Cần thiết sửa Luật Hợp tác xã để phát triển kinh tế tập thể tại Việt Nam

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đến nay Luật Hợp tác xã năm 2012 vẫn có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn hoặc bị chồng chéo, nên cần thiết sửa đổi Luật để tạo điều kiện phát triển mô hình này.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội nghị

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội nghị

Kinh tế tập thể, hợp tác xã đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam

Theo Báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại Hội nghị Tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới, chiều 8/11, ước cả nước trong năm 2022 thành lập mới 2.187 hợp tác xã, đạt 109,35% chỉ tiêu kế hoạch năm.

Đến 31/12/2022, cả nước ước tính có 29.021 hợp tác xã (19.384 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 66,8%; 8.456 hợp tác xã phi nông nghiệp, chiếm 29,1%; 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 4,1%).

Các hợp tác xã thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở nông thôn và 2,6 triệu lao động. Tổng số vốn điều lệ đạt 54.150 tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/hợp tác xã; tổng giá trị tài sản đạt 187.750 tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng/hợp tác xã.

Ước tính năm 2022, doanh thu của hợp tác xã tăng bình quân 5,6% so với năm 2021. Nhiều mô hình hợp tác xã đã có sự đổi mới, liên kết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản phẩm được tiêu thụ ở các sàn thương mại điện tử.

Với các số liệu về sự phát triển hợp tác xã này, ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, phát triển kinh tế tập thể là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường, xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho các thành viên sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả và bền vững.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 14.000 tổ hợp tác, 45.000 hợp tác xã. Năm 2045, phấn đấu thu hút 20% dân số tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.

Cần có sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đang phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Tuy nhiên, sự phục hồi và phát triển của hợp tác xã ở các địa phương chưa đồng đều. Một số hợp tác xã bị thua lỗ, phải giảm sản lượng và quy mô. Có hợp tác xã chưa xây dựng được mô hình sản xuất, kinh doanh khả thi, chưa chú trọng liên kết chuỗi giá trị...

Phần lớn hợp tác xã ở Việt Nam đang có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên gặp khó khăn về vốn, tiếp cận và áp dụng công nghệ, phương thức kinh doanh mới, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường...

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Ngoài ra, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước như chính sách thuế, phí và lệ phí, đầu tư cơ sở hạ tầng... chưa đồng bộ, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế hợp tác xã. Nhiều chính sách chưa quy định đối tượng thụ hưởng là hợp tác xã như chính sách tăng trưởng xanh, tăng trưởng tuần hoàn, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Sau 10 năm đi vào thực tiễn, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã có nhiều tác động tích cực đối với đổi mới, phát triển kinh tế tập thể. Nhưng đến nay, đã có nhiều nội dung của Luật không còn phù hợp với thực tiễn, và vẫn còn sự chồng chéo, chưa thống nhất trong các văn bản luật gây khó khăn cho các hợp tác xã. Vì vậy, ông Bảo cho rằng việc sửa đổi Luật Hợp tác xã 2012 là cần thiết để thiết lập mục tiêu đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể.

Hội nghị Tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Anh Thư

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/can-thiet-sua-luat-hop-tac-xa-de-phat-trien-kinh-te-tap-the-tai-viet-nam-post13970.html