Cần thiết phải siết chặt

Đợt tổng kiểm soát phương tiện kinh doanh vận tải sẽ kéo dài đến hết 30/11, kéo dài thêm một tháng rưỡi so với kế hoạch. Trước đó, từ ngày 15/8 đến 15/10, Bộ Công an tổ chức tổng kiểm soát phương tiện kinh doanh trên cả nước.

Việc kéo dài đợt tổng kiểm soát nhằm siết chặt, xử lý tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Các vi phạm được tập trung xử lý gồm: điều kiện của tài xế; nồng độ cồn, ma túy; xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, quá khổ, quá tải; tốc độ; lấn đường; chạy vào làn khẩn cấp của cao tốc; chở quá sổ người; dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định...

Kết quả sau hai tháng, lực lượng công an trên cả nước đã xử lý gần 66.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 80 tỷ đồng. Gần 5.500 tài xế bị tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, gần 600 phương tiện bị tạm giữ. Riêng với ô tô chở khách, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 48.000 trường hợp, phạt tiền hơn 50 tỷ đồng, tước hơn 3.600 giấy phép lái xe, tạm giữ 340 phương tiện. Trong các vi phạm, lỗi về tốc độ chiếm nhiều nhất với hơn 3.400 trường hợp, tiếp theo là chở quá số người quy định hơn 1.300 người. TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về kết quả xử lý với gần 6.000 trường hợp, tiếp đến là Hà Nội, Nghệ An mỗi địa phương hơn 3.600 trường hợp.

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), đợt tổng kiểm soát phương tiện kinh doanh vận tải sẽ kéo dài đến hết 30/11, thêm một tháng rưỡi so với kế hoạch. Đơn vị này giải thích, việc kéo dài kiểm soát do hai tháng qua tình hình vi phạm của ô tô kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa diễn ra phổ biến, để xảy ra một số vụ tai nạn làm nhiều người chết.

Nghiêm trọng nhất là sáng 30/9, ôtô giường nằm của DN Thành Bưởi tông xe 16 chỗ trên Quốc lộ 20, đoạn qua tỉnh Đồng Nai làm 5 người chết, nhiều người bị thương. Nguyên nhân được xác định là tài xế xe của DN Thành Bưởi chạy quá tốc độ, vượt ẩu.

Diễn biến phức tạp của tình hình trật tự, an toàn giao thông trong thời gian gần đây, nhất là tai nạn giao thông do xe ô tô kinh doanh vận tải diễn ra vẫn chiếm từ 30% - 40% tổng số vụ đường bộ. Do vậy, việc tiếp tục kiểm tra gắt gao không chỉ nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của chủ phương tiện và lái xe, mà còn phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng container để kiến nghị cơ quan chức năng các giải pháp khắc phục.
Việc tổng kiểm soát cần được cụ thể hóa phù hợp đặc điểm, điều kiện tình hình địa phương và thực hiện đồng bộ ở cả các cấp ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, tuyến, địa bàn được phân công phụ trách.

Ngoài ra, để việc tổng kiểm soát đem lại hiệu quả cao, cần có sự tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, nhất là ngành giao thông vận tải, kết hợp với việc xử lý vi phạm có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên cũng cần nghiêm cấm việc lợi dụng tổng kiểm soát để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của người dân, DN.

Phạm Công

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-thiet-phai-siet-chat.html