Cần thiết xây dựng chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2020-2030

Chiều 17-12, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về chủ trương xây dựng chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước (KTNN) giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2035.

Tờ trình Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2020-2030) và tầm nhìn đến năm 2035 do Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày đã nhấn mạnh đến sự cần thiết xây dựng “Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2020-2030) và tầm nhìn đến năm 2035” (sau đây gọi tắt là Chiến lược).

Theo đó, việc xây dựng và phê duyệt Chiến lược không những có ý nghĩa quan trọng và cấp bách trong việc hoàn thiện và nâng cao hiệu lực hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà còn tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho KTNN hoạch định các kế hoạch dài hạn, trung hạn và hằng năm, khắc phục những bất cập và hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước giao.

Cụ thể, trong xu hướng đổi mới, hội nhập của đất nước, với yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm về công tác phòng, chống tham nhũng và lãng phí trong giai đoạn hiện nay; tiếp đó Hiến pháp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN 2015 đã đặt ra đối tượng và phạm vi kiểm toán với khối lượng công việc lớn, như quy mô ngân sách ngày càng tăng, hình thức đầu tư ngày càng đổi mới (hình thức đầu tư PPP...)... cần phải kiểm toán toàn diện, kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề...; trách nhiệm của KTNN trước Đảng, Nhà nước và nhân dân ngày càng nặng nề. Từ bối cảnh đó, đòi hỏi hoạt động của KTNN phải bám sát nhiệm vụ và không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán cũng như kết quả kiểm toán phải được kịp thời công khai, minh bạch trước công chúng.

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Mục tiêu đến năm 2030 của Chiến lược được xác định là: Phát triển tổ chức bộ máy của KTNN theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước; giữ nguyên, duy trì ổn định hoạt động các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực; xây dựng đội ngũ công chức KTNN tinh gọn, đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và có cơ cấu hợp lý. Nguồn nhân lực của KTNN ổn định từ 2.600-2.700 người; sắp xếp bố trí, sử dụng đội ngũ dựa trên Đề án vị trí việc làm, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ và yêu cầu công việc thực tế...

Cùng với đó, thực hiện kiểm toán tối thiểu 2 năm/lần đối với quyết toán NSNN các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chuyển đổi từ quy trình kiểm toán truyền thống sang quy trình kiểm toán số dựa trên nền tảng dữ liệu lớn với sự hỗ trợ của các công nghệ trí tuệ nhân tạo một cách chủ động; tăng cường hoạt động “tiền kiểm” với dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, các chủ trương, chính sách lớn, các chương trình mục tiêu quốc gia...

Qua thảo luận, UBTVQH hoan nghênh sự chủ động xây dựng Chiến lược của KTNN và đánh giá đây là đề án có chất lượng tốt. Cơ bản nhất trí với quan điểm KTNN đã nêu trong dự thảo Chiến lược song các ý kiến UBTVQH cho rằng những giải pháp đưa ra trong dự thảo Chiến lược còn chung chung, cần đưa ra định hướng và giải pháp cụ thể cho từng nội dung của chiến lược. Đồng thời, KTNN cần đánh giá và xác định nguồn lực để thực hiện Chiến lược này, bảo đảm tính khả thi khi Chiến lược được quyết định.

Các ý kiến UBTVQH cũng cho rằng cần thể hiện rõ hơn việc phát triển KTNN phải bảo đảm KTNN thực sự là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, phục vụ đắc lực cho Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng về tài chính, tài sản công; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững kỷ luật về quản lý tài chính, tài sản công.

Đặc biệt, việc phát triển cơ cấu tổ chức của KTNN phải phù hợp với yêu cầu của cải cách hành chính, hạn chế phát triển về số lượng, coi trọng và tập trung phát triển về chất lượng, bảo đảm bộ máy tinh gọn, tiết kiệm kinh phí, hoạt động có hiệu quả.

Đáng chú ý, UBTVQH cho rằng, với yêu cầu nhiệm vụ cấp bách trọng tâm về công tác phòng, chống tham nhũng và lãng phí trong giai đoạn hiện nay thì kết quả kiểm toán phải được kịp thời công khai, minh bạch trước công chúng. KTNN phải cung cấp thông tin ngày càng toàn diện cho Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các cơ quan chức năng và xã hội, người dân. Tuy nhiên, mục tiêu của Chiến lược mới chỉ dừng lại ở việc kiện toàn và nâng cao bộ máy của KTNN, ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán mà chưa đề cập đến mục tiêu cung cấp, công khai toàn diện kết quả kiểm toán để đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ quan nhà nước và nhu cầu tiếp cận thông tin phục vụ giám sát của xã hội, người dân...

Để bảo đảm sự chặt chẽ, đúng định hướng và có tầm bao quát dài, UBTVQH đề nghị KTNN cần đánh giá tổng kết, làm rõ hơn kết quả 10 năm thực hiện Chiến lược Kiểm toán 2010-2020 để chỉ ra mặt mạnh, mặt yếu, những bất cập và cần làm sâu sắc hơn trong chiến lược kiểm toán trong thời gian tới.

Đồng thời, UBTVQH đề nghị KTNN tiếp thu đầy đủ ý kiến để hoàn chỉnh lại bố cục, làm rõ hơn về mục tiêu tổng quát, quan điểm và cả những nội dung cụ thể của chiến lược để hoàn thiện chiến lược, tập trung vào tính hiệu quả, tinh gọn, chất lượng và hội nhập quốc tế. Cùng với đó, KTNN tiếp tục cập nhật tinh thần của dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII để hoàn chỉnh chiến lược này.

Sau khi KTNN hoàn thiện chiến lược, UBTVQH sẽ xem xét, phê chuẩn vào thời điểm thích hợp.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/can-thiet-xay-dung-chien-luoc-phat-trien-kiem-toan-nha-nuoc-giai-doan-2020-2030-605496