Lật thuyền giữa biển, tuyệt đối không được cởi đồ ướt

Trong tình huống sinh tử trên biển, quần áo ướt tưởng chừng vô dụng lại là lớp bảo vệ quan trọng giúp giữ nhiệt và tăng cơ hội sống sót.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, trong 3 năm gần đây, có ít nhất 21 vụ tai nạn liên quan đến tàu thuyền du lịch trong mùa mưa bão, để lại hậu quả thương tâm cả về người và tài sản. Nguyên nhân không chỉ đến từ yếu tố thời tiết mà còn bởi sự chủ quan trong khâu chuẩn bị và thiếu kỹ năng ứng phó khẩn cấp của cả thuyền viên lẫn hành khách.

Anh Phạm Quốc Việt - đội trưởng FAS ANGEL chia sẻ trong bài đăng mới nhất trên trang cá nhân: "Kỹ năng thoát nạn thoát hiểm là thứ mà gần như người Việt chúng ta còn thiếu kiến thức và chưa được coi trọng lắm. Tôi có thể lấy ví dụ như chúng ta có thể bỏ ra cả triệu thậm chí cả chục triệu để mua một vé xem ca nhạc hay xem phim nhưng khi được vận động đi học một khóa huấn luyện kỹ năng nào đó thì thường không để ý đên hoặc không quan tâm lắm, chúng ta thường cho rằng sự cố hiếm gặp thường ít khi xảy ra, nhưng như chúng ta đã thấy, khi sự cố xảy ra liệu rằng chúng ta có kỹ năng để xử lý sự cố đó cho mình và cho cả người thân không ? đây chính là cái tôi muốn nhấn mạnh nhất. KỸ NĂNG THOÁT NẠN THOÁT HIỂM phải được đặt lên mỗi quan tâm hàng đầu để phòng tránh các rủi ro sẽ xảy ra vốn đã tiềm ẩn sẵn".

 Anh Phạm Quốc Việt - Đội trưởng FAS ANGEL

Anh Phạm Quốc Việt - Đội trưởng FAS ANGEL

 Ảnh Báo Thể thao & Văn hóa

Ảnh Báo Thể thao & Văn hóa

Trong bài viết của mình, anh Việt cũng đề cập tới yếu tố quan trọng giúp tăng khả năng sống sót của hành khách nếu không may gặp tai nạn, sự cố và rơi xuống nước biển. Có những lưu ý đặc biệt về tư thế về trang phục mà không phải ai cũng biết. Đó là: Đừng cởi quần áo dù cho chúng đã ướt, ngược lại hãy mặc nhiều nhất có thể và nắm được các tư thế giúp duy trì thân nhiệt và tránh sốc lạnh khi rơi xuống biển.

Vì sao không nên cởi bỏ quần áo dù tất cả đã ướt?

Khi không may bị rơi xuống biển, đặc biệt trong điều kiện thời tiết lạnh hoặc sóng lớn, nguy cơ mất nhiệt cơ thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chỉ sau đuối nước. Một lầm tưởng phổ biến của nhiều người đó là khi quần áo đã ướt, cần nhanh chóng cởi bỏ để dễ bơi hoặc giảm lạnh. Tuy nhiên theo đội trưởng FAS ANGEL, chúng ta cần thực hiện điều ngược lại.

Cụ thể, quần áo dù đã ướt, vẫn có tác dụng giữ lại lớp nước bên trong sát cơ thể và cơ thể sẽ làm ấm lớp nước đó, tạo thành một lớp 'cách nhiệt' tạm thời. Vì vậy, càng mặc nhiều quần áo, dù cho tất cả đã ướt sũng nước, cơ thể vẫn được bảo vệ, càng ít bị mất nhiệt. Đây là nguyên lý đã được áp dụng trong nhiều chiến dịch cứu nạn trên khắp thế giới.

 Khi rơi xuống nước, dù quần áo đã ướt cũng đừng cởi ra (Ảnh minh họa bởi AI)

Khi rơi xuống nước, dù quần áo đã ướt cũng đừng cởi ra (Ảnh minh họa bởi AI)

Ngoài ra, việc cởi bỏ quần áo còn khiến da tiếp xúc trực tiếp với nước biển lạnh, dẫn đến cơ thể sốc nhiệt nhanh hơn, run lẩy bẩy, mất khả năng vận động và thậm chí bất tỉnh. Các loại áo khoác, quần dày, nếu được buộc chặt và không quá nặng, cũng có thể tăng độ nổi và hỗ trợ người gặp nạn dễ dàng trôi nổi hơn trên mặt nước.

