Cần thiết xây dựng đội ngũ luật sư tư vấn cho Chính phủ trong lĩnh vực thương mại và đầu tư quốc tế

Trong bối cảnh gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp của các giao dịch cũng như tranh chấp thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế trong đó một bên là Chính phủ Việt Nam hoặc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, việc xây dựng đội ngũ luật sư tư vấn cho Chính phủ trong lĩnh vực thương mại và đầu tư quốc tế là vô cùng cần thiết. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

- Bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng đã đặt ra những yêu cầu gì đối với đội ngũ luật sư trong nước trong quá trình tư vấn và hỗ trợ Chính phủ trong giải quyết các vấn đề pháp lý, thưa ông?

Trong suốt hơn 30 năm thực hiện chính sách Đổi mới và phát triển đất nước, Việt Nam đã và đang hội nhập kinh tế quốc tế một cách vô cùng mạnh mẽ. Một trong số những bước tiến lớn về kinh tế phải kể đến đó là việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.

Việc hội nhập sâu rộng và mở cửa nền kinh tế một mặt tạo ra các cơ hội thúc đẩy kinh tế phát triển nhưng mặt khác cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là việc nhà nước phải thực hiện rất nhiều cam kết mở cửa thị trường, bảo hộ đầu tư, do vậy nguy cơ tranh chấp xảy ra là điều không thể tránh khỏi.

Để kịp thời song hành với sự phát triển này, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước để điều chỉnh hoạt động thương mại và đầu tư, Đảng và Nhà nước nhận thức rõ tầm quan trọng của hệ thống tư pháp và chủ trương cải cách hệ thống một cách triệt để, trong đó việc đào tạo nguồn nhân lực – đội ngũ luật sư đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp và và hội nhập quốc tế được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Luật sư; Kết luận số 69-KL/TW ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư; Đề án “Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008 - 2010” (“Đề án 544”) và Đề án “Phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” (“Đề án 123”)….

Đặc biệt hơn, trong bối cảnh của sự gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp của các giao dịch cũng như tranh chấp thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế trong đó một bên là Chính phủ Việt Nam hoặc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, vai trò của một đội ngũ luật sư trong nước đáp ứng khả năng tham gia vào quá trình tư vấn và hỗ trợ Chính phủ trong giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan là vô cùng quan trọng.

- Từ mô hình “luật sư công” ở một số nước, theo ông, Việt Nam có thể tham khảo được kinh nghiệm gì?

Trên thế giới, một số nước đã có mô hình “luật sư công”. Đó thường là những luật sư “của Chính phủ”, là công chức nhà nước, hưởng lương và phục vụ cho chính phủ. Tuy nhiên, mô hình này lại không phù hợp ở Việt Nam vì quy định của pháp luật không cho phép công chức, viên chức được làm luật sư.

Vì vậy, tôi sẽ tạm gọi là “luật sư tư vấn cho Chính phủ”. Đây là những luật sư thực hiện việc tư vấn trong tất cả các hoạt động/giai đoạn của các giao dịch thương mại quốc tế, dự án đầu tư quốc tế mà trong đó Chính phủ Việt Nam hoặc cơ quan nhà nước, doanh nghiệp vốn nhà nước, tổ chức đại diện nhà nước, là một bên của giao dịch hoặc quan hệ đó. Cụ thể hơn, luật sư có thể tư vấn cho Chính phủ ở những bước đầu tiên của giao dịch thương mại quốc tế như đàm phán và soạn thảo hợp đồng với đối tác, ở giai đoạn thực hiện hợp đồng, và cả ở giai đoạn giải quyết tranh chấp.

Với nhiệm vụ tham vấn cho Chính phủ như trên, cung cấp thông tin và ý kiến cụ thể về những khía cạnh pháp lý trong các giao dịch thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế ở tất cả các giai đoạn, luật sư đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ Chính phủ trong các hoạt động của mình. Với ý nghĩa đó, một đội ngũ luật sư có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại và đầu tư quốc tế, hoạt động chuyên nghiệp trong việc tư vấn cho Chính phủ là một nhu cầu cấp thiết.

