần so với 10 - 15 năm trước. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới. Nhiều chủng loại vật liệu xây dựng của Việt Nam có số lượng xếp trong nhóm đầu của thế giới như xi măng, gốm sứ, kính xây dựng…”.
Bên cạnh thành quả đạt được thì ngành Vật liệu xây dựng của Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững, còn bộc lộ những vấn đề bất cập phải được nghiên cứu khắc phục.
Đơn cử, việc đầu tư phát triển sản xuất đối với một số chủng loại vật liệu xây dựng còn chưa hợp lý, quy mô còn nhỏ và phân tán, hiệu quả đầu tư chưa cao. Việc nghiên cứu phục hồi môi trường sau khai thác các khoáng sản làm vật liệu xây dựng chưa được chú trọng.
Công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng ở một số lĩnh vực còn lạc hậu so với trình độ hiện nay ở khu vực và thế giới, đòi hỏi phải được thay thế, đổi mới. Nhân lực kỹ thuật được đào tạo bài bản trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng còn mỏng chưa tương xứng với yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành…
Trong khi đó, xu thế phát triển vật liệu xây dựng trên thế giới gắn liền với ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tận thu các loại phế thải công nghiệp, giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu với nhiều chủng loại sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng…
Việt Nam hiện đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vì vậy tất yếu sự phát triển vật liệu xây dựng nước ta chịu tác động của các xu thế phát triển vật liệu xây dựng, tiến bộ khoa học kỹ thuật thế giới.
Trong bối cảnh trên, rất cần thiết phải hình thành chiến lược phát triển vật liệu xây dựng cho Việt Nam theo hướng bền vững, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng và bảo vệ môi trường… Bộ Xây dựng đã giao Viện Vật liệu xây dựng và Vụ Vật liệu xây dựng phối hợp nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050.
Cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã hoàn thành dự thảo Chiến lược với những quan điểm, mục tiêu, giải pháp và tổ chức thực hiện… Dự thảo Chiến lược đã được lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, hiệp hội chuyên ngành về vật liệu xây dựng, trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Đánh giá cao tầm quan trọng của Chiến lược, ngày 18/6/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp làm việc với Bộ Xây dựng, chỉ đạo việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chiến lược phải gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại; tiết kiệm tài nguyên, tận thu phế thải tái chế thành vật liệu xây dựng; giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Phát triển vật liệu xây dựng phải gắn với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, nông nghiệp và xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng mới có giá trị kinh tế cao, ít tiêu thụ năng lượng; nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của vật liệu xây dựng Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ngành Vật liệu xây dựng cần phát triển đa dạng các chủng loại, nhất là các loại vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao; Chú trọng công tác nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng một cách sâu, rộng, gắn với thực tiễn sản xuất, tập trung vào công tác xử lý chất thải của ngành sản xuất vật liệu xây dựng đáp ứng các yêu cầu môi trường…
Ngày 18/8/2020, tại Quyết định 1266/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Chiến lược có mục tiêu phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; Loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; Xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, Chiến lược được phê duyệt có ý nghĩa quan trọng, dẫn dắt định hình các hoạt động phát triển vật liệu xây dựng phù hợp với quy luật cung – cầu của kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy phát triển kinh tế - xã hội và hài hòa bảo vệ môi trường làm chủ đạo trong thời gian 10 năm tới và định hướng đến năm 2050.
Đặc biệt, Chiến lược sẽ tạo điều kiện cho công tác cải cách thủ tục hành chính ngày càng diễn ra nhanh và hiệu quả hơn để đáp ứng với nhu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập sâu rộng cùng xu thế phát triển vật liệu xây dựng của thế giới.