Cần thiết sửa đổi Luật An toàn thực phẩm
Bộ Y tế đang dự thảo Luật An toàn thực phẩm nhằm giải quyết kịp thời các hạn chế, vướng mắc, bất cập trong các quy định của Luật.

Cần thiết sửa đổi Luật An toàn thực phẩm
Theo Bộ Y tế, sau hơn 15 năm thi hành, Luật An toàn thực phẩm (ATTP) đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện đã phát sinh một số tồn tại, vướng mắc, bất cập:
Thứ nhất, một số quy định còn chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, không còn bảo đảm tính khả thi trên thực tiễn.
Thứ hai, hệ thống quản lý chưa kiểm soát được chất lượng của sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng trong quá trình sản xuất, lưu thông trên thị trường.
Thứ ba, hệ thống quản lý, mô hình tổ chức bộ máy quản lý về an toàn thực phẩm trên toàn quốc chưa tinh gọn, thống nhất, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, công tác hậu kiểm, kiểm tra, giám sát sau khi thực phẩm tự công bố và đăng ký bản công bố còn chưa thường xuyên; tình trạng thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng diễn ra phổ biến gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua.
Thứ năm, còn thiếu cơ chế để cơ quan nhà nước thu hồi các giấy chứng nhận đã cấp hoặc tạm dừng cung cấp các dịch vụ công khi tổ chức, cá nhân bị phát hiện vi phạm.
Thứ sáu, chưa quy định tổ chức, cá nhân đứng tên công bố sản phẩm là tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất thực phẩm và phải chịu trách nhiệm đến cùng về an toàn, chất lượng sản phẩm thực phẩm khi được lưu thông trên thị trường. Trường hợp cơ sở sản xuất không đứng tên công bố phải ủy quyền cho cơ sở khác và vẫn phải chịu trách nhiệm đến cùng về sản phẩm do cơ sở mình sản xuất.
Thứ bảy, chưa quy định doanh nghiệp bắt buộc phải đáp ứng quy định về áp dụng các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến trong sản xuất (HACCP) đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, thực phẩm bổ sung...
Do đó, việc xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) là rất cần thiết nhằm giải quyết kịp thời các hạn chế, vướng mắc, bất cập trong các quy định của Luật; xác định và đề cao trách nhiệm của cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm, nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn và chất lượng sản phẩm thực phẩm.
Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về quản lý thực phẩm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đề xuất bổ sung một số hành vi nghiêm cấm khi thực hiện quảng cáo, kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử
Tại dự thảo Luật, Bộ Y tế đề xuất bổ sung một số hành vi nghiêm cấm khi thực hiện quảng cáo, kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử nhằm giải quyết vấn đề bất cập phát sinh trong thực tiễn; tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng:
Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng; sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, ý kiến của người bệnh, lời nói, bài viết của nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng không công khai mối quan hệ tài trợ khi quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo.
Tiết lộ thông tin người mua hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin để truy xuất hàng hóa theo quy định khi thực hiện kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử.
Sửa đổi, bổ sung mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm
Về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, chất lượng thực phẩm, dự thảo sửa đổi, bổ sung mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm hành chính:
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật này hoặc các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Mức phạt tiền tối đa là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm. Tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.