Ông Vũ Ánh Dương chia sẻ về cách thức nộp đơn giải quyết tranh chấp điện tử với nền tảng VIAC eCase.

Ông Vũ Ánh Dương chia sẻ về cách thức nộp đơn giải quyết tranh chấp điện tử với nền tảng VIAC eCase.

- Ông đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của việc xây dựng đội ngũ luật sư tư vấn cho Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực thương mại và đầu tư quốc tế?

Theo tôi đây là vấn đề cấp thiết và cần phải làm sớm. Theo đó, có hai việc cần được nhấn mạnh đó là việc sử dụng luật sư Việt Nam thay vì luật sư/hãng luật nước ngoài và việc hình thành một đội ngũ luật sư chuyên trách trong việc tư vấn cho Chính phủ trong lĩnh vực thương mại và đầu tư quốc tế.

Đầu tiên, việc chú trọng sử dụng đội ngũ luật sư trong nước là cấp thiết vì sẽ giúp Chính phủ tiết kiệm ngân sách nhà nước. Kinh nghiệm thực tiễn từ các vụ tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế cho thấy chi phí thuê luật sư, hãng luật nước ngoài rất tốn kém với số tiền có thể lên đến hàng triệu đô-la Mỹ. Do vậy, nếu sử dụng luật sư Việt Nam tư vấn và tranh tụng sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước và giảm chi phí pháp lý trong việc theo đổi vụ kiện.

Thứ hai, việc tham gia ký kết, thực hiện các giao dịch thương mại, dự án đầu tư mà trong đó có một bên là Chính phủ, hay ở giai đoạn sau là việc giải quyết các vấn đề, tranh chấp phát sinh từ các giao dịch, dự án đó, hầu hết đều được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam. Do đó, luật sư Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc hiểu, giải thích và áp dụng các quy định, chính sách cũng như pháp luật của Việt Nam. Ngoài ra, một số bộ phận, cơ quan nhà nước có cơ chế vận hành và quy định khá đặc thù, phức tạp mà luật sư Việt Nam có thể hiểu và giải thích linh hoạt, có lợi cho Chính phủ, đây cũng là một lợi thế so với luật sư, hãng luật nước ngoài.

Thứ ba, việc tăng cường sử dụng đội ngũ luật sư Việt Nam sẽ giúp các luật sư Việt Nam được cọ xát với thực tiễn và có thêm kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực thương mại và đầu tư quốc tế. Trong quá trình này, cần chú trọng việc sử dụng kết hợp đội ngũ luật sư Việt Nam đã có kinh nghiệm quốc tế và các luật sư trẻ thuộc đội ngũ có sẵn là kết quả của Đề án 123.

Thứ tư, việc sử dụng luật sư Việt Nam còn có ý nghĩa trong việc giữ bí mật trong việc bảo vệ các thông tin liên quan đến chủ trương, chính sách của Việt Nam, nhất là các thông tin nội bộ có tính nhạy cảm, không công khai.

Nội dung tiếp theo cần nhấn mạnh để làm rõ tính cấp thiết đó là việc hình thành một đội ngũ luật sư chuyên trách trong việc tư vấn cho Chính phủ trong lĩnh vực thương mại và đầu tư quốc tế.

Theo đó, cần xây dựng một thiết chế thường trực, chuyên trách, gồm các luật sư và/hoặc tổ chức hành nghề luật sư đủ tiêu chuẩn, được tuyển chọn nghiêm ngặt. Thành viên của thiết chế này phải là các luật sư được đào tạo bài bản, có chuyên môn sâu không chỉ về pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế mà còn chuyên môn trong các chuyên ngành cụ thể của lĩnh vực thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế. Các luật sư có khả năng tư vấn cho Chính phủ trong các giao dịch thương mại quốc tế, dự án đầu tư quốc tế đồng thời có thể đại diện cho Chính phủ tham thủ tục giải quyết tranh chấp khi cần thiết (bao gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án v.v.).

