Cần Thơ: Chuyển biến tích cực sau 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Sau 5 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ tại thành phố Cần Thơ từng bước được nâng cao; trên địa bàn chưa phát sinh vụ việc khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong công tác bồi thường nhà nước (BTNN).
Thực hiện quy định của Luật TNBTCNN, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND thành phố Cần Thơ đã kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật trên địa bàn. Qua đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện triển khai thi hành và tiếp cận Luật TNBTCNN theo phương châm phòng ngừa là chính.
Công tác triển khai, quán triệt Luật TNBTCNN được thực hiện đồng bộ đến cán bộ, công chức ở các ngành, các cấp. Trong quý IV năm 2017 đã thực hiện 125 cuộc tuyên truyền với 13.500 lượt người dự; Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện, cấp xã lồng ghép tuyên truyền Luật TNBTCNN cho nhân dân trên hai ngàn cuộc với gần 96.000 lượt người dự.
Để hỗ trợ công tác tuyên truyền, Sở Tư pháp đã biên soạn 6.000 tờ gấp tuyên truyền về Luật TNBTCNN phân cho UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Hàng năm, UBND thành phố đều chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về BTNN cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này.
Xác định việc theo dõi và giải quyết đơn yêu cầu bồi thường oan sai là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, UBND thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan giải quyết bồi thường phải nghiêm túc, khẩn trương thực hiện quy trình thụ lý; bảo đảm thủ tục giải quyết được thực hiện đúng trình tự theo Luật TNBTCNN. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện tốt công tác theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường, tham gia giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định pháp luật về TNBTCNN. Bên cạnh đó, đối với những trường hợp phức tạp, kịp thời xin ý kiến chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Cục BTNN (Bộ Tư pháp).
Năm 2022, thành phố thành lập Đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra công tác BTNN tại 3 cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố là Sở Tài chính, Sở Công Thương và Sở Tài nguyên và Môi trường. Từ khi Luật TNBTCNN có hiệu lực đến nay, thành phố chưa phát sinh vụ việc khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong công tác BTNN theo quy định của pháp luật.
Công tác phối hợp về BTNN được thực hiện tốt, chặt chẽ giữa UBND thành phố với Bộ Tư pháp; giữa Sở Tư pháp với Cục BTNN và các cơ quan liên ngành ở địa phương. Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác BTNN, UBND thành phố đã ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác BTNN trên địa bàn.
Tính từ ngày 01/07/2018 đến 30/06/2023, có 7 vụ việc yêu cầu BTNN do Tòa án nhân dân thành phố, Viện kiểm sát nhân dân thành phố, Công an thành phố giải quyết. Trong đó, có 4 vụ việc trong hoạt động quản lý hành chính, 2 vụ việc trong hoạt động tố tụng hình sự, 1 vụ việc trong hoạt động thi hành án dân sự. Đối với 2 vụ việc trong hoạt động tố tụng hình sự, đã thực hiện chi trả tiền bồi thường hơn 900 triệu đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giải quyết BTNN của thành phố vẫn còn một số tồn tại như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BTNN ở một số đơn vị, địa phương chưa được thực hiện thường xuyên. Kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ công chức làm công tác BTNN còn hạn chế. Công tác thụ lý, giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường còn kéo dài. Công tác nghiên cứu hồ sơ, xác minh, tham mưu giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường gặp nhiều khó khăn…
Do vậy, UBND thành phố Cần Thơ kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa về kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường chuyên sâu trong hoạt động quản lý hành chính, hoạt động tố tụng và thi hành án khi có phát sinh TNBTCNN, đồng thời có văn bản thống nhất áp dụng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn khi giải quyết yêu cầu BTNN. Bộ Tư pháp nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng quản lý nhà nước về công tác BTNN của UBND cấp thành phố.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn thành phố tăng cường theo dõi, nắm bắt, dự báo tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong thực hiện Luật TNBTCNN; tiếp tục thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Tư pháp.
Để nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành Luật TNBTCNN, UBND thành phố Cần Thơ cũng đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức hội nghị tập huấn chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường, giải đáp và hướng dẫn giải quyết một số tình huống yêu cầu bồi thường cụ thể cho địa phương.
Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu có chế độ cho cán bộ xác minh, truy tìm hồ sơ thất lạc để làm căn cứ bồi thường cho người có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong các vụ việc oan sai. Các cơ quan chức năng quan tâm, xem xét, phân bổ biên chế thực hiện nhiệm vụ BTNN cho các cơ quan tại địa phương.