Tư thế "co người" giúp giữ thân nhiệt người bị nạn

Anh Việt hướng dẫn người đọc những tư thế giúp hạn chế cử động tối đa trong trường hợp không may rơi xuống nước biển lạnh, từ đó hỗ trợ đáng kể cho việc duy trì thân nhiệt. "Điều cốt yếu là hạn chế cử động tối đa bằng các áp dụng tư thế HELP nếu đơn độc hoặc tư thế Huddle nếu có nhiều người", trích bài viết của đội trưởng FAS ANGLE.

Tư thế HELP được nhắc tới ở đây là viết tắt của cụm từ Heat Escape Lessening Position - là tư thế "co người". Ở tư thế này, người gặp nạn nên co hai chân lên gần sát ngực, hai tay ôm quanh đầu gối, cố gắng gập thân người lại để bảo vệ các vùng dễ mất nhiệt nhất như ngực, bụng và cổ. Tư thế này giúp giảm thiểu diện tích tiếp xúc của cơ thể với nước lạnh, nhờ đó hạn chế tốc độ hạ thân nhiệt, kéo dài thời gian chờ được cứu.

Thứ 2 là tư thế Huddle - áp dụng theo nhóm, khi có nhiều người. Đây là tư thế ôm nhóm, mọi người sẽ tụ lại thành vòng tròn, ôm vai hoặc eo nhau, giữ phần thân giữa sát nhau để giảm tiếp xúc với nước lạnh. Trẻ em, phụ nữ hoặc người yếu nên được đặt vào giữa để được bảo vệ tốt hơn.

 2 tư thế được đội trưởng FAS ANGEL nhấn mạnh giúp duy trì thân nhiệt khi rơi xuống nước biển lạnh (Ảnh Ace Boater)

2 tư thế được đội trưởng FAS ANGEL nhấn mạnh giúp duy trì thân nhiệt khi rơi xuống nước biển lạnh (Ảnh Ace Boater)

Việc ôm nhóm không chỉ giúp duy trì thân nhiệt chung, giảm nguy cơ hạ thân nhiệt, mà còn tăng khả năng quan sát của đội cứu hộ, vì một cụm người nổi dễ được phát hiện hơn từng người riêng lẻ. Tư thế Huddle cũng giúp trấn an tinh thần, tạo cảm giác an toàn giữa sóng dữ, đặc biệt quan trọng trong những giờ phút dài lênh đênh chờ cứu hộ.

FAS Angel cũng khuyến cáo, hãy hạn chế bơi khi không thực sự cần thiết. Việc bơi liên tục khiến cơ thể mất sức rất nhanh, đặc biệt khi đang mặc đồ ướt và không có áo phao chuyên dụng. Trong trường hợp không thấy người hoặc tàu đến cứu, nên giữ nguyên tư thế nổi (ngửa mặt, đầu cao khỏi mặt nước), hoặc co người lại và tìm cách phát tín hiệu cầu cứu bằng giọng nói, tiếng đập nước, hoặc còi cứu hộ nếu có.

 Ảnh Báo Pháp luật Việt Nam

Ảnh Báo Pháp luật Việt Nam

Có thể thấy, trong bối cảnh du lịch biển đang vào mùa cao điểm, đặc biệt là ở các vùng như Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Côn Đảo… việc trang bị kiến thức sinh tồn trên biển, nhất là khi đi thuyền mùa mưa bão, không chỉ là trách nhiệm của đơn vị tổ chức tour mà còn là quyền lợi sống còn của mỗi du khách.

Ngoài 2 yếu tố là trang phục và tư thế khi rơi xuống biển, anh Phạm Quốc Việt cũng nhấn mạnh nhiều lưu ý sống còn khác khi gặp nạn trên biển mà ai cũng nên ghi nhớ: Tuyệt đối không nhảy khỏi tàu khi chưa có chỉ dẫn, bởi tàu dù có sự cố vẫn là vật thể nổi lớn, dễ được tìm thấy hơn một cá nhân trôi dạt.

Nếu phải xuống nước, hãy bám vào bất kỳ vật nổi nào có thể tận dụng được, từ can nhựa, thùng xốp đến mảnh ván gỗ. Không nên hoảng loạn mà cố bơi về phía xa, thay vào đó, hãy giữ tư thế nổi ổn định, hô lớn để phát tín hiệu và tiết kiệm sức lực.

Anh Việt cũng khuyến cáo, trong bất cứ chuyến đi biển nào – dù ngắn hay dài – mỗi người nên tự quan sát vị trí áo phao, lối thoát hiểm trên tàu ngay từ khi lên thuyền, bởi trong lúc nguy cấp, vài giây nhận biết có thể là ranh giới giữa sống và mất.

Theo Thu Phương / Đời sống & Pháp luật

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/lat-thuyen-giua-bien-tuyet-doi-khong-duoc-coi-do-uot-post1556268.html