Đây là chiến lược cần được triển khai càng sớm càng tốt để Chính phủ Việt Nam có được hỗ trợ tốt hơn về mặt pháp lý trong các hoạt động thương mại, đầu tư mà vẫn đảm bảo hiệu quả về mặt thời gian và chi phí.

VIAC thường xuyên phối hợp với các tổ chức để tập huấn kỹ năng chuyên sâu cho các Trọng tài viên với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia trong nước và quốc tế.

VIAC thường xuyên phối hợp với các tổ chức để tập huấn kỹ năng chuyên sâu cho các Trọng tài viên với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia trong nước và quốc tế.

- Để từng bước hiện thực hóa thiết chế nêu trên, theo ông, chúng ta cần lưu ý những vấn đề chính nào trong việc xây dựng đội ngũ luật sư tư vấn cho Chính phủ?

Việc xây dựng đội ngũ luật sư tư vấn cho Chính phủ cần được chia làm 2 công tác chính, đó là: bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ luật sư Việt Nam giỏi trong lĩnh vực thương mại và đầu tư quốc tế để tạo nguồn cho đội ngũ “luật sư của Chính phủ”; xây dựng cơ chế tuyển chọn, quản lý và sử dụng đội ngũ “luật sư của Chính phủ”.

Đầu tiên, Chính phủ cần xây dựng phương án đào tạo nguồn nhân sự ngành luật chất lượng cao nói chung và luật sư nói riêng, trên cơ sở kế tục và phát huy kết quả tốt của Đề án 123. Về đào tạo cấp cơ sở, các trường đại học cần tiếp tục thực hiện chương trình giảng dạy về thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, trong quá trình đó dần sửa đổi, hoàn thiện hơn nữa để có một chương trình học ngày càng hợp lý, đảm bảo chất lượng đầu ra là các sinh viên giỏi ngoại ngữ, giỏi chuyên môn chuyên ngành.

Về đào tạo luật sư, cần xây dựng, phê duyệt và thí điểm một số chương trình đào tạo về thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế chuyên sâu cho luật sư, bao gồm các đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Các khóa đào tạo sau đại học cần tập trung nhiều hơn vào kĩ năng thực hành, áp dụng và giải thích pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế trong các vụ việc thương mại, đầu tư quốc tế thực tế. Đối tượng của các khóa đào tạo này cần mở rộng để bao gồm không chỉ những cử nhân luật mới tốt nghiệp, mà còn bao gồm cả những luật sư trẻ có nhu cầu mở rộng và đào sâu kiến thức.

Song song với việc đào tạo, nhà nước cần tăng cường sử dụng luật sư Việt Nam trong các giao dịch, vụ kiện quốc tế bên cạnh các luật sư nước ngoài để tạo môi trường cho các luật sư Việt Nam được cọ xát và tích lũy kinh nghiệm quốc tế, học hỏi từ các luật sư/hãng luật nước ngoài, đồng thời nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ trong các vụ việc tương tự. Ngoài ra, các tổ chức/hội nhóm/câu lạc bộ chuyên ngành cần được đầu tư để phát triển về mặt quy mô và phạm vi, nội dung hoạt động, tăng cường giao lưu học hỏi giữa các thế hệ luật sư.

Nhà nước cần xây dựng cơ chế tuyển chọn, quản lý và sử dụng đội ngũ “luật sư của Chính phủ”. Nhà nước cần xây dựng bộ quy chuẩn đánh giá thành viên là cá nhân luật sư và thành viên là tổ chức hành nghề luật sư, dựa trên năng lực và kinh nghiệm; cần có cơ chế quản lý và sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư/tổ chức hành nghề luật sư thành viên, kèm theo đó là chế độ đãi ngộ hợp lý, bao gồm thù lao và các loại chế độ khác. Thiết chế này cần có một cơ quan đầu mối và cơ quan này sẽ có trách nhiệm quản lý chung, điều phối các vụ việc cụ thể mà Chính phủ cần tư vấn để chỉ định luật sư phù hợp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Kim Quy (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/can-thiet-xay-dung-doi-ngu-luat-su-tu-van-cho-chinh-phu-trong-linh-vuc-thuong-mai-va-dau-tu-quoc-te-post533